Kiên quyết thực hiện các giải pháp thu hồi nợ thuế

07:10, 23/10/2015

Ngay từ đầu năm 2015, Cục Thuế tỉnh đã tăng cường các giải pháp xử lý nợ thuế, kết quả đến đầu tháng 9/2015 thu hồi được 285 tỷ đồng (số tròn). Tuy nhiên, nợ thuế vẫn không được kéo giảm mà còn tăng lên so với tổng nợ thuế từ năm 2014 chuyển sang, tổng nợ thuế đến tháng 9/2015 là 503 tỷ đồng tăng 19%.

Ngay từ đầu năm 2015, Cục Thuế tỉnh đã tăng cường các giải pháp xử lý nợ thuế, kết quả đến đầu tháng 9/2015 thu hồi được 285 tỷ đồng (số tròn).

Tuy nhiên, nợ thuế vẫn không được kéo giảm mà còn tăng lên so với tổng nợ thuế từ năm 2014 chuyển sang, tổng nợ thuế đến tháng 9/2015 là 503 tỷ đồng tăng 19%.

Vì thế, việc xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp xử lý, thu hồi nợ thuế đang được ngành thuế đẩy mạnh.

Bất động sản là một trong những lĩnh vực có số doanh nghiệp nợ tiền thuế lớn (ảnh minh họa).
Bất động sản là một trong những lĩnh vực có số doanh nghiệp nợ tiền thuế lớn (ảnh minh họa).

Báo động nợ thuế

Ông Nguyễn Tấn Hưng- Trưởng Phòng Quản lý và Cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh), trong 285 tỷ đồng nợ thuế thu hồi đến tháng 9/2015 có 58 tỷ đồng thu từ nợ cũ năm 2014 và 227 tỷ đồng nợ mới phát sinh.

“Mặc dù ngành thuế đã có giải pháp thu hồi nợ thuế tích cực, nhưng đến nay nợ đọng tiền thuế vẫn rất cao là 503 tỷ đồng”- ông nêu thực tế.

Những khó khăn, vướng mắc của ngành thuế trong quá trình thu hồi nợ thuế hiện nay, có một số nguyên do như: doanh nghiệp (DN) chây ì kéo dài nhiều năm nhưng không tự giác chấp hành nộp thuế, nộp nợ thuế. DN liên quan nợ tiền đất, tiền thuê đất từ năm 2004. Một số DN có số nợ thuế lớn, nợ kéo dài qua nhiều năm…

Trong khi đó, cơ quan thuế chỉ áp dụng chủ yếu biện pháp đôn đốc nhắc nhở, động viên là chính, chưa mạnh dạn xử lý các bước cưỡng chế như quy định nhằm tạo điều kiện cho DN khắc phục.

“Đã đến thời điểm báo động về nợ thuế và phải tập trung dồn sức quyết liệt cho công tác xử lý thu hồi nợ thuế trong thời gian tới”- Cơ quan thuế đưa ra cảnh báo.

Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, trong số tiền nợ thuế 503 tỷ được phân loại gồm: nợ khó thu 123 tỷ do đối tượng nộp thuế chết, mất tích, bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, phá sản, ngưng nghỉ,…; nợ do phạt chậm nộp hàng tháng 167 tỷ cũng thuộc dạng khó thu vì nợ gốc đã không nộp được, nợ phát sinh càng khó thu; và nợ có khả năng thu là 213 tỷ đồng.

Hiện có gần 50 DN nợ tiền thuế kéo dài, nổi cộm là ở các lĩnh vực bất động sản, gạch gốm, thủy sản,… Một số DN nợ thuế lớn 20- 30 tỷ đồng, có DN bất động sản nợ thuế lên đến 50 tỷ.

Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, việc xử lý thu hồi gặp khó có nhiều nguyên nhân, trong đó, có một số DN “dựa dẫm quan hệ chằng chịt”; một số DN tránh né, thậm chí chiếm dụng tiền thuế, lợi dụng điều kiện khó khăn, chính sách nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trong điều kiện suy thoái kinh tế để chiếm dụng tiền thuế.

Trong khi công tác cưỡng chế cũng chưa mạnh dạn, chỉ cưỡng chế một số DN nhưng với hình thức trích tài khoản, phong tỏa tài khoản ở ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; ngành thuế cũng dự kiến kê biên một số DN nhưng khi điều tra nắm lại thì tài sản của chủ sở hữu không còn.

Kiên quyết xử lý

Đề cập đến việc xử lý thu hồi nợ thuế, ông Nguyễn Tấn Hưng cho rằng: “Chúng tôi luôn xác định cơ quan thuế và DN là bạn đồng hành, thực hiện thu đúng, thu đủ và công bằng xã hội.

Vì thế, cơ quan thuế luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để DN thực hiện nghĩa vụ của mình, bằng cách thường xuyên phối hợp với nhau để tìm ra giải pháp tốt nhất, điều kiện phù hợp cho DN.

Biện pháp quan trọng nhất của ngành thuế là kiên trì đôn đốc, vận động tạo điều kiện cho DN khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh và tự giác phân kỳ để nộp giảm dần nợ thuế”.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, đối với các DN chây ì, cố tình không nộp tiền nợ thuế thì cơ quan thuế phải kiên quyết xử lý đúng theo luật định.

Ngày 15/9/2015, UBND tỉnh đã có Công văn 3058 giao Cục trưởng Cục Thuế xem xét, giải quyết việc thu hồi nợ thuế của các DN trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền và luật định. Trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị Cục Thuế xin ý kiến Bộ Tài chính xem xét, giải quyết.

Cùng với đó, một trong những giải pháp xử lý, thu hồi nợ thuế của ngành thuế thời gian tới, là: rà soát phân loại nợ thuế, xem xét, đánh giá đối tượng nợ thuế để qua đó có những giải pháp phù hợp.

Chẳng hạn, DN, hộ gia đình, cá nhân còn nợ thuế có thiện chí khắc phục thì cho cam kết phân kỳ nộp nợ, nộp dứt phần nợ gốc, cam kết nộp dần tiền nợ thuế, tiền chậm nộp và nộp dứt điểm trong thời gian nhất định.

Mặt khác, cương quyết xử lý bằng các biện pháp cưỡng chế theo luật định đối với số DN, hộ gia đình, cá nhân còn nợ thuế quá hạn có khả năng, điều kiện mà cố tình né tránh không nộp nợ thuế. Đồng thời trong thực hiện cưỡng chế thu hồi nợ thuế phải công tâm, khách quan, tuân thủ quy trình nghiệp vụ và đúng quy định.

 

Theo Cục Thuế tỉnh, trong những năm gần đây, tình hình nợ thuế phát sinh ngày càng tăng. Cụ thể, số nợ thuế đến ngày 31/12 hàng năm như sau: năm 2011: 225 tỷ; năm 2012 tăng lên 380 tỷ; năm 2013 nhờ tăng cường các giải pháp xử lý nợ thuế giảm còn 358 tỷ; năm 2014 tăng vọt 422 tỷ và đến 31/4/2015 lên đến 623 tỷ. 

Nguyên nhân một số DN có số nợ thuế lớn chưa xử lý thu hồi được, nợ phát sinh tiếp tục chồng lên và tiền chậm nộp càng tăng thêm (bình quân tiền chậm nộp mỗi tháng tăng từ 3- 5 tỷ đồng), từ đó nợ thuế không được kéo giảm mà lại tăng lên.

 

Bài, ảnh: LÝ AN 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh