Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam- Lào và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam- Lào sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt đầu tư tại Lào.
Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam- Lào và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam- Lào sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt đầu tư tại Lào.
Theo Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam Lào được ký hồi tháng 6/2015, các sản phẩm của dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi nhập khẩu về Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và Miền núi - Bộ Công Thương cho rằng đó chỉ là một trong những ưu đãi mà Hiệp định này mang tới, nắm bắt được những cơ hội mà Hiệp định này mang lại sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội khi đầu tư, kinh doanh tại Lào, đặc biệt là khi cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời vào cuối năm nay.
Ảnh minh hoạ |
Ông Hội nói: “Các doanh nghiệp cần phải tính đến làm sao để tận dụng cơ hội mà Hiệp định thương mại biên giới, một hiệp định đặc thù để luân chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới của hai nước cũng như là xuất nhập cảnh người, phương tiện không chỉ giữa Việt Nam- Lào mà xuất cảnh đi các nước ASEAN, các nước trong khu vực. Đây thực sự là một cơ hội mới, mở ra những định hướng mới cho các doanh nghiệp trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN đang hoàn thành”.
Ông Hội cho biết thêm, khi Hiệp định thương mại biên giới chính thức có hiệu lực, những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Lào đang gặp phải cũng từng bước được giải quyết. Các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cho rằng một khi những khó khăn vướng mắc được dỡ bỏ sẽ giúp họ thêm yên tâm khi đầu tư kinh doanh trên nước Lào. Qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước lên 2 tỷ USD vào cuối năm nay và lên 5 tỷ USD vào năm 2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, Lào là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Đã có 4 dự án mới và 2 lượt điều chỉnh vốn được Bộ cấp phép đầu tư sang Lào với số vốn gần 54 triệu USD, chiếm 1/3 tổng số vốn đăng ký mới và điều chỉnh vốn của các dự án được cấp phép đầu tư ra nước ngoài trong 6 tháng qua. Hiện Việt Nam đang đứng trong top 3 nhà đầu tư lớn nhất của Lào với 259 dự án và tổng vốn đầu tư 3,9 tỷ USD.
Tiến sỹ Bounthavy Sisouphanthong-Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cho biết, các dự án của Việt Nam tập trung vào 3 lĩnh vực chính là nông nghiệp, dịch vụ và thủy điện. Không chỉ góp phần phát triển kinh tế, các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào còn mang lại nhiều lợi ích xã hội, thể hiện rõ mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc.
“Nguồn vốn đầu tư của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với chúng tôi. Các dự án đầu tư của Việt Nam đã giúp kinh tế Lào phát triển. Và điều quan trọng nữa là đã giúp phát triển nguồn nhân lực của Lào. Bởi ngoài nguồn học bổng của chính phủ Việt Nam dành cho Lào thì một số công ty trong thời gian đầu tư cũng đã đào tạo người dân địa phương để họ làm việc cho các dự án. Đặc biệt ở một số vùng sâu, rất khó để tiếp cận thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có mặt để làm đường hay xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan”, tiến sỹ Bounthavy Sisouphanthong nhấn mạnh.
Năm 2014, kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu Việt - Lào đạt hơn 1,5 triệu USD còn kim ngạch thương mại song phương của hai nước chỉ là gần 1,3 triệu USD. Điều này có nghĩa là hàng hóa lưu chuyển qua các cửa khẩu biên giới Việt – Lào không chỉ là hàng hóa được sản xuất ở hai nước mà còn có hàng hóa của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới.
Vì thế, nếu tận dụng được các ưu đãi mà Hiệp định thương song phương và Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam Lào, các doanh nghiệp VN sẽ có nhiều cơ hội để thành công tại thị trường Lào, từ đó mở rộng sang thị trường các nước khác trong khu vực. /.
Theo http://vov.vn/kinh-te/hiep-dinh-thuong-mai-viet-lao-va-co-hoi-cua-cac-doanh-nghiep-viet-440472.vov
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin