Doanh nghiệp thủy sản ngoại thắng thế

06:10, 27/10/2015

Chỉ đạo mới nhất của Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính cùng các đơn vị liên quan tham gia vào kiểm tra, xem xét khả năng chuyển giá của các công ty nước ngoài sản xuất thức ăn thủy sản, trước tình trạng giá thức ăn thủy sản tăng cao. 

Chỉ đạo mới nhất của Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính cùng các đơn vị liên quan tham gia vào kiểm tra, xem xét khả năng chuyển giá của các công ty nước ngoài sản xuất thức ăn thủy sản, trước tình trạng giá thức ăn thủy sản tăng cao.

Sự phụ thuộc quá nhiều vào một số công ty nước ngoài sản xuất và cung cấp thức ăn thủy sản trên thị trường đã dẫn đến tình trạng nông dân buộc phải chấp nhận giá tăng cao do không có lựa chọn nào khác.

Theo thống kê của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cả nước hiện nay có hơn 200 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, chiếm đa số là doanh nghiệp (DN) nội. DN ngoại chỉ chiếm số nhỏ, nhưng đang chiếm tới hơn 60% thị phần.

Chỉ riêng phân khúc thức ăn thủy sản, hiện tại các DN FDI dù có số lượng ít hơn, nhưng lại đang nắm trong tay 80% thị phần trên thị trường thức ăn thủy sản, như Uni-President, CP, Tomboy, Cargill hay Green Feed. Đặc biệt, Cargill, Uni-President hay CP đều liên tục có kế hoạch phát triển, xây dựng thêm nhà máy và mở rộng công suất sản xuất.

Với vị trí thống lĩnh thị trường như vậy, các DN FDI đang có lợi thế trong việc chi phối giá cả trên thị trường. Trong báo cáo của Hội Nghề cá Việt Nam cũng nêu rõ sự lỏng lẻo trong quản lý giá cả đã dẫn đến tình trạng giá thức ăn thủy sản liên tục tăng. Điều này khiến giá bán thủy sản sẽ phải tăng theo và hệ quả là xuất khẩu thủy sản của Việt Nam như tôm hay các sản phẩm cá da trơn sẽ cao giá hơn giá sản phẩm từ các nước như Ấn Độ hay Indonesia .

Chưa biết kết quả cuộc kiểm tra sẽ ra sao, nhưng có một điều chắc chắn là nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, các DN FDI sẽ rất dễ lợi dụng vị thế chi phối thị trường của mình để tiếp tục tăng giá.

LÝ AN 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh