"Các doanh nhân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã và đang đóng một vai trò rất quan trọng, có thể nói là đầu tàu trong việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đặc biệt là trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế"- ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
“Các doanh nhân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã và đang đóng một vai trò rất quan trọng, có thể nói là đầu tàu trong việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đặc biệt là trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế”- ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Các doanh nghiệp địa phương đã góp phần tạo việc làm, xây dựng đội ngũ lao động có tác phong công nghiệp. |
Tạo việc làm trên 28.600 lao động/năm
Theo đánh giá của UBND tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có 3.978 DN, 800 chi nhánh và văn phòng đại diện với các lĩnh vực công nghiệp, chế biến, nông sản, xây dựng, thương mại- dịch vụ. Lực lượng DN này đã góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cho tỉnh nhà.
Điều đó thể hiện qua đóng góp vào ngân sách rất lớn của DN, năm 2014 đạt 2.948 tỷ đồng. Những DN có số nộp ngân sách cao như: Nhà máy Bia Sài Gòn Vĩnh Long, Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long, Công ty ACECOOK Vĩnh Long, Công ty TNHH Tỷ Xuân…
Hàng năm, giải quyết việc làm cho 28.648 lao động. Đồng thời, các DN còn đóng góp các chương trình an sinh xã hội trong năm 2014 trên 97 tỷ đồng, trong đó quỹ Vì người nghèo trên 17 tỷ, giá trị an sinh xã hội là 80 tỷ đồng.
“Với vai trò của mình, các DN đồng thời tạo cơ hội thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần giữ vững an ninh chính trị- trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Các DN trên địa bàn tỉnh mặc dù vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đã và đang đóng một vai trò rất quan trọng, có thể nói là “đầu tàu” trong phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương”- ông Lê Quang Trung nhận xét.
Chuyển biến rõ nét nhất của Vĩnh Long thời gian qua là đã hình thành các khu- tuyến công nghiệp (CN) tạo thêm những yếu tố tăng trưởng kinh tế mới. Ông Đặng Quang Tấn- Phó trưởng Ban Quản lý Các khu CN- cho biết các DN trong các khu- tuyến CN đã đóng góp lớn vào tăng trưởng giá trị sản xuất CN, tăng giá trị xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương, cũng như hình thành lực lượng lao động có tác phong CN.
Đến nay, các khu- tuyến CN của tỉnh đã thu hút 38 dự án đầu tư, trong đó có 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng diện tích đất CN đã cho thuê 190,16ha, vốn đầu tư đăng ký trên 3.981 tỷ đồng và 124,3 triệu USD đồng thời giải quyết việc làm cho hơn 21.500 lao động.
Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất CN trong các khu CN đều vượt, năm sau cao hơn năm trước. Chẳng hạn, năm 2014 là trên 8.695 tỷ đồng, tăng 11,22% so với năm 2013, chiếm 44,3% tổng giá trị sản xuất CN toàn tỉnh; giá trị xuất khẩu năm 2014 đạt 200 triệu USD, tăng 9,11% so năm 2013 và chiếm 70,62%/ tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Nộp ngân sách trung bình hàng năm đều tăng, năm 2009 là 76 tỷ thì đến năm 2013 là 205 tỷ, năm 2014 là trên 187 tỷ.
Cũng theo tính toán của Ban quản lý Các khu CN, bình quân 1ha đất CN trong vòng 1 năm (năm 2014) tạo ra giá trị sản xuất CN 49,73 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu 1,14 triệu USD và tạo việc làm cho hơn 105 lao động. Điều này cho thấy rõ hiệu quả và đóng góp nổi bật của các khu CN. Mặt khác, các khu CN cũng đã tác động tích cực tới việc thúc đẩy phát triển các dịch vụ, nâng cao hiệu quả tổng hợp của các ngành sản xuất, đời sống kinh tế- xã hội của người dân ven các khu CN.
Phát huy vai trò chủ động của DN
Các doanh nhân, doanh nghiệp còn là “đầu tàu” đổi mới công nghệ, thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh. |
Ông Lê Quang Trung nhận định: “Những năm qua, trong bối cảnh tình hình DN cả nước nói chung và Vĩnh Long nói riêng còn gặp rất nhiều khó khăn do biến động của kinh tế. Song, với tinh thần chủ động, đội ngũ doanh nhân và DN Vĩnh Long cũng có sự tăng trưởng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Lực lượng DN tiếp tục lớn mạnh và thể hiện vai trò ngày càng đậm nét. Chính trong giai đoạn khó khăn của kinh tế đã tạo điều kiện cho các DN tự rà soát và chấn chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh để phù hợp với yêu cầu mới của thị trường, đặc biệt là lành mạnh về tài chính”.
Cụ thể quy mô vốn đầu tư trung bình của 1 DN tăng (năm 2014 là 2 tỷ/DN, năm 2015 là 5,6 tỷ/DN). Tính đến ngày 15/9/2015, số lượng DN phát triển mới tăng 132,5%, so với cùng kỳ năm 2014.
“Đây chính là điều kiện thuận lợi để các DN trên địa bàn tỉnh sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”- ông Lê Quang Trung nhấn mạnh và không quên nhắn lời tới các doanh nhân, DN rằng: “Vấn đề hội nhập kinh tế, DN không nên quá trông chờ vào những công cụ hỗ trợ của Nhà nước và chúng ta cần phải đặt câu hỏi “có bao nhiêu DN trên địa bàn tỉnh quan tâm đến hội nhập?”
Khi đặt vấn đề phát triển DN tư nhân, ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư- cho biết cần quan tâm, nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN có môi trường kinh doanh tốt hơn và nâng cao được năng lực cạnh tranh.
Đồng thời đề cao khả năng chủ động của DN và các việc DN cần làm, đó là: “Bản thân các DN cũng phải chủ động, tích cực để nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm, cắt giảm chi phí để giảm giá thành; xây dựng năng lực, phát triển nguồn nhân lực, lao động và đội ngũ chuyên gia… để đủ sức cạnh tranh trên thị trường”- ông Phúc nói.
Ông Lê Quang Trung: Công khai minh bạch thông tin, thực hiện các chương trình hỗ trợ DN Vai trò của địa phương cùng với cả nước là xây dựng một nền kinh tế mở, năng động, nền kinh tế có các sản phẩm dịch vụ có khả năng xuất khẩu cao. Thời gian qua, địa phương đã ban hành Kế hoạch số 3178 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cụ thể: - Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. - Thực hiện công khai minh bạch thông tin cho DN. - Triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ DN, thực hiện tái cơ cấu kinh tế và cổ phần hóa DN nhà nước. - Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm phục vụ thu hút đầu tư. - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa- hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. - Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hội nghề nghiệp, hội doanh nhân. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin