Trong thời gian qua, khi tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân về dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, về cơ cấu kinh tế trong 5 năm tới của tỉnh, rất nhiều ý kiến đặt ra là nên ưu tiên phát triển công nghiệp hay nông nghiệp?
Trong thời gian qua, khi tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân về dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, về cơ cấu kinh tế trong 5 năm tới của tỉnh, rất nhiều ý kiến đặt ra là nên ưu tiên phát triển công nghiệp hay nông nghiệp?
Lấy công nghiệp làm hướng đột phá
Trong nhiệm kỳ 2010- 2015, kết quả thực hiện cơ cấu kinh tế của tỉnh ở 3 khu vực cụ thể, khu vực I (nông- lâm nghiệp, thủy sản) chiếm 33,1%; khu vực II (công nghiệp và xây dựng) chiếm 22,3% và khu vực III (dịch vụ) chiếm 44,6%.
Theo dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, trong 5 năm tới, tỉnh sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “công nghiệp- xây dựng, nông nghiệp, thương mại- dịch vụ”, trong đó chỉ tiêu của 3 khu vực cụ thể là 27%- 28%- 45%.
Theo định hướng này, tỉnh sẽ củng cố và phát huy hiệu quả các ngành, lĩnh vực công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp theo đề án tái cơ cấu ngành công thương.
Đồng thời, chọn lọc phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với thế mạnh, định hướng phát triển kinh tế- xã hội và điều kiện thực tế của địa phương nhằm tạo những chuyển biến mới cho tăng trưởng công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tỉnh phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 13,7%, tỷ trọng công nghiệp- xây dựng trong cơ cấu kinh tế đạt 28%.
Để thực hiện cơ cấu này, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến từ nguyên liệu của ngành nông nghiệp- thủy sản; công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp phụ trợ và công nghiệp sử dụng nhiều lao động, chú trọng các ngành công nghiệp tạo ra những sản phẩm sức cạnh tranh cao hoặc sử dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.
Song song đó, tỉnh tổ chức gắn kết giữa phát triển công nghiệp chế biến và đẩy mạnh thương mại- dịch vụ, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp, nông thôn- một giải pháp để giải quyết bài toán khó cho nông dân tránh điệp khúc “được mùa mất giá” đã tồn tại từ nhiều năm qua.
Tại sao phải ưu tiên phát triển công nghiệp?
Đóng góp về vấn đề này cũng có nhiều ý kiến đồng tình và không đồng tình. Lý do không đồng tình, vì Vĩnh Long vốn là tỉnh nông nghiệp với hơn 80% hộ dân gắn với nghề nông.
Nhiều ý kiến còn ngán ngại khi chuyển cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp thì cần một suất đầu tư lớn mà hiệu quả của nó có thể không đạt kết quả như mong muốn trong một nhiệm kỳ.
Theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ: Với diện tích đất nông nghiệp lớn, điều kiện thiên nhiên khá ưu đãi, nằm trong liên kết vùng nên theo ông vẫn nên ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp.
Thời gian tới, tỉnh cần quy hoạch vùng chuyên canh, nâng cao chất lượng nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản để đảm bảo giá cả ổn định hơn cho người nông dân”.
Ông Phạm Minh Hoàng- Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Bình Minh cho rằng: Đối với Vĩnh Long, nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng rất lớn, công nghiệp không có tập trung bao nhiêu. Hiện nay, công nghiệp của Vĩnh Long chủ yếu tập trung ở Hòa Phú, Cổ Chiên và Bình Minh.
Tuy nhiên, đối với Bình Minh thì đến giờ này cơ bản chưa có gì để gọi là công nghiệp phát triển mạnh. Do đó, đối chiếu với mục tiêu của dự thảo đưa ra về cơ cấu kinh tế đến năm 2020, nên đưa nông nghiệp lên trước vì diện tích nông nghiệp ở Vĩnh Long chiếm số lượng lớn.
Theo ông, tỉnh cần xác định nông nghiệp là hàng đầu để tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp chất lượng cao nhằm giúp nâng cao đời sống và thu nhập người dân. Trong thực hiện phát triển nông nghiệp, đồng thời vừa kêu gọi đầu tư để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp. Theo ông, nếu thực hiện được 2 vấn đề này thì mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 Vĩnh Long trở thành tỉnh khá” vẫn đảm bảo sẽ đạt được.
Song, rất nhiều ý kiến tán thành như dự thảo báo cáo chính trị của tỉnh vì nếu như cứ tiếp tục đầu tư cho nông nghiệp thì tỉnh khó mà bứt phá để trở thành một tỉnh khá như chỉ tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Việt Trung- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tỷ Xuân cho rằng: Trước đây, cơ cấu kinh tế của tỉnh là nông nghiệp- công nghiệp- dịch vụ. Chúng ta nên đánh giá nó có phát huy hiệu quả không.
Nếu có hiệu quả thì tiếp tục giữ, hoặc nếu cần phải thay đổi thì nên điều chuyển lại cho phù hợp. Đất nước ta vẫn lấy nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu, tỷ trọng nông nghiệp chiếm rất là cao, tuy nhiên những năm sau này dần dần có những tỉnh không đưa nông nghiệp làm trọng tâm nữa mà là công nghiệp hay dịch vụ.
Theo ông, nếu lấy nông nghiệp làm mũi nhọn đột phá thì phải là nông nghiệp công nghệ cao, chứ làm kiểu nông nghiệp đơn thuần như hiện nay thì khó mà phát triển được.
Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long Nguyễn Trọng Nghiệp, hiện nay nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng thấp nhất và nông nghiệp có phát triển được hay không là do tác động của công nghiệp. Một vấn đề nữa là hiện nông nghiệp của ta sản xuất ra toàn bán thô, việc chế biến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng không cao.
Theo ông, cần tập trung đầu tư cho công nghiệp chế biến để hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển. Trong đó, chú ý đến việc liên kết trong khu vực để khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có tại chỗ thì mới có thể bứt phá được.
Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư cho rằng, về cơ sở lựa chọn hướng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cá nhân ông và ngành thống nhất là công nghiệp- xây dựng; nông nghiệp và thương mại- dịch vụ.
Vì đây là cơ cấu kinh tế phù hợp với định hướng phát triển chung của cả nước và điều kiện của Vĩnh Long và phù hợp với dự thảo văn kiện của Trung ương là sẽ phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của Vĩnh Long.
Hơn nữa, công nghiệp- xây dựng nếu phát triển sẽ có tác động nhanh, thúc đẩy hiệu quả đến cả 2 lĩnh vực còn lại là nông nghiệp và dịch vụ cùng phát triển.
Đối với nông nghiệp là quá trình công nghiệp hóa nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, gia tăng chuỗi giá trị qua chế biến, chủ động liên kết chặt chẽ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ…
Đối với dịch vụ sẽ gia tăng các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Ngoài ra, sẽ góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề về chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập và các vấn đề an sinh xã hội khác.
Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin