Chỉ có 36% doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam tận dụng được FTA

09:10, 22/10/2015

Bà Atsuko Fukagawa, Phó Giám đốc điều hành Văn phòng đại diện Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh hiện nay, nhận thức của nhiều doanh nghiệp về các FTA, EPA cho thấy chưa biết cách vận dụng và tỷ lệ sử dụng chưa tăng như kỳ vọng.

 

Dây chuyền sản xuất phụ kiện ôtô, xe máy phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu tại Công ty Nissin Manufacturing Việt Nam (100% vốn đầu tư của Nhật Bản) tại Khu Công nghiệp Lương Sơn, Hòa Bình. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Dây chuyền sản xuất phụ kiện ôtô, xe máy phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu tại Công ty Nissin Manufacturing Việt Nam (100% vốn đầu tư của Nhật Bản) tại Khu Công nghiệp Lương Sơn, Hòa Bình. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Bà Atsuko Fukagawa, Phó Giám đốc điều hành Văn phòng đại diện Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh hiện nay, nhận thức của nhiều doanh nghiệp về các FTA, EPA cho thấy chưa biết cách vận dụng và tỷ lệ sử dụng chưa tăng như kỳ vọng.

Ngày 21/10, tại hội thảo "Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định đối tác toàn diện kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (EPA)," theo khảo sát doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương do JETRO thực hiện năm vừa qua cho thấy, tỷ lệ vận dụng FTA, EPA của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chỉ đạt 36%.

Khi so sánh tỷ lệ vận dụng FTA, EPA của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam so với các nước khác trong khu vực còn kém xa, cụ thể Indonesia là 58,2%; Thái Lan 53,7%; Malaysia 48,9%...

Tại hội thảo, các chuyên gia đã cập nhật thông tin mới và giới thiệu những quy định về quy tắc xuất xứ của các FTA, EPA, nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản vận dụng các Hiệp định này hiệu quả hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường và hoạt động xuất nhập khẩu.

Ông Nguyễn Quan Phúc, đại diện Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhấn mạnh quy định về quy tắc xuất xứ trong các FTA, EPA đóng vai trò quan trọng, vì đây là cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu có đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan hay không.

Mặt khác, quy định về quy tắc xuất xứ còn nhằm đảm bảo sự can bằng hợp lý giữa "thuận lợi hoá thương mại" và "chống gian lận thương mại." Đồng thời, các quy tác trên là công cụ đo mức độ thụ hưởng và tận dụng ưu đãi tại các bên là thành viên tham gia Hiệp định Thương mại tự do. Bên cạnh đó, thỏa mãn quy định về quy tắc xuất xứ, được hưởng thuế quan ưu đãi, từ đó kích thích hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Tương tự, các chuyên gia thống nhất nhận định, việc vận dụng FTA, EPA của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu giữa Nhật Bản và Việt Nam nói riêng, Nhật Bản với khu vực ASEAN nói chung có ý nghĩa rất to lớn.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chiếm khoảng 60% xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, khoảng 20% xuất khẩu sang khu vực ASEAN. Đồng thời, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục xem xét mở rộng thị trường xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và ASEAN trong thời gian tới./.

Theo http://www.vietnamplus.vn/chi-co-36-doanh-nghiep-nhat-tai-viet-nam-tan-dung-duoc-fta/350741.vnp

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh