Trong bối cảnh Ngân hàng HSBC vừa nâng dự báo về mức tăng GDP của Việt Nam năm 2015 lên mức 6,6% so với mức 6,3% trước đây và dự báo GDP năm 2016 là mức 6,7% so với mức cũ là 6,5%, rất nhiều tờ báo, hãng tin trên thế giới đã có nhiều bài viết nhận định về những tín hiệu tích cực của nền kinh tế dải đất hình chữ S.
Trong bối cảnh Ngân hàng HSBC vừa nâng dự báo về mức tăng GDP của Việt Nam năm 2015 lên mức 6,6% so với mức 6,3% trước đây và dự báo GDP năm 2016 là mức 6,7% so với mức cũ là 6,5%, rất nhiều tờ báo, hãng tin trên thế giới đã có nhiều bài viết nhận định về những tín hiệu tích cực của nền kinh tế dải đất hình chữ S.
May áo sơ mi xuất khẩu sang Hoa Kỳ và châu Âu tại Tổng Công ty cổ phần may Nhà Bè. Ảnh: KIM NGÂN |
Lạc quan
Hãng tin RFI đưa tin: Việt Nam đang nhắm đến việc đánh bại các dự báo dè dặt ban đầu. Hãng tin của Pháp dẫn kết quả “đáng lạc quan” từ sản xuất hàng xuất khẩu và lĩnh vực dịch vụ để minh chứng cho nhận định của mình.
Nói về khía cạnh này, một nghiên cứu của ANZ Banking Group cho hay: Việt Nam là quốc gia duy nhất có tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, chứng tỏ đã ký kết được nhiều hợp đồng so với các nước trong khu vực.
Tuần trước, Ngân hàng Phát triển châu Á thì dự báo về GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2015. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong số 6 nền kinh tế chủ chốt của Đông Nam Á được ngân hàng này ghi nhận.
Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát đang giảm xuống ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua và chi phí năng lượng thấp đã giúp cho tiêu dùng nội địa tăng trưởng. Nhờ đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ngoại lệ
Trong khi đó, nhật báo Les Echos có bài viết mang tựa đề “Trước tình trạng kinh tế Trung Quốc chậm lại, Việt Nam là một ngoại lệ”, trong bối cảnh các quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng khác nhau trước sự sa sút của Trung Quốc.
Tăng trưởng chậm của Trung Quốc đang đè nặng lên toàn khu vực. Những nạn nhân bị thiệt hại nhiều nhất là Hồng Công, Mông Cổ và Singapore, theo một nghiên cứu mới đây của Công ty Bảo hiểm Coface của Pháp. Hồng Công và Singapore bị tác động do các hoạt động trao đổi thương mại lớn với Trung Quốc, cũng như thị trường tài chính. Mông Cổ còn lệ thuộc nhiều hơn vì đến 90% xuất khẩu là sang Trung Quốc, chủ yếu là nguyên vật liệu.
Tờ Les Echos nhận xét, nếu Malaysia và Indonesia cũng bị ảnh hưởng do quan hệ thương mại với Bắc Kinh, ngoài Ấn Độ, còn có một ngoại lệ đáng chú ý trong khu vực, đó là Việt Nam. Với tỷ lệ tăng trưởng 6,81% trong quý 3, quốc gia này nổi bật qua sức sống mạnh mẽ. Đó là nhờ xuẩt khẩu (tăng 9,6% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái) và dịch vụ tăng, cũng nhờ khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.
Charlie Carre, nhà kinh tế chuyên về châu Á của Coface phân tích rằng do chất lượng lao động Việt Nam tốt, cơ sở hạ tầng khá và mức lương lại thấp hơn Trung Quốc, các tập đoàn sản xuất xe hơi cũng như các nhà cung cấp sản phẩm công nghệ (nhất là Samsung) đã chuyển nhà máy đến Việt Nam.
Một ưu thế khác, ngoài dệt may, Việt Nam ngày càng lắp ráp nhiều mặt hàng xuất sang Mỹ và châu Âu. Lạm phát giảm (khoảng 1%) nhờ giá năng lượng giảm, khiến tiêu dùng của các hộ gia đình cũng như số doanh nghiệp mới thành lập tăng lên (tăng 29% trong năm nay).
Tuy nhiên, Elke Speidel-Walz, nhà kinh tế về các thị trường mới nổi của Deutsche Asset & Wealth Management cho rằng để thúc đẩy đầu tư nhiều hơn nữa, Việt Nam cần phải đẩy nhanh cải cách. Theo chuyên gia trên, Việt Nam có thể nhìn sang Indonesia.
Để bù lại khiếm khuyết về quản lý, giáo dục, cơ sở hạ tầng, Indonesia vừa loan báo thủ tục rút gọn để lập công ty trong các khu công nghiệp, và biện pháp kích thích về thuế khóa để lợi nhuận được giữ lại trong nước. Chia sẻ với nhận định trên, Charlie Carre cũng cho rằng cải cách chính sách và thủ tục hành chính là điều mà Việt Nam cần phải thực hiện khẩn trương nếu muốn tiếp tục là nền kinh tế có những bước tiến ấn tượng.
Theo http://www.sggp.org.vn/vietnamvathegioi/2015/10/398208/
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin