Mua mỹ phẩm online- "đánh cược" niềm tin

07:09, 29/09/2015

Mua mỹ phẩm online dần trở nên phổ biến vì tính tiện lợi và nhanh chóng, giá rẻ và thường xuyên đi kèm khuyến mãi hấp dẫn.

Mua mỹ phẩm online dần trở nên phổ biến vì tính tiện lợi và nhanh chóng, giá rẻ và thường xuyên đi kèm khuyến mãi hấp dẫn.

Chỉ cần một cái “click chuột”, trong vòng 24 giờ đến vài ngày, sản phẩm đã được giao hàng tận nơi mà không phải tốn công sức đi lại, chọn lựa lâu hay trả giá. Song nó cũng tiềm ẩn nguy cơ mua phải hàng sắp hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng nhái; thậm chí sản phẩm chứa chất độc hại, dẫn đến dị ứng.

Thời gian qua, ngành chức năng đã phát hiện nhiều loại mỹ phẩm kém chất lượng.
Thời gian qua, ngành chức năng đã phát hiện nhiều loại mỹ phẩm kém chất lượng.

“Click chuột” là có hàng

Mỹ phẩm đang được bán tràn lan qua mạng Internet với quảng cáo hàng xuất xứ “xịn” nhưng giá rẻ vì là “hàng xách tay không phải chịu thuế” rất hấp dẫn. Ngoài công dụng này nọ, người bán còn đưa ra rất nhiều lời quảng cáo “có cánh”: nào là kem đánh bay mụn, tẩy trắng da mịn ngọc ngà, kem chống lão hóa, xóa vết nhăn, chống nắng, làm căng da vùng mắt, son môi “lì” màu, không trôi, chì kẻ mắt siêu đẹp... Có trang còn đưa cả giấy chứng nhận sản phẩm để người mua
tin tưởng.

Gõ cụm từ mỹ phẩm giá rẻ, Google cho ngay 1,5 triệu kết quả trong vòng 0,32 giây với đủ loại sản phẩm cũng như thương hiệu, giá giảm 20% thậm chí đến 70%. Các sản phẩm này được quảng cáo với những hình ảnh bắt mắt, với lời cam kết “hàng thật giá rẻ bất ngờ”. Điển hình, một trang mạng bán mỹ phẩm quảng cáo: mua 2 chai nước hoa Coco Chanel giá gốc 663.000đ chỉ với 199.000đ hay như trọn bộ mỹ phẩm Maybelline gồm 7 sản phẩm: 1 phấn phủ chống nhờn Clear Smooth, 1 son môi Maybelline, 1 kẻ mắt nước Maybeline, 1 mascara Maybeline, 1 kem nền che khuyết điểm Maybelline Babe Skin 30ml, 1 phấn má hồng, 1 phấn mắt với giá chỉ 230.000đ. Giá bán này chỉ bằng giá của 1 sản phẩm chính hãng.

Đối với hình thức kinh doanh trên mạng này, ai cũng có thể tham gia bán hàng, chỉ cần có một cái nick trên trang xã hội nào đó rồi đăng tin về sản phẩm là đã có thể kinh doanh. Mua bán mỹ phẩm trên mạng không hẳn đều là sản phẩm kém chất lượng nhưng số lượng trang bán hàng uy tín rất ít so với “ma trận” hàng giả, hàng nhái hiện nay. Nhằm lấy lòng tin của khách hàng, không ít người bán khẳng định bản thân đang sử dụng và cho kết quả ngoài mong đợi cùng với hàng loạt bức ảnh đã chứng minh. Muốn mua, khách hàng chỉ cần chuyển tiền vào tài khoản, cung cấp địa chỉ là hàng sẽ được chuyển đến tận nơi.

Nhiều khách hàng, đặc biệt là các bạn tuổi teen là “fan ruột” của hình thức mua sắm này. Bởi theo nhiều bạn, mua trên mạng đỡ tốn công đi đến tiệm chọn lựa lâu, lại phải trả giá, không có giá khuyến mãi ưu đãi như trên mạng. Bên cạnh đó, nhiều trang còn đăng tải “người thật sản phẩm thật” có minh chứng sử dụng qua sản phẩm và có hiệu quả hẳn hoi nên... ít sợ bị lầm. Bạn Mỹ Tuyên (Long Hồ) chia sẻ: “Các sản phẩm làm đẹp bán trên mạng như kem tắm trắng, kem dưỡng da, son môi,... đều được giới thiệu rất hấp dẫn, đi kèm là những hình ảnh minh họa rất đẹp. Thấy là cầm lòng không được rồi”.

Đừng mua hàng bằng... niềm tin mong manh

Có thể nói rằng mua hàng trên mạng là một hình thức mua hàng bằng... niềm tin nhưng niềm tin này lại khá mông lung, khi mà người mua và người bán không có gì ràng buộc. Ngoài ưu điểm tiện lợi, nhanh chóng, hình thức mua hàng từ xa này rất khó kiểm soát, có thể dẫn đến những rủi ro cao cho người mua bởi tất cả chỉ giao dịch thông qua chuyển khoản và bưu điện với những thông tin không biết thật hay giả như nickname, tên, số điện thoại...

Người dùng có nickname Thanh Huong Thai cho rằng: “Mua bán trên mạng chỉ là ảo không ai chịu trách nhiệm cả, uy tín và độ tin cậy cũng chỉ mang tính kỳ vọng mà thôi, rủi ro cao, người mua lầm nhưng người bán không bao giờ lầm”.

Một trong những thiệt hại cho người tiêu dùng khi xảy ra vấn đề sử dụng mỹ phẩm giả, nhái, kém chất lượng... là khách hàng sẽ không thể đổi, trả hoặc khiếu nại với ai bởi thực tế, nhiều trang web mua bán trên mạng chỉ là trang rao vặt chứ chưa phải là mua bán online theo đúng nghĩa. Chị Phạm Thị Huyền (Phường 8- TP Vĩnh Long) kể: “Hôm trước tôi mua một hũ kem trị mụn, sử dụng lâu mà không thấy công dụng như mong muốn, khi điện thoại cho người bán thì chỉ được câu: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được...”

Thông thường, những loại mỹ phẩm giả bán trên mạng đều không có hạn sử dụng và mã của nhà sản xuất. Một số người bán am hiểu, thông minh hơn sẽ có những chiêu trò tinh vi hơn. Sau khi mua về họ sẽ tự đóng hạn sử dụng vào sản phẩm và đem đi bán bình thường, sẽ khó mà bị phát hiện. Nhưng cũng có một số người bán hàng qua mạng sáng tạo ra cách bán kiểu thật giả lẫn lộn. Một chiêu khách hàng thường bị gạt là ngụy trang vỏ hộp là chính hãng, phần kem dưỡng thật họ sẽ để ở trên, kem giả họ để ở dưới, rồi đóng gói bao bì lại như mới. Khách hàng mua sẽ phải trả số tiền bằng với hàng chính hãng, và khi đem về dùng, là lớp kem đầu tiên nên đảm bảo chất lượng. Nhưng khi dùng hết lớp kem thật sẽ tới lớp kem giả, nếu có dị ứng xảy ra sẽ chỉ biết đổ lỗi do… bảo quản không tốt.

Chị Ngọc Ngân (Phường 3- TP Vĩnh Long) bức xúc: “Chơi facebook thường nên lâu lâu cũng xem quảng cáo mỹ phẩm, thấy công dụng thần kỳ ghê nên mua dùng thử. Ai dè đâu phấn hàng hiệu gì mà vón cục, son thì dễ trôi, màu không đẹp như quảng cáo. Biết bị lừa nhưng kiện ai bây giờ?”

Ông Đặng Văn Hoai- Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh cho biết: Hiện nay, xu hướng mua hàng qua điện thoại, qua mạng rất nhiều và cũng không ít trường hợp khách hàng bị lừa gạt. Một trong những cách khách hàng thường bị lừa là tráo hàng thật với hàng giả. Do đó, khi mua hàng qua mạng, người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ mẫu hàng hóa, số lượng, chủng loại tại quầy hàng bưu điện để có người làm chứng khi sản phẩm sai sót, không đúng đơn đặt hàng, tránh trường hợp chuyển tiền trước khi kiểm tra hàng. Đồng thời phải có hóa đơn chứng từ rõ ràng, cụ thể để khi có tranh chấp sẽ được cơ quan chức năng nhà nước bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Với tình trạng mỹ phẩm giả, nhái tràn lan như hiện nay thì việc mua mỹ phẩm theo “niềm tin vào quảng cáo” có thể khiến người mua dễ tiền mất, tật mang. Do đó, để mua hàng chất lượng, khách hàng cần tỉnh táo tìm những kênh bán hàng uy tín, đảm bảo. Làm đẹp vốn là nhu cầu chính đáng của phái đẹp, tuy nhiên đừng đem sức khỏe và sắc đẹp ra đánh đổi sau những cái click chuột.

Bài, ảnh: LY NHI 

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh