Mạng lưới đô thị phát triển mạnh mẽ

05:09, 02/09/2015

Mạng lưới đô thị (ĐT) Vĩnh Long đã có bước phát triển mạnh mẽ. Với vai trò là trung tâm kinh tế- chính trị- văn hóa- xã hội, các ĐT đã và đang có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà.

[links()]

Mạng lưới đô thị (ĐT) Vĩnh Long đã có bước phát triển mạnh mẽ. Với vai trò là trung tâm kinh tế- chính trị- văn hóa- xã hội, các ĐT đã và đang có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà.

 Thị trấn Tam Bình ngày càng khang trang.
Thị trấn Tam Bình ngày càng khang trang.

Đột phá phát triển đô thị

Theo ông Trịnh Văn Lâu- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long: Khoảng năm 1945, tỉnh cũng có tỉnh lị, nhưng không có thị xã, mà chỉ có ĐT đóng ở xã Long Châu. Lúc Pháp chiếm đóng cũng chỉ có xã Long Châu là tỉnh lị. Thuở đó, huyện cũng có huyện lị, huyện lị cũng là xã là cơ quan quận đóng ở đó, chứ không có thị trấn như hiện nay. Khi TX Vĩnh Long chính thức thành lập (1948), đường sá còn “loi thoi” lắm! Cả thị xã chỉ mười mấy ngàn dân và chỉ có một chợ… So với trước kia, hệ thống ĐT ngày nay đã phát triển gấp trăm lần.

Theo UBND TP Vĩnh Long, TX Vĩnh Long là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Long, là một đơn vị hành chính được chính thức thành lập từ năm 1948. Giai đoạn đầu của thời kỳ tái lập tỉnh (1992), thành phố ngày nay còn là ĐT loại IV, kinh tế- xã hội chậm phát triển. Cơ cấu kinh tế chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên xã hội và thế mạnh của địa phương, thu nhập và đời sống vật chất tinh thần của nhân dân nói chung còn thấp hơn so với các địa phương trong khu vực.

Theo ông Đoàn Thanh Bình- Giám đốc Sở Xây dựng, sau giải phóng (1975), tỉnh Vĩnh Long (Cửu Long cũ) còn nhiều khó khăn nên phát triển ĐT chủ yếu trên nền hiện trạng quy mô nhỏ. Thời điểm này, toàn tỉnh có 1 thị xã (TX Vĩnh Long) và 5 trung tâm huyện (Long Hồ, Vũng Liêm, Bình Minh, Tam Bình và Trà Ôn). Lúc đó, không gian kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng ĐT chưa có định hướng, quy hoạch. Diện mạo ĐT còn nhiều bề bộn, bất cập; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường yếu kém… Đến nay, Vĩnh Long đã có 8 ĐT gồm: 1 ĐT loại III (TP Vĩnh Long), 1 ĐT loại IV (TX Bình Minh) và 6 ĐT loại V.

Các ĐT đã và đang khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế- xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thành tựu nổi bật trong xây dựng và phát triển ĐT- theo ông Đoàn Thanh Bình-không gian các ĐT được mở rộng. ĐT hóa giúp chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng tăng khu vực công nghiệp, thương mại- dịch vụ và giảm dần khu vực nông nghiệp. Bên cạnh, các địa phương đã quan tâm phủ kín quy hoạch xây dựng ĐT tỷ lệ 1/2000, là cơ sở để triển khai quy hoạch chi tiết; thu hút, kêu gọi đầu tư.

Trong đó, thành tựu lớn nhất là phát triển TX Vĩnh Long lên thành phố (ĐT loại III) và thị trấn Cái Vồn lên thị xã (ĐT loại IV). Bên cạnh, các ĐT khác như: thị trấn Vũng Liêm, thị trấn Trà Ôn cũng đã “gần sát nút” của thị xã.

Chưa kể, nhiều khu ĐT mới đang hình thành với dáng dấp khang trang, hiện đại thay thế cho những vùng đất hoang sơ hay mảnh vườn, thửa ruộng… ngày nào: Hựu Thành (Trà Ôn), Tân Quới (Bình Tân), Cái Ngang (Tam Bình), Phú Quới (Long Hồ)… Anh Nguyễn Ngọc Phương- Khu phố xã Hựu Thành phấn khởi: “Tôi sống ở đây mấy chục năm rồi, thấy quê mình ngày càng đổi mới. Nhà cửa mọc lên nhiều, xây cất đẹp, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa… đều có. Ngày xưa nghe nói về Hựu Thành là ngán, giờ khỏe re”.

Từ một xã thuần nông, nay thành khu ĐT mới náo nhiệt, anh Trần Minh Trí- người dân ở Phú Quới- vui vẻ: “Ở đây ngày càng đông vui, đặc biệt là vào những dịp lễ tết”.

Phát triển đô thị theo hướng bền vững

Ông Trần Văn Nhạn (82 tuổi), sinh ra tại làng Mỹ Thuận, tổng An Trường, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (TX Bình Minh hiện nay)- nhà giáo, cộng tác viên nhiều báo từ ngày chưa giải phóng đến nay. Ông cho biết: Tôi sinh ra và sống gắn bó với vùng đất này nên nhớ rõ. Thời bấy giờ, ở đây chỉ có trường tiểu học, chưa có trường trung học. Giao thông rất khó khăn: cầu khỉ đường sình lầy, lên Sài Gòn phải đi ghe mất mấy ngày chèo. Nhà cửa hầu hết là nhà lá. Sau giải phóng, điện tới tận nông thôn, đường tráng nhựa, “trường tới tận nhà”, xã nào cũng có trạm y tế, bác sĩ… Từ ngày có cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ thì kinh tế phát triển rất mạnh, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều.

Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long- Tăng Tỷ phấn khởi: Sau mấy mươi năm, thành phố phát triển khá toàn diện, có chiều sâu, đời sống nhân dân được nâng lên. Nếu trước đây nhà ở lụp xụp, cũ kỹ thì nay phát triển theo quy hoạch, khang trang hơn. Nhiều khu dân cư, khu ĐT… được đầu tư xây dựng, người nghèo cũng có nhà ở. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội như: y tế, giáo dục… phát triển khá tốt, nhiều trường học, trạm y tế xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Mặt khác, thành phố cũng đã giải quyết tốt một loạt các vấn đề an sinh xã hội như: chính sách có công, chính sách xã hội, giải quyết việc làm…

Nhìn chung, thời gian qua, đã quy hoạch và hình thành hệ thống ĐT toàn tỉnh, gồm: ĐT trung tâm vùng tỉnh TP Vĩnh Long, ĐT trung tâm tiểu vùng phía Nam TX Bình Minh, ĐT trung tâm tiểu vùng phía Đông ĐT Vũng Liêm và 5 trung tâm hành chính của 5 huyện còn lại. Cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, các trục cảnh quan hình thành, mạng lưới ĐT từng bước được xây dựng phù hợp với quy hoạch. Môi trường ĐT thuận lợi đầu tư và thu hút dân cư, tạo điều kiện cho nhiều người dân có cuộc sống chất lượng cao. Tuy nhiên, phát triển ĐT còn nhiều khó khăn: phân bố hệ thống ĐT thiếu chiến lược ĐT hóa toàn vùng; các ĐT cấp huyện chưa phát huy được vai trò hạt nhân và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của khu vực; công tác quản lý ĐT còn hạn chế.

Ông Trịnh Văn Lâu cho rằng, tập trung lên ĐT sẽ giải quyết dễ dàng các tiêu chí về điện, đường, trường, trạm… nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, ĐT hóa đúng nghĩa, phải tập trung các tiêu chí, không nên bất chấp tiến lên thì không có ý nghĩa gì.

Còn theo ông Đoàn Thanh Bình, phát triển bền vững phải có căn cơ, có đặc thù riêng. Trong tương lai, ĐT Vĩnh Long sẽ được phát triển theo hướng ĐT xanh- đảm bảo hài hòa giữa phát triển ĐT, an sinh xã hội và môi trường.

Ông Trịnh Văn Lâu- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long

Vĩnh Long trước đây là trung tâm của khu vực Tây tam tỉnh (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Nhưng vài năm nữa, đường cao tốc từ Trung Lương về Cần Thơ, qua Cầu Cổ chiên đến Trà Vinh, Vĩnh Long có thể không còn là trung tâm. Trong tương lai, tỉnh cần có kế hoạch để thu hút khách. Theo tôi, triển vọng thu hút khách là công trình bờ kè dọc sông Cổ Chiên (TP Vĩnh Long). Nếu xây khách sạn, khu an dưỡng dọc bờ kè thì có thể hút khách du lịch trong và ngoài nước. Không khí mát mẻ, sáng phơi nắng mặt trời, hứng gió chướng kết hợp tuyến du lịch ven sông, du lịch sinh thái miệt vườn… Đồng thời, nghiên cứu kết hợp du lịch truyền thống đối với công trình di tích lớn của tỉnh để. Mặt khác, cần tính tới chuyện làm bảo tàng khôi phục lại văn minh lúa nước.

 Ông Đoàn Thanh Bình- Giám đốc Sở Xây dựng

Trên nền chương trình phát triển ĐT quốc gia đến năm 2020: thị trấn Vũng Liêm, thị trấn Trà Ôn hoàn thành ĐT loại IV; các thị trấn mới: Cái Ngang, Phú Quới, Tân Quới, Hựu Thành hoàn thành các tiêu chí theo quy định và tiếp tục lập đề án thành lập thị trấn.

 

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- TẤN ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh