Phát triển đô thị (ĐT) là động lực để phát triển kinh tế- xã hội, là nhiệm vụ trọng tâm để các cấp, các ngành tập trung thực hiện.
Phát triển đô thị (ĐT) là động lực để phát triển kinh tế- xã hội, là nhiệm vụ trọng tâm để các cấp, các ngành tập trung thực hiện. Hơn thế nữa, phát triển ĐT để có bản sắc riêng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đô thị hóa là quá trình tất yếu để phát triển. Ảnh: VINH HIỂN |
Trên đường đô thị hóa
Dự kiến giai đoạn 2015- 2020, TP Vĩnh Long sẽ đạt ĐT loại II, hiện nay, thành phố đã từng bước nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ước đạt 58% tiêu chí.
Ông Nguyễn Văn Hiệp- Phó trưởng Phòng Quản lý ĐT TP Vĩnh Long cho biết, để thực hiện các tiêu chí của ĐT loại II, thành phố đã lập quy hoạch phân khu ĐT 11/11 xã- phường (đạt 100%); hoàn thiện và trình phê duyệt quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc ĐT TP Vĩnh Long, đang rà soát điều chỉnh quy hoạch chi tiết các phường: 2, 8, 9. Đã ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đối với các công trình xây dựng trên tuyến đường Võ Văn Kiệt và quy định quản lý xây dựng ven đường Trần Đại Nghĩa; hoàn thành quy hoạch phân khu 4 xã (Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa và Tân Hội) và hoàn thành đề án thành lập 4 phường.
Tổng vốn đầu tư cho phát triển ĐT và nhà ở từ năm 2011 đến nay khoảng hơn 9.500 tỷ đồng. Tỷ lệ ĐT hóa đến cuối năm 2014 ước tăng 7%; trong đó nổi bật là đã nâng cấp ĐT Bình Minh thành thị xã; ĐT Tân Quới đủ điều kiện thành lập thị trấn; quan tâm đầu tư cho 4 xã của TP Vĩnh Long để nâng cấp thành phường và các ĐT như: thị trấn Trà Ôn, thị trấn Vũng Liêm, xã Hựu Thành, xã Phú Quới, cụm xã Cái Ngang… cũng được đầu tư về kết cấu hạ tầng, nâng dần các tiêu chí để chuẩn bị nâng cấp ĐT. |
TX Bình Minh hiện đã nâng cấp thị trấn Cái Vồn lên thị xã (ĐT loại IV) và thành lập 3 phường: Thành Phước, Cái Vồn, Đông Thuận, cơ bản hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung ĐT Bình Minh. Phấn đấu đến sau năm 2020 trở thành ĐT loại III và sau năm 2030 trở thành ĐT loại II.
Huyện Vũng Liêm thì đang tập trung cho thị trấn đạt ĐT loại IV vào năm 2020, hiện đã từng bước nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đến cuối năm 2014 đạt 57,1% tiêu chí. Theo Bí thư Huyện ủy- Bùi Văn Nghiêm, sẽ tập trung mọi nguồn lực với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đối với thị trấn Vũng Liêm, sẽ đầu tư xây dựng công viên cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng, mở rộng chợ, xây dựng các trường đạt chuẩn… làm động lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.
Cụm xã Cái Ngang (Tam Bình) đang lập đề án đánh giá phân loại và công nhận Cái Ngang là ĐT loại V, hiện ước đạt 76% theo tiêu chí; đang điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết Trung tâm thương mại Cái Ngang. Đồng thời thực hiện quy hoạch mở rộng thị trấn Tam Bình từ 240ha lên 436ha, đầu tư xây dựng mới và tổ chức di dời, điều chỉnh bố trí các khu chức năng, trụ sở cơ quan nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch chỉnh trang và mở rộng ĐT. Theo Chánh Văn phòng Huyện ủy- Lê Hoàng An, nhiệm kỳ này sẽ tiếp tục hoàn thành điều chỉnh quy hoạch thị trấn Tam Bình lên ĐT loại IV, quy hoạch mở rộng trung tâm cụm xã Cái Ngang lên ĐT loại V. Xây dựng nhà ở các khu ĐT đảm bảo đồng bộ, mỹ quan. Tập trung mọi nguồn vốn đầu tư phát triển, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển ĐT, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư.
Với sự nỗ lực phối hợp của các cấp ủy Đảng, các ngành và huy động sức mạnh toàn dân, qua 4 năm thực hiện Chương trình 06 của Tỉnh ủy về phát triển ĐT và nhà ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011- 2015, ĐT hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, dân số ĐT tăng trung bình 1,68%/năm. Tỷ lệ ĐT hóa tăng thêm 7% (từ 18% vào năm 2010, lên 25% vào cuối năm 2014).
Cụ thể đã quy hoạch và hình thành hệ thống ĐT trên địa bàn tỉnh, bao gồm: ĐT trung tâm vùng tỉnh là TP Vĩnh Long, ĐT trung tâm tiểu vùng phía Nam là TX Bình Minh, ĐT trung tâm tiểu vùng phía Đông là ĐT Vũng Liêm và 5 ĐT trung tâm hành chính của 5 huyện còn lại. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội từng bước được nâng cấp và hoàn thiện, diện mạo ĐT có nhiều thay đổi.
Hệ thống giao thông ĐT từng bước được hoàn chỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 136,73km đường ĐT, trong đó đã đầu tư xây dựng mới 19,559km và nâng cấp 11km hệ thống đường giao thông ĐT. Tỷ lệ hộ dân ĐT sử dụng nước sạch đạt 96%, tăng 17,51% so với năm 2010. Các ĐT phát triển gắn với các trung tâm công nghiệp- thương mại và dịch vụ về y tế, văn hóa, GD-ĐT. Các dịch vụ công cộng ĐT đang dần được đầu tư, tạo động lực cho ĐT phát triển. Thương mại- dịch vụ được quan tâm phát triển theo hướng đồng bộ với các loại thị trường; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.
Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa, trường học, trạm y tế, bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và các trung tâm y tế được tập trung đầu tư, xây dựng và ngày càng hoàn thiện. Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, đã từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tuyến đường Trần Đại Nghĩa (TP Vĩnh Long) hoàn thành thu hút nhiều dịch vụ mua sắm, ăn uống tạo bộ mặt ĐT nhộn nhịp, khang trang. Ảnh: HẢI YẾN |
Hướng tới đô thị văn minh và hiện đại
Qua 4 năm thực hiện Chương trình ĐT hóa, các ĐT Vĩnh Long có bước phát triển mạnh, thuận lợi cho đầu tư và thu hút dân cư. Hệ thống ĐT đã tạo ra một diện mạo ĐT mới theo hướng ĐT văn minh và hiện đại. Tuy nhiên, việc phát triển ĐT còn nhiều khó khăn, chưa đồng đều, phân bố hệ thống ĐT chưa tuân thủ chiến lược ĐT hóa toàn vùng, chưa hình thành các ĐT trung tâm tiểu vùng, thiếu kết nối hạ tầng đồng bộ; tỷ lệ ĐT hóa tăng chậm, mục tiêu đạt 28% vào năm 2015 là khó nên các ngành, các cấp cần phải quyết tâm cao hơn.
Do vậy, để có thể xây dựng thành công một đô thị văn minh và hiện đại, rất cần tập trung đầu tư vốn ngân sách cho các dự án phát triển ĐT và nhà ở trọng điểm để nâng cấp ĐT, phát triển nhà ở xã hội; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương thông qua các chương trình mục tiêu, kết hợp với vốn ngân sách tỉnh, huyện và nguồn vốn khác để hoàn thành các mục tiêu chương trình; phối hợp tốt với các chương trình khác để phát triển ĐT và nhà ở; tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư tham gia các dự án vừa và nhỏ về phát triển ĐT và nhà ở. Đồng thời, phải có cơ chế phối hợp thực hiện để gắn kết giữa các chương trình một cách đồng bộ; tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực phát triển ĐT và nhà ở; ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc ĐT; thực hiện chỉnh trang ĐT, nhất là trên các tuyến đường chính, đường mở mới.
Để sớm về đích ĐT loại IV, Bí thư Đảng ủy thị trấn Vũng Liêm Phạm Minh Hoàng cho biết đã đề ra một số giải pháp như: tranh thủ các nguồn lực, vận động sự ủng hộ đóng góp của các tổ chức cá nhân để xây dựng các công trình ĐT theo phân cấp với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Tập trung phát triển kinh tế tạo động lực để phát triển ĐT, triển khai tái cơ cấu kinh tế ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch theo hướng ĐT. Theo ông Nguyễn Văn Hiệp- Phó trưởng Phòng Quản lý ĐT TP Vĩnh Long, cần có sự thống nhất giữa các cấp trong quy hoạch đất đai và nguồn vốn đầu tư; có nhiều giải pháp linh hoạt để giúp thành phố kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa; có chính sách ưu đãi về thuế trong sử dụng đất để các nhà đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, khu dịch vụ- thương mại- du lịch- văn hóa. |
HẢI YẾN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin