Với sự ra đời ngày càng nhiều của các trung tâm điện thoại di động, cửa hàng bán lẻ điện thoại di động đang ngày càng phải chịu "lép vế". Để tồn tại, các cửa hàng phải có những thay đổi trong kinh doanh.
[links()]
Với sự ra đời ngày càng nhiều của các trung tâm điện thoại di động, cửa hàng bán lẻ điện thoại di động đang ngày càng phải chịu “lép vế”. Để tồn tại, các cửa hàng phải có những thay đổi trong kinh doanh.
Cửa hàng điện thoại di động nhỏ lẻ vẫn có thế mạnh và lượng khách hàng riêng. |
Giảm thị phần
Tại TP Vĩnh Long, nhiều trung tâm điện thoại di động mọc lên ngày càng nhiều với quy mô rộng lớn như: thegioididong, dienmayxanh, FPT, vienthongA, siêu thị điện máy Chợ Lớn… Được đầu tư bài bản, có hệ thống toàn quốc và kênh quảng bá thông tin hoành tráng, các doanh nghiệp ngày càng mở rộng thị phần.
Trong khi đó, các cửa hàng bán lẻ điện thoại, đại lý nhỏ ngày càng gặp khó. Theo chú Võ Thanh Long- chủ cửa hàng điện thoại Thanh Hùng (Phường 2- TP Vĩnh Long): Từ khi có nhiều trung tâm bán điện thoại di động lớn xuất hiện, cửa hàng không đủ sức cạnh tranh. Hơn một năm nay, doanh số giảm thấy rõ vì trong vòng bán kính chưa đầy cây số mà có đến 4- 5 cửa hàng lớn với thương hiệu “bự” bao vây. Đây cũng là xu thế tất yếu của thị trường bởi khách hàng thường thích những nơi có thương hiệu lớn, khuyến mãi nhiều. Giá ở cửa hàng tuy thấp hơn trung tâm lớn, nhưng ít ưu đãi, khuyến mãi kèm theo.
Tương tự, anh Nguyễn Tấn Hoàng- chủ cửa hàng điện thoại di động Thái Châu (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho biết: “Lượng khách tới cửa hàng vẫn có nhưng phần lớn khách đến cửa hàng để tìm mua phụ kiện hoặc mua điện thoại cũ. Những mẫu điện thoại cảm ứng, đắt tiền ngày càng khó bán vì bây giờ người ta thích mua các sản phẩm chính hãng hơn, dù đắt hơn một chút nhưng dịch vụ hậu mãi tốt”.
Trong khi đó, tại một số chợ huyện, nhiều chủ cửa hàng điện thoại cho biết: Dù các trung tâm lớn chỉ tập trung ở khu vực TP Vĩnh Long nhưng sức mua cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Chợ nông thôn, chợ huyện thường chỉ bán được những loại điện thoại ít tiền hoặc đã qua sử dụng. Tại chợ nông thôn còn xuất hiện nhiều thương hiệu điện thoại di động “lạ” do Trung Quốc sản xuất và được khách hàng nông thôn khá chuộng.
Anh Trần Hòa- chủ cửa hàng bán điện thoại chợ thị trấn Cái Vồn (TX Bình Minh) cho biết: Sau khi xuất hiện thêm một số trung tâm kinh doanh điện thoại di động, doanh thu cửa hàng giảm hơn 50% ở các mặt hàng cảm ứng. Trong khi đó, các mặt hàng điện thoại di động của Trung Quốc thương hiệu lạ lại khá hút khách, bởi giá rất rẻ, chỉ từ 190.000- 500.000 đ/máy.
Tận dụng ưu thế riêng
Để giữ khách, theo nhiều chủ cửa hàng, ngoài việc kinh doanh điện thoại di động còn kinh doanh thêm sim thẻ, phụ kiện di động, sửa máy lấy liền.
Anh Trần Hòa nói thêm: “Sức ép cạnh tranh nhiều nhưng phải chịu. Khả năng đối đầu, cạnh tranh không nổi nhưng vẫn còn đất sống. Sức mua điện thoại giảm nên tôi nhập thêm hàng linh kiện để bán. Giá các mặt hàng này rẻ hơn hàng chính hãng hơn 50- 60%. Thay vì hàng chính hãng có giá đến hơn trăm ngàn đồng/ món nên khách hàng “ngán”. Bên cạnh đó, tạo và giữ uy tín với khách hàng. Khâu hậu mãi không bằng trung tâm lớn nhưng thân thiện, hòa nhã với khách cũng góp phần tạo sức lôi kéo khách về phía cửa hàng”.
Anh Nguyễn Tấn Hoàng thì nói: Các dòng máy mới bán ra giảm khoảng 5- 10%, song các dòng máy cũ, máy phím không ảnh hưởng nhiều, bán được 2- 3 máy/ ngày, gần 50 máy “no name” (không tên tuổi lắm)/ tháng. Lúc đầu hơi lo nhưng dần cảm thấy thị trường bảo hòa. Chủ yếu làm tốt khâu chăm sóc, thân thiện với khách hàng như giảm giá, tặng phụ kiện kèm theo, ưu đãi hơn trong bảo hành, sửa chữa máy. Cửa hàng luôn chủ động nhập hàng mới đáp ứng thị hiếu khách hàng. Vừa sửa máy, bán thẻ cào, sửa điện thoại, thu nhập khoảng 300.000 đ/ngày.
Bên cạnh đó, một số chủ cửa hàng cho biết, thường là khách hàng bình dân nên cửa hàng cũng có ưu thế riêng. Anh Hòa cho biết: “Giá rẻ, mỗi tháng tôi bán 30- 40 điện thoại của
Trung Quốc”.
Chú Võ Thanh Long cũng nói: Sửa máy lấy liền cũng giữ được khách quen, nạp tiền cho khách khuyến mãi 1.000- 2.000 đ/lần. Cửa hàng bán lẻ có lợi riêng, khách quen, khách mối ít tiền sẽ ngại vào trung tâm lớn. Do đó, cửa hàng vẫn còn đất sống. Dù vậy cũng phải kịp thời bắt kịp xu hướng thị hiếu của khách như thường xuyên cập nhập mẫu điện thoại mới, mẫu dán điện thoại mới, linh kiện mới… để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Có thể thấy, hầu hết các cửa hàng bán điện thoại di động nhỏ lẻ vẫn bị ảnh hưởng bởi sự lấn áp của các trung tâm lớn. Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng đều tin tưởng vẫn còn mảnh đất riêng để tồn tại. Và đó là bán mặt hàng dành cho khách hàng bình dân. Song, theo ghi nhận, vẫn có nhiều mặt hàng điện thoại trôi nổi, không tên tuổi trên thị trường “dành” cho khách hàng bình dân. Trong khi đó, khách hàng đã dần biết chú ý hơn đến các mặt hàng đảm bảo an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ thay vì rẻ tiền.
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin