Trong những năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (CN- TTCN) ở huyện Mang Thít đang dần có dấu hiệu hồi phục. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2015, một số ngành CN chủ lực đã có bước tăng trưởng khá…
[links()]
Trong những năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (CN- TTCN) ở huyện Mang Thít đang dần có dấu hiệu hồi phục. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2015, một số ngành CN chủ lực đã có bước tăng trưởng khá…
Ngành CN đóng tàu của huyện đang có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. |
Chủ động trong khó khăn
Giai đoạn những năm 2011- 2012, khi đó, tình hình sản xuất CN- TTCN, đặc biệt là ngành sản xuất gạch gốm truyền thống rơi vào cảnh ảm đạm do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới.
Theo thống kê cuối năm 2013, toàn huyện có trên 2.000 cơ sở sản xuất CN- TTCN vừa và nhỏ. Qua đó, chỉ còn giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động, giảm đến gần 7.000 lao động so năm 2012. Trong khi đó chỉ còn 8/22 doanh nghiệp sản xuất gốm và 243/1.037 cơ sở sản xuất gạch ngói còn hoạt động nhưng chỉ sản xuất cầm chừng.
Khó khăn là vậy, song lãnh đạo huyện cùng các ban ngành không ngừng đưa ra những giải pháp quan trọng thúc đẩy cũng như vực dậy nền kinh tế. Tình hình sản xuất CN- TTCN, đặc biệt ngành sản xuất mũi nhọn là gạch gốm, đóng tàu từng bước được vực dậy.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Chí Quyết, huyện Mang Thít đã phối hợp với các ngành hữu quan của tỉnh hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi hình thức sản xuất gạch nung truyền thống sang sản xuất với mô hình “lò nung liên hoàn” thuộc đề án “tổ chức lại ngành sản xuất gạch gốm tỉnh Vĩnh Long”, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm giảm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Quyết, để duy trì và phát triển CN- TTCN trên địa bàn huyện trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung vào các giải pháp gồm: phát triển trên cơ sở quy hoạch phát triển CN- TTCN của tỉnh giai đoạn 2009- 2015 và định hướng năm 2020; đề án tổ chức sắp xếp lại ngành nghề gạch gốm tỉnh Vĩnh Long;…
![]() |
Nhiều cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất với mô hình “lò nung liên hoàn”. |
Tận dụng triệt để lợi thế kinh rạch, sông ngòi, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển ngành nghề cơ khí sửa chữa tàu thuyền, đóng xà lan. Tập trung phát triển một số mặt hàng chủ lực như: sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, sản phẩm từ khoáng sản phi kim loại,…
Riêng ngành nghề sản xuất gạch gốm, huyện sẽ tiếp tục duy trì các làng nghề sản xuất tại các xã An Phước, Mỹ Phước, Chánh An, Nhơn Phú. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất, nhất là chuyển đổi hình thức sản xuất gạch nung truyền thống sang sản xuất với mô hình “lò nung liên hoàn”…
Nhiều ngành dần phục hồi
Bằng những giải pháp mà trong những tháng đầu năm 2015, nhiều ngành CN- TTCN trên địa bàn có dấu hiệu dần phục hồi. Trong đó, có một số ngành CN chủ lực của huyện như: sản xuất gạch gốm, đóng tàu, may mặc gia công,…
Theo ông Phan Cảnh- Phó Trưởng Phòng Công thương, tính đến nay có 14 doanh nghiệp sản xuất gạch chuyển đổi sang mô hình lò nung liên hoàn. Nhờ đó, giá trị sản xuất của ngành đóng góp đáng kể vào tổng giá trị sản xuất CN- TTCN của địa phương. Cụ thể, giá trị sản xuất ngành gạch gốm từ hơn 395 tỷ đồng năm 2014 lên hơn 420 tỷ đồng trong những tháng đầu năm 2015. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục thực hiện đề án xóa lò tròn truyền thống và đã có 83 cơ sở thực hiện.
Trong khi đó, ngành CN đóng tàu của huyện trong những tháng đầu năm 2015 đã có bước tăng trưởng đặc biệt. Có nhiều ý kiến cho rằng, ngành CN chủ lực này của huyện đang “sống lại”, góp phần cho phát triển CN địa phương.
Theo Phòng Công thương, hiện toàn huyện có 4 doanh nghiệp đóng tàu. So sánh các số liệu, từ giá trị sản xuất thấp nhất chỉ trên 3,7 tỷ đồng năm 2012 thì những tháng đầu năm 2015, ngành này đã tăng lên hơn 44,7 tỷ đồng… Theo ông Phan Cảnh, nhu cầu thị trường đối với ngành này cũng đang có nhiều tín hiệu tốt để ngành tiếp tục phát triển. Hay như ngành may mặc gia công, từ năm 2010 đã có những bước tăng liên tục về cả số lượng doanh nghiệp đến giá trị sản xuất. Cụ thể, từ năm 2010 với trên 27 tỷ đồng, đến nay đã tăng hơn 64 tỷ đồng…
Trong những năm tới, cụ thể là giai đoạn 2016- 2020, huyện Mang Thít sẽ tập trung đầu tư phát triển CN- TTCN trên cơ sở phát huy các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế. Tiếp tục khôi phục và phát huy thế mạnh vốn có của ngành sản xuất gạch gốm theo hướng ứng dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường. Phát triển CN hỗ trợ ngành nông nghiệp- thủy sản và các ngành dịch vụ, phát triển làng nghề tạo điều kiện trực tiếp cho quá trình CN hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn… |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin