Mặc dù quá trình hội nhập đã diễn ra từ nhiều năm qua và nhiều doanh nghiệp (DN) đã chọn được hướng đi cho mình. Tuy nhiên, trước sự hội nhập sâu rộng, không ít DN lo lắng nguy cơ phải rời khỏi thị trường.
Mặc dù quá trình hội nhập đã diễn ra từ nhiều năm qua và nhiều doanh nghiệp (DN) đã chọn được hướng đi cho mình. Tuy nhiên, trước sự hội nhập sâu rộng, không ít DN lo lắng nguy cơ phải rời khỏi thị trường.
Một số DN đã chủ động phát huy nội lực, tạo sức cạnh tranh mới. |
Chủ động và phát huy nội lực
Ông Nguyễn Phước Tiến- Giám đốc Công ty CP Cơ khí Cửu Long- cho biết, ngành cơ khí khó khăn từ nhiều năm trước do nhu cầu sụt giảm từ năm 2011. DN phải tìm kiếm nhiều nguồn khác để tạo việc làm “nuôi quân”. Tín hiệu vui từ đầu năm nay là nhu cầu đã tăng trở lại, nhưng áp lực cạnh tranh ngành cơ khí rất lớn khi nước ta gia nhập AFTA, sắp tới là TPP… Nếu DN chậm đầu tư công nghệ, thiết bị lạc hậu thì sẽ khó tồn tại. Theo ông, thực tế ngành công nghiệp phụ trợ vẫn thiếu nên khả năng chế tạo của ngành cơ khí khó làm được. Trong khi để có các hợp đồng đạt trên 80% kế hoạch sản xuất năm hồi tháng 4/2015, công ty phải chủ động tạo liên kết với đối tác TP Hồ Chí Minh gia công một số công đoạn.
Nắm bắt yêu cầu của thị trường, ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV- cho biết DN đã có chiến lược đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại từ năm 2014, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo VietGAP, GlobalGAP, liên kết bao tiêu với nông dân và đi đầu trong quản lý chất lượng. Ông cho rằng, máy móc giải quyết bài toán hiệu quả kinh doanh, vì trong chế biến chỉ sai lệch 1- 2% tỷ lệ hao hụt sẽ rất lớn. Trước đây, máy móc cũ tỷ lệ thu hồi gạo chưa tới 63%; thì nay tỷ lệ này đạt 65- 68% và cho ra sản phẩm tốt hơn rất nhiều. Từ đây, DN đang từng bước xây dựng tiêu chuẩn chất lượng riêng cho hạt gạo. Song song chú trọng nguồn nhân lực, liên kết các trường tạo điều kiện sinh viên thực tập, tiếp cận máy móc, quy trình sản xuất hiện đại tại nhà máy để xây dựng đội ngũ sản xuất, nghiên cứu thị trường chuyên nghiệp. Với nội lực đó, ông tự tin đến 2016- 2020 kế hoạch công ty đầu tư, bao tiêu 3.000- 5.000ha với nông dân theo tiêu chuẩn là trong tầm tay.
Ông Nguyễn Văn Thành giới thiệu máy phân loại gạo hiện đại, nó làm thay công việc của 200 công nhân với độ chính xác cao. |
“Trong hoạt động sản xuất kinh doanh ngày nay, DN quan tâm nhiều yếu tố, nhưng phải đặt trọng tâm vào người lao động, xây dựng mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Vì DN tồn tại phải có con người”- ông Nguyễn Minh Tuệ- Giám đốc Công ty CP May Vĩnh Tiến- khẳng định như vậy. Và để tạo được sự tin tưởng nơi người lao động với DN, ông cho rằng, phải quan tâm thỏa mãn vấn đề “3 T”. Đó là: thu nhập- lương, thưởng, chính sách với người lao động; thân thiện- tạo môi trường, đảm bảo điều kiện làm việc, xây dựng văn hóa DN; tuân thủ pháp luật- DN phải tuân thủ tốt pháp luật để người lao động yên tâm gắn bó với mình.
Sự chủ động sẽ giúp DN tự tin bước vào thị trường chung. Nói như ông Đinh Văn Vụ- Phó Giám đốc Nhà máy Phân bón Cửu Long: “Hội nhập kinh tế tạo thuận lợi nhất định đối với các DN làm ăn chân chính và tuân thủ các nguyên tắc chung. Thị trường chung khu vực ASEAN sẽ chuyển dịch thị trường trong nước, chuyển dịch sản xuất theo hướng cánh đồng mẫu lớn. Người dân phải tính toán lựa chọn những sản phẩm chất lượng và phân bón giá rẻ kém chất lượng sẽ không còn đất sống”.
Tạo lòng tin cho DN, nhà đầu tư
Ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Công thương- đề xuất cần tăng cường nâng cao khả năng dự báo và hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nhất là các mặt hàng gạo, nông sản, thủy sản chế biến… Tạo môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, cải thiện môi trường đầu tư. Thực hiện có hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành công thương hỗ trợ đắc lực cho tái cơ cấu nông nghiệp.
Hơn thế nữa, nhiều DN cho rằng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu hiện nay, ngoài việc hỗ trợ DN cải thiện năng lực cạnh tranh, xây dựng những thương hiệu mạnh thì rất cần mở rộng cơ chế toàn diện. Nhất là thông tin về những cơ hội, thách thức của những FTA mà Việt Nam đã, đang và chuẩn bị ký kết để giúp DN, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và giải pháp chiến lược đối phó… Chuẩn bị tốt sẽ tác động tích cực cho hoạt động của DN, vì từ khi hội nhập WTO- theo đánh giá của UBND tỉnh- đã tạo chuyển biến về tư duy kinh doanh, xóa dần tư tưởng ỷ lại vào sự bảo hộ của Nhà nước. Môi trường cạnh tranh khắc nghiệt đã tác động thúc đẩy các DN đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, tay nghề kỹ thuật, áp dụng hệ thống chất lượng… để nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh, sự hiện diện ngày càng nhiều các DN FDI cũng tác động đến các DN trong tỉnh về nhiều mặt.
Thực tế trong thời gian qua, một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh Vĩnh Long là nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, thông qua sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Cùng với thực hiện hàng loạt chủ trương, chính sách lớn của Trung ương để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, Vĩnh Long đã thể chế hóa hàng loạt chương trình hành động bằng Nghị quyết của HĐND và quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh. Đáng quan tâm trong các chủ trương, chính sách của tỉnh là cải thiện năng lực, quản lý điều hành, tạo môi trường thông thoáng thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế- xã hội. Thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), những nỗ lực cải thiện hình ảnh của Vĩnh Long luôn được DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước “cảm nhận” một cách tích cực.
Vấn đề hỗ trợ DN, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng được quan tâm đặc biệt tại kỳ họp thứ 14 HĐND khóa VIII vừa qua. Theo đó, nhiều ý kiến có trách nhiệm thẳng thắn chỉ ra rằng hỗ trợ DN “phải có địa chỉ cụ thể, khó cái gì gỡ cái nấy”.
Quan điểm công khai, minh bạch trong thông tin các quy hoạch, kế hoạch và công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh; thời gian cụ thể giải quyết các thủ tục hành chính, cũng đã được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo nhất quán. Bên cạnh, nâng cao năng lực về chuyên môn, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ phục vụ. Cũng như công khai số điện thoại cơ quan phòng chống tham nhũng, số điện thoại lãnh đạo để DN phản ánh kịp thời những bức xúc của mình.
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin