Doanh nghiệp chủ động tái cơ cấu- tăng sức cạnh tranh

03:07, 20/07/2015

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thuận lợi hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Cùng với việc DN tiếp cận được các chủ trương chính sách khuyến khích, hỗ trợ kịp thời góp phần giúp DN duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn và tạo điều kiện để DN phát triển.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thuận lợi hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Cùng với việc DN tiếp cận được các chủ trương chính sách khuyến khích, hỗ trợ kịp thời góp phần giúp DN duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn và tạo điều kiện để DN phát triển.

Tuy nhiên, những thách thức trong hoạt động của DN vẫn đang ở phía trước. Vì thế, sự chủ động tái cơ cấu của từng DN, từng ngành hàng để nắm bắt thời cơ, đối phó trước những xu hướng phát triển chung của nền kinh tế nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Công ty TNHH Phước Thành IV đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại và hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn.
Công ty TNHH Phước Thành IV đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại và hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn.

Kỳ 1: Lo từ trong ra ngoài

Những tháng đầu năm 2015, hoạt động sản xuất kinh doanh phải đối phó với nhiều nỗi lo cả cũ và mới, lo từ trong ra ngoài.

Thuận lợi đan cài khó khăn

Tình hình sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm 2015 được cho “đã thuận lợi hơn nhưng chưa hẳn là thuận lợi”- một giám đốc DN nói kiểu “nước đôi”. Đánh giá tình hình kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm 2015 của UBND tỉnh cho thấy, các chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng so cùng kỳ nhưng tăng mức chưa cao. Trong khi ngành nông nghiệp lo ngại đầu ra các sản phẩm nông nghiệp bấp bênh, giá cả thiếu ổn định, dịch bệnh trên cây trồng phòng trị chưa hiệu quả. Còn ngành công thương cũng cho biết một số ngành, sản phẩm mức sản xuất giảm, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhất là gạo và thủy sản.

Thực tế sản xuất kinh doanh của DN cũng có những khó khăn- thuận lợi đan xen và từng ngành nghề có mức độ khác nhau. Tại DNTN Hồng Hương- Giám đốc Nguyễn Tường Nam cho rằng ngành sản xuất nước mắm ở Vĩnh Long nói chung và của DN ông nói riêng khá ổn định do nắm chắc thị trường, phát triển các kênh phân phối “đánh đâu chắc đó”. Giá điện, xăng dầu có thay đổi trong những tháng đầu năm tác động đến nguyên liệu đầu vào sản phẩm như chai nhựa, thủy tinh… nhưng DN chủ động nên không tăng giá sản phẩm. Ngoài ra, do thời tiết nắng nóng nên “đầu vào” giá muối rẻ hơn.

Trong khi đó, yếu tố thị trường, thời tiết lại gây nhiều bất lợi cho nhiều ngành sản xuất. Chẳng hạn, theo ông Đinh Văn Vụ- Phó Giám đốc Nhà máy phân bón Cửu Long, tình trạng khủng hoảng thừa sản phẩm nông nghiệp, trở ngại trong mối liên kết sản xuất tiêu thụ khiến cà phê giảm giá liên tục, mía đường đầu ra hạn chế, giá lúa ở ĐBSCL sụt giảm. Tình trạng hạn hán ở miền Trung khiến mức độ cạnh tranh của phân bón “dồn” lên Tây Nguyên cực kỳ lớn. ĐBSCL chịu tác động biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập… Tất cả đã ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu tiêu thụ phân bón của DN. Nhưng thuận lợi, theo ông là các chính sách đầu tư cho nông nghiệp đã mở ra, chương trình hỗ trợ của tỉnh như xúc tiến thương mại giúp DN mở rộng thị trường, yên tâm đầu tư sản xuất.

Nhưng ở ngành nghề tiêu thụ- chế biến lúa gạo, ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV, lại bảo ngành chế biến nông sản rất khó khăn. Theo ông, ngoài nguyên do vào vụ thu hoạch, lượng lúa tăng đột biến nhưng chỉ một số DN thu mua không thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hết lúa của nông dân, làm giá lúa không ổn định; thì các chính sách hỗ trợ đầu tư như tạm trữ, giảm tổn thất sau thu hoạch… gần như DN chưa tiếp cận được. Mặt khác, chính sách thuế hiện hành áp dụng cho gạo sản xuất ra để tiêu thụ nội địa vẫn phải chịu thuế suất thuế GTGT 5%, giá xăng dầu điều chỉnh liên tục, giá điện tăng 7,5%… làm DN chế biến gạo rất khó cạnh tranh.

Ở góc độ thực tế sản xuất, ông Nguyễn Văn Hồng- Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Tân Phát (Mang Thít) đúc kết: “Nuôi cá tra hiệu quả mà không hiệu quả. Hiệu quả vì hiện nay Vĩnh Long đã quy hoạch vùng sản xuất, tháo gỡ khó khăn kịp thời, nhưng “không hiệu quả” còn do nhiều yếu tố: con giống, thức ăn và “đầu ra”. Nguyên nhân khiến ngành kinh tế quan trọng của ĐBSCL mất lợi thế cạnh tranh và phát triển thiếu ổn định, ông Hồ Văn Vàng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng: “Khó khăn thời gian qua là do các nhà máy chế biến cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua tranh bán, thả nổi chất lượng, hạ giá xuất khẩu để có đơn hàng rồi quay lại ép giá nông dân”.

Trên đây chỉ là cái khó “bề nổi” của một số DN đại diện, trong khi DN- nhất là DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ địa phương- sẽ phải đối mặt nhiều thách thức rất khắt khe trong thời gian tới. “DN phải lường trước mọi khả năng của mình để thích nghi và phòng thủ”- giám đốc một DN nói thật.

Trước ngưỡng cửa hội nhập

Ông Nguyễn Minh Tuệ- Giám đốc Công ty CP May Vĩnh Tiến- nhận định ngành may mặc năm 2015 có yếu tố thuận lợi nhưng cũng manh nha nhiều khó khăn, trong đó lợi thế về nguồn lao động địa phương dồi dào trước đây sẽ không còn. Theo ông, vài năm trước, DN ngành may thu hút được lao động từ các ngành nghề khác như gạch, gốm thu hẹp sản xuất, lao động dôi dư tìm đến ngành may; thì hiện nay, ngoài các DN ở Khu công nghiệp Hòa Phú có trên 20.000 lao động đang làm việc, một số DN may mặc sử dụng nhiều lao động đã có mặt, rồi dự án Dệt may Thành Công sắp đi vào hoạt động… “Tới đây lao động ngành may mặc cũng sẽ cạnh tranh nhiều”- ông Nguyễn Minh Tuệ dự báo.

Ngành nghề sử dụng nhiều lao động cũng sẽ nhiều cạnh tranh.
Ngành nghề sử dụng nhiều lao động cũng sẽ nhiều cạnh tranh.

Cạnh tranh lao động cùng với câu chuyện tăng lương tối thiểu hàng năm là những thách thức không nhỏ. “3 năm nay, năm nào cũng tăng lương tối thiểu, kéo theo các chế độ khác của người lao động như BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… tăng theo, khiến lợi nhuận của DN còn chút xíu”- ông Nguyễn Minh Tuệ nói. Song vấn đề rất nhiều DN quan tâm lại nằm ở chỗ “tăng lương nhưng năng suất lao động có tăng” và việc tăng lương sẽ làm cho vật giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu “té nước theo mưa”. Đó là lo lắng chung, không của riêng DN, ngành nghề nào.

Song song các yếu tố bất lợi “nội tại” trên đây, DN sản xuất kinh doanh còn phải đối mặt xu hướng hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế đang diễn ra nhanh chóng. Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Cao Đức Phát- nhận định: “Quá trình hội nhập của Việt Nam đã diễn ra nhiều năm rồi và tình hình hiện nay đang khẩn trương với 7 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Việt Nam phải thực hiện cam kết mở cửa thị trường trong nước của nông- lâm- thủy sản. Các FTA này còn tác động mạnh hơn cả WTO, nhất là với các nước ASEAN. Nông nghiệp nước ta sẽ là nền nông nghiệp hoàn toàn mở cửa và hội nhập”. Trong khi đó, các DN đang trong cuộc chạy đua đón lõng các FTA mà Việt Nam sẽ ký kết trong năm 2015- 2016 như FTA Việt Nam- EU, FTA Việt Nam- Hàn Quốc, TPP,…

Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng bộc lộ không ít thách thức bởi sự gia tăng sức ép cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu và sản xuất trong nước, tranh chấp thương mại, năng lực cạnh tranh DN bị hạn chế…

Trong báo cáo kết quả quá trình Vĩnh Long tham gia hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên WTO, Sở Kế hoạch- Đầu tư đã nêu bật những hạn chế của nền kinh tế. Đó là quy mô, năng lực cạnh tranh của tỉnh cũng như của DN, sản phẩm trong tỉnh còn yếu, chưa tận dụng những cơ hội. Khả năng thu hút đầu tư, đặc biệt các DN FDI có quy mô đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại còn hạn chế. Môi trường cạnh tranh khốc liệt, khiến các DN, đặc biệt DN nhỏ phải thu hẹp quy mô sản xuất và một số DN có khả năng sẽ giải thể, phá sản. Việc duy trì nguồn lao động tại DN ngày càng khó khăn, các yếu tố đầu vào (nguyên, nhiên, vật liệu) ngày càng biến động khó lường.

Sản phẩm công nghiệp, nông sản không thương hiệu

Đánh giá của Sở Kế hoạch- Đầu tư cho thấy, nhiều sản phẩm công nghiệp, nông sản hiện nay chưa có thương hiệu. Cụ thể, nhiều nông sản hàng hóa chưa có thương hiệu, sản xuất chưa gắn với chế biến và thị trường, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ không chặt chẽ dẫn, thiếu bền vững. Sản xuất công nghiệp tuy tăng trưởng khá cao nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, hàm lượng khoa học- công nghệ tiên tiến trong sản phẩm chưa cao, năng lực cạnh tranh còn yếu, chưa khai thác tốt nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu.

 

Kỳ sau: Doanh nghiệp chủ động tái cơ cấu

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh