Mùa mưa lũ đã cận kề, các đô thị đã sớm tất bật chuẩn bị công tác ứng phó với mưa lũ.
[links()]
Mùa mưa lũ đã cận kề, các đô thị đã sớm tất bật chuẩn bị công tác ứng phó với mưa lũ.
Điểm nóng ngập khi có mưa lớn thuộc địa bàn TX Bình Minh. |
Chủ động không chủ quan
TP Vĩnh Long là một trong những “điểm nóng” về tình trạng ngập lụt khi có mưa lớn hay vào mùa lũ. Chính vì vậy, từ rất sớm, ngành chức năng có những giải pháp chống ngập lụt nhằm hạn chế tình trạng này, đảm bảo lưu thông.
Ông Ngô Thành Thía- Phó Giám đốc Công ty TNHH 1TV Công trình công cộng cho biết: Trước mắt cho tập trung tăng cường nạo vét tạp chất, khai thông cống rãnh, miệng hố ga các tuyến đường chính dẫn ra cửa xả, để mưa lớn không bị nghẹt, bố trí nhân công trực khi có mưa lớn để xử lý khi bị ngập đường. Đồng thời, cho sửa chữa các van miệng xả bị hư hỏng, lắp đặt thêm 1 số van một chiều mới trên đường Phạm Thái Bường, Trần Phú (Phường 4). Từ nguồn kinh phí của thành phố, công ty đã chuẩn bị bao cát tấn đường, sẽ hoàn thành trong tháng 7/2015 để kịp trước mùa mưa lũ, chủ yếu trên địa bàn Phường 1. Năm nay, dự kiến cho các máy bơm tăng tần suất hoạt động. Lúc trước, mưa ngập mới bơm nhưng nay sẽ chủ động trước.
Tương tự, địa bàn TX Bình Minh cũng thường xuyên xảy ra ngập khi vào mùa mưa lũ. Do đó, thời gian qua, nhiều cống thoát nước đã được lắp đặt, cải tạo để hạn chế ngập lụt. Cụ thể là cống thoát nước vỉa hè của Khóm 1, Khóm 3, cống thoát nước bến phà thượng lưu, hạ lưu (phường Thành Phước), cống thoát nước Khóm 1 (phường Cái Vồn), cống thoát nước trước trụ sở phường Đông Thuận…
Ông Nguyễn Phước Trung- Trưởng Phòng Quản lý đô thị TX Bình Minh cho biết: Đường phố cải thiện nhiều từ khi có cống mới và hệ thống thoát nước ổn định hơn, Lúc trước không nạo vét, cống hôi thối, giờ làm cống, dân mừng, mua bán thuận tiện hơn. Thêm vào đó, người dân không còn xả rác bừa bãi, biết giữ gìn vệ sinh môi trường.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Dung (Khóm 3- phường Thành Phước) chia sẻ: “Có cống, có vỉa hè rồi dân tụi tui mừng lắm. Mưa không còn ngập, sạch sẽ, lúc chưa có vỉa hè, cống thoát nước, mưa ngập có khi tới đầu gối, giờ không sợ ngập nữa, mua bán dễ dàng hơn”.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch- Phó Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Vũng Liêm cho biết: Mùa mưa lũ, huyện đã triển khai thực hiện công tác thủy lợi vào giao thông, đắp đê bao tuyến ven sông Vũng Liêm với tổng chiều dài 2,4km, nền 6m, mặt 2m với kinh phí 600 triệu đồng, đã hoàn thành. Phòng còn chỉ đạo đội duy tu thường xuyên kiểm tra khai thông cống rãnh, đảm bảo cho việc thoát nước. Đồng thời, kết hợp UBND thị trấn tuyên truyền người dân không đổ rác thải độc hại, chất thải rắn xuống cống rãnh để đảm bảo vệ sinh môi trường. Riêng đối với các dự án như cụm dân cư vượt lũ, trung tâm thương mại, đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (cống, ống thoát nước) để chống ngập úng.
Lo ngại đường không cống thoát nước
Có thể thấy, hiện hầu hết giải pháp chống ngập chủ yếu dựa vào địa hình tự nhiên như tận dụng đường lộ cao và dân ven sông tự nâng nền làm vành đai chống ngập.
Dù một số đô thị đã được đầu tư hệ thống van một chiều ngăn lũ, máy bơm phóng hệ thống cống, bao cát… nhưng nhìn chung, các giải pháp chống ngập hiện tại khá thô sơ. Thêm vào đó, nhiều đô thị vẫn thiếu hệ thống thoát nước, xây dựng hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ nên việc thoát nước khi vào mùa mưa lũ trở nên khó khăn. Nhiều tuyến đường mưa xuống không có đường rút, nước bị “nhốt” trên lộ, phải chờ nắng đến “giải thoát”.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch nói: Hiện còn một số tuyến đường như 2 tuyến đường Rạch Đôn, đường Thế Hanh, đường Rạch Trúc, đường Phong Thới chưa có hệ thống hạ tầng kỹ thuật nên thoát nước mặt ra ao, vườn, kinh rạch. Do đó, gây ngập úng cục bộ khu dân cư khi có mưa, lũ. Đây đa số là đường nhỏ, tải trọng thấp chưa đáp ứng theo quy hoạch được phê duyệt. Do đó, kiến nghị UBND tỉnh có kế hoạch xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đối với 5 tuyến đường này để thị trấn Vũng Liêm sớm đề nghị được công nhận là đô thị loại IV.
Ông Đặng Văn Ngàn- Trưởng Phòng Kinh tế TX Bình Minh cho biết: Mùa mưa lũ ngập nhiều tuyến đường nội ô thị xã. Tình trạng ngập tăng thêm do biến đổi khí hậu, lúc trước chỉ có một vài đoạn thì giờ ngập nhiều hơn, sâu hơn. Trong đó, khu vực bán thủy triều ven sông Hậu, lên nhanh xuống nhanh, ngập sâu nhiều nhất là đoạn ấp Thuận Tiến, xã Thuận An, gây khó khăn, nguy hiểm cho người đi, dễ gây tai nạn.
Ông Nguyễn Phước Trung cũng cho biết thêm: Hiện tại QL54 nằm trên địa bàn huyện chưa có vỉa hè, cống thoát nước. Từ giáp Trà Ôn (cầu Phù Ly đến cầu Dầu), đoạn đường trên QL54 (địa phận Bình Minh) ngập cục bộ vào mùa mưa lũ. Đoạn QL1 thuộc địa bàn huyện có đoạn có cống, đoạn không có cống, thêm vào đó nhà dân, doanh nghiệp xây cao hơn mặt đường, nước không đường thoát nên ứ đọng, có đoạn không rút được, đợi nắng khô chứ không có đường thoát nước, gây khó khăn cho người dân, đã kiến nghị nhiều lần, nhưng do không thuộc thẩm quyền quản lý nên không cải tạo được. Bên cạnh đó, vòng xoay đường dẫn lên cầu Cái Vồn nhỏ ngập mấy năm nay, lại có quá nhiều đường rẽ nên dễ gây tai nạn. Đã đề nghị sửa lại mấy năm nay nhưng chưa được giải quyết.
Bên cạnh các giải pháp chống ngập của địa phương, để hạn chế tình trạng ngập lụt khu vực ven sông cần sự phối hợp của người dân. Các hộ cần có giải pháp ngăn nước tràn qua hệ thống thoát nước của gia đình, bởi việc chống ngập hiện gặp không ít khó khăn do đa số hộ dân sống ven sông đều có cống thoát nước sinh hoạt ra sông nhưng chưa chú ý chống nước tràn ngược trở lại. Đồng thời, cần có ý thức giữ thông thoáng cho các miệng thu nước trong thành phố, không để rác thải bít miệng thu nước trên các tuyến đường, gây khó cho việc thoát nước, nhất là vào mùa mưa lũ. Song, đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế, chống ngập tạm thời. Để không còn cảnh đô thị “bì bõm” trong nước, cần có những giải pháp căn cơ về lâu dài.
Ông Trần Hoàng Giang- Chủ tịch UBND thị trấn Cái Nhum (Mang Thít): Thành lập đội chống ngập, trang bị máy bơm ở các khu vực Khóm 1 (khóm trung tâm), khi có triều cường hoặc mưa lớn sẽ cho bơm nước ra. Từ khi có các nắp cống mới, nước ra dễ nhưng khó vào đã bớt ngập ở thị trấn. Ông Ngô Thành Thía- Phó Giám đốc Công ty TNHH 1TV Công trình công cộng: Hiện tại, có 4 máy bơm nhưng khi đến đỉnh lũ thì 4 máy bơm hoạt động hết công suất vẫn không xuể. Thời gian gần đây, lượng nước ngập ở đô thị khó lường trước, do đó khi có kinh phí bao nhiêu thì ứng phó bấy nhiêu. Song, đây cũng chỉ là những giải pháp tạm thời. Muốn giải quyết căn cơ, triệt để thì phải xây dựng kè đê bao chống ngập. Ông Nguyễn Phước Trung- Trưởng Phòng Quản lý đô thị TX Bình Minh: Trong năm 2015, dự kiến sẽ làm thêm cống thoát nước đường Phan Văn Năm (thuộc phường Cái Vồn và phường Thành Phước), dự kiến làm thêm cống thoát nước Khóm 3 (phường Thành Phước) do ô nhiễm. Đồng thời, đề nghị sớm được phê duyệt thực hiện các công trình không có cống, bố trí lại vòng xoay để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, phát động người dân tự thu gom rác thải, đốt, chôn lấp. Hiện, có trên 80% người dân ý thức tốt về giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. |
Bài, ảnh: THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin