Sự trùng lắp các sự kiện xúc tiến giữa các tỉnh thành trong khu vực phía Nam, lịch tổ chức dày đặc và dồn dập… là những hạn chế được quan tâm hàng đầu tại hội nghị sơ kết 1 năm Chương trình hợp tác xúc tiến thương mại- đầu tư (XTTM-ĐT) giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh- thành phía Nam.
[links()]
Sự trùng lắp các sự kiện xúc tiến giữa các tỉnh thành trong khu vực phía Nam, lịch tổ chức dày đặc và dồn dập… là những hạn chế được quan tâm hàng đầu tại hội nghị sơ kết 1 năm Chương trình hợp tác xúc tiến thương mại- đầu tư (XTTM-ĐT) giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh- thành phía Nam.
Hợp tác XTTM-ĐT cũng đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao quản lý điều hành. |
Sự kiện dày đặc và dồn dập
Theo đánh giá của hội nghị, hoạt động XTTM-ĐT tại các tỉnh- thành phía Nam diễn ra sôi động, chất lượng, hiệu quả cao. Theo báo cáo, các tỉnh- thành phía Nam đã tổ chức hơn 500 sự kiện XTTM-ĐT lớn nhỏ… giúp hàng hóa dịch vụ Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng thành thị, vùng sâu, vùng xa. Với sự hỗ trợ từ các chương trình XTĐT, các tỉnh- thành phía Nam đã cung cấp mới cho khoảng 400 dự án đầu tư mới, lấp đầy một số khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo ông Nguyễn Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm XTTM-ĐT TP Hồ Chí Minh, các chương trình XTTM trong và ngoài nước đã góp phần đưa sản phẩm Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục quay trở lại thị trường Liên bang Nga, các nước Đông Âu, tăng cường hoạt động tại thị trường Campuchia, Myanmar, Lào, một số nước Trung Đông và Châu Phi; giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ vào thị trường các nước nói trên, xúc tiến đẩy mạnh hoạt động TM-ĐT, nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam. Đặc biệt, ông Nguyễn Tuấn nhấn mạnh: “Chương trình liên kết hợp tác bước đầu đã gặt hái một số thành công, tạo ra nét đổi mới, tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong XTTM-ĐT giữa các tỉnh- thành. Qua đó, góp phần thúc đẩy giao thương kinh tế thương mại giữa các địa phương, vùng miền, tìm đầu ra cho các nhà sản xuất trực tiếp sản phẩm, các hợp tác xã và nông hộ”.
Tuy nhiên, hội nghị cũng nhìn nhận hạn chế hiện nay là sự trùng lắp sự kiện xúc tiến giữa các tỉnh- thành khu vực phía Nam, đến nỗi nhiều đại biểu kêu “tham dự không xuể”. Không chỉ tạo sự phân tán, thiếu tính liên kết trong hoạt động này, mà đa phần nội dung và hình thức các sự kiện gần giống nhau. Tổng hợp từ hội nghị, trong năm 2015, các tỉnh- thành phía Nam có gần 50 sự kiện lớn về XTTM-ĐT. Theo đó, một số thời điểm có lịch tổ chức dày đặc như: tháng 4, tháng 6 mỗi tháng có 6 sự kiện và đặc biệt tháng 12 có hàng loạt sự kiện khắp các tỉnh- thành.
Bà Nguyễn Thị Hồng- Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh- nhận xét, sự trùng lắp trong hoạt động xúc tiến ở các tỉnh- thành cả về nội dung lẫn thời gian tổ chức tạo ra sự phân tán, thiếu tính liên kết. Điều đó khiến TP Hồ Chí Minh với vai trò trung tâm hợp tác liên kết cũng bị động, không thể tham gia được hết các sự kiện, hội chợ. Vì thế, “các hoạt động XTTM-ĐT từ trung ương đến địa phương phải được rà soát, tính toán kế hoạch cụ thể và có sự phối hợp hài hòa, tránh trùng lắp để hợp tác hiệu quả hơn”.
Để liên kết bền vững
Với mong muốn tăng cường tính liên kết bền vững, đẩy mạnh mối quan hệ liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh- thành phía Nam, giảm sự trùng lắp đối với các chương trình XTTM-ĐT cũng như phát huy lợi thế mỗi địa phương, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, TP Hồ Chí Minh xem hợp tác toàn diện với các địa phương là chiến lược lâu dài để khai thác, tiếp cận tiềm năng của các địa phương. Thời gian qua, các tỉnh- thành đã tạo sự gắn kết trong các hoạt động XTTM-ĐT- du lịch để giúp các doanh nghiệp giữ vững, mở rộng thị phần trong nước và hướng ra nước ngoài. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp nâng cao năng lực quản lý, phát triển sản phẩm góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm Việt Nam.
“Hoạt động XTTM-ĐT phải nói lên được thế mạnh của vùng ĐBSCL”- ông Hồ Văn Hùng- Giám đốc Trung tâm XTTM Vĩnh Long- nêu ý kiến và cho rằng, khi XTTM ở nước ngoài cần có sự liên kết với nhau, nghiên cứu thế mạnh của từng địa phương góp vào thế mạnh chung của vùng, để quảng bá làm nổi bật nó lên.
“Cần thay đổi tư duy XTTM-ĐT”- ông Lê Ngọc Tùng- Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Công thương)- nói và nhấn mạnh: “Sự chủ động hợp tác của các trung tâm XTTM làm giảm các đầu mối trung gian, nâng tầm quy mô xúc tiến và dần đi vào chiều sâu. Theo tôi, mỗi tỉnh có một thế mạnh riêng, vì thế phải thay đổi tư duy xúc tiến khu vực, vùng thông qua việc lựa chọn chương trình, chuyên đề chung cho các sự kiện xúc tiến để phát huy được sức mạnh, càng khó khăn càng phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến để tiêu thụ hàng hóa”.
Bài, ảnh: LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin