Vinafood 2 sẽ chuyển từ mua gạo sang mua lúa xuất khẩu

02:01, 15/01/2015

Thay vì mua gạo để xuất khẩu như cách làm truyền thống từ trước tới nay, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) sẽ mua lúa trực tiếp từ nông dân để chế biến xuất khẩu.

Thay vì mua gạo để xuất khẩu như cách làm truyền thống từ trước tới nay, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) sẽ mua lúa trực tiếp từ nông dân để chế biến xuất khẩu.

 

Vinafood 2 sẽ chuyển sang mua lúa phục vụ chế biến xuất khẩu, thay vì mua gạo. Trong ảnh là nông dân thu hoạch lúa trong mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh.

 

Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Vinafood 2, cho biết, chiến lược chuyển sang tiếp cận hạt lúa để chế biến xuất khẩu thay vì mua gạo, nằm trong kế hoạch phát triển, mở rộng mô hình cánh đồng lớn và đã được lãnh đạo của Vinafood 2 nhất trí thông qua. “Đây là chiến lược mang tính bước ngoặc của chúng tôi, thể hiện tư duy mới trong kinh doanh lúa gạo của Vinafood 2”, ông Năng khẳng định.

 

Theo ông Năng, việc xây dựng mô hình cánh đồng lớn sẽ giúp Vinafood 2 cùng các doanh nghiệp thành viên chủ động được nguồn hàng xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của thị trường nhập khẩu.

 

Cụ thể, chương trình phát triển cánh đồng lớn của Vinafood 2 sẽ được triển khai ngay trong vụ đông xuân 2014-2015. “Sau đó, mục tiêu của chúng tôi là đưa diện tích của mô hình đến năm 2020 chiếm 20%/tổng điện tích sản xuất lúa của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, ông Năng cho biết.

 

Theo ông Năng, nếu kết hợp luôn chương trình hợp tác chiến lược giữa Vinafood 2 và Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), thì quy mô của mô hình cánh đồng lớn sẽ chiếm đến 30% diện tích sản xuất lúa của ĐBSCL vào năm 2020, tức đạt khoảng 1,2 triệu trong 4 triệu héc ta đất sản xuất lúa của ĐBSCL.

 

Để thực hiện chiến lược trên của mình, Vinafood 2 đã được bảy ngân hàng thương mại cam kết cung ứng vốn, trong đó có bốn ngân hàng thương mại đã chính thức ký kết cho vay và sẵn sàng giải ngân vốn bất cứ lúc nào.

 

Ngoài ra, theo ông Năng, lãnh đạo Vinafood 2 cũng đã thống nhất phương hướng, nhiệm vụ khai thác thị trường xuất khẩu thời gian tới nhằm khơi thông tiêu thụ lúa cho bà con nông dân, đó là tập trung khai thác thị trường truyền thống cho phân khúc gạo trắng thông dụng, gồm 5%, 15%, 25% tấm và mở rộng thị trường thương mại để bán gạo thơm, gạo đặc sản. “Tuy nhiên, hướng đi này chúng tôi xác định sẽ bán ở mức giá từ 550-600 đô la Mỹ/tấn để không cạnh tranh trực tiếp với gạo thơm Hom Mali của Thái Lan hay Basmati của Ấn Độ”, ông khẳng định.

 

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh