Trồng huệ trắng mùa tết cho hiệu quả kinh tế cao

10:01, 04/01/2015

Nhằm phục vụ cho thị trường Tết Ất Mùi 2015, nhiều nông dân Tiền Giang đang tất bật chăm sóc huệ trắng trồng dưới chân ruộng để thu hoạch bông đúng thời điểm, bông to đẹp và bán được giá.


Trồng huệ trắng giúp nhiều nông dân trồng lúa thoát nghèo vươn lên khá giả.

Nhằm phục vụ cho thị trường Tết Ất Mùi 2015, nhiều nông dân Tiền Giang đang tất bật chăm sóc huệ trắng trồng dưới chân ruộng để thu hoạch bông đúng thời điểm, bông to đẹp và bán được giá.

Đây cũng là nghề truyền thống giúp nhiều nông dân trồng lúa thoát nghèo vươn lên khá giả, cũng như tăng thêm thu nhập, sắm sửa vật dụng trong gia đình để Tết cổ truyền thêm phần ấm cúng, sung túc.

Trồng huệ trắng xen canh lúa (dưới chân ruộng) là nghề đã hình thành ở Tiền Giang cách nay hơn 20 năm, bắt đầu ở thị trấn Cai Lậy, xã Nhị Mỹ và xã Long Khánh thuộc huyện Cai Lậy với diện tích chỉ hơn 1ha với vài hộ trồng thử.

Thực hiện chủ trương đưa cây màu xuống chân ruộng theo cơ cấu 2 vụ lúa xen 1 vụ màu để nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, hiện nay nghề trồng huệ trắng đã phát triển khắp các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và Chợ Gạo với tổng diện tích trồng huệ trắng lên tới hơn 600ha, đời sống nông dân được cải thiện đáng kể.

Ông Huỳnh Văn Tấn (xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy) trước đây vốn là nông dân nghèo, ít đất sản xuất, phải đi làm thuê làm mướn để nuôi gia đình.

Từ cảnh khó khăn nhưng nhờ dám nghĩ dám làm nên ông Tấn đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng 20 triệu đồng để thử nghiệm trồng huệ trắng từ năm 2002 và ngay vụ đầu tiên này đã trả hết nợ ngân hàng mà vẫn còn vốn để tiếp tục tái sản xuất. Từ những thành công ban đầu, những năm tiếp theo ông Tấn đều thuê đất trồng 2 công (công= 1.000m2) huệ trắng để đón thị trường Tết Nguyên đán.

Sau 4 tháng trồng, huệ trắng bắt đầu cho thu hoạch và lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông còn kết hợp trồng rau màu như hành, cải lá,… xen canh huệ trắng theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài” hoặc xen canh cây lúa nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.

Để đón thị trường Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, ông Hồ Văn Bé (xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy) cũng trồng 2 công huệ trắng đang phát triển tốt.

Theo ông Bé, trồng huệ trắng tuy tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư nhưng lợi nhuận cao hơn 3- 4 lần so với trồng lúa. Huệ trắng là loài thực vật có khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt nên thích hợp trồng ở những vùng đất gò cao, trồng lúa năng suất thấp.

Thông thường huệ trắng có thể trồng được quanh năm để cung cấp cho thị trường trong các dịp cưới, hỏi, ma chay…, nhưng bông huệ trắng được tiêu thụ mạnh và có giá cao nhất là vào dịp Tết Nguyên đán từ 25- 30 tháng Chạp.

Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân trồng huệ trắng, muốn có bông huệ thu hoạch kịp bán dịp tết, ngay từ tháng 8 âm lịch, nông dân đã phải lên liếp, cải tạo đất, đặt củ giống rồi chăm sóc, bón phân, phun thuốc, tưới nước cho đến tháng Chạp thì huệ bắt đầu thu hoạch.

Để hạn chế bệnh chai, sượng bông (bệnh do ký sinh trùng gây ra chưa có thuốc trị) làm giảm năng suất, chất lượng bông huệ thì cần phải chọn củ giống tốt, trọng lượng vừa phải, phơi giống kỹ trước khi trồng, hoặc ngâm nước ấm khoảng 56-570C.

Mật độ đặt củ huệ giống tốt nhất khoảng 250 ngàn củ/ha với tỷ lệ hao hụt trong quá trình trồng khoảng 20%. Chú ý, ngay sau khi củ huệ giống ra lá cần bón phân cân đối giữa 3 hàm lượng lân, đạm và kali để hạn chế bệnh cháy lá. Trong giai đoạn huệ được 6 tuần tuổi, định kỳ 10 ngày bón thúc phân 1 lần đến khi thu hoạch khoảng 4 tháng để giúp huệ trắng cho bông to.

Mặt khác, bà con cũng bón phân chuồng thường xuyên cho huệ trắng để tạo độ tơi xốp cho đất, hạn chế được dịch bệnh, chi phí chăm sóc. Đặc biệt, sau khi trồng hoa huệ từ 3- 4 năm thì phải cải tạo lại đất để trồng lại vụ huệ khác, bởi nếu tiếp tục sử dụng giống cũ thì hoa sẽ bị sâu bệnh nhiều, hiệu quả trồng huệ sẽ không cao.

Bà Lê Thị Phụng- một tiểu thương thu mua bông huệ trắng ở TX Cai Lậy cho biết, hiện nay, giá bông huệ loại 1 dao động từ 2.500-3.000 đ/bông, huệ loại 2 giá từ 1.500-2.000 đồng/bông, huệ loại 3 có giá từ 1.000-1.500 đ/bông.

Vào các ngày rằm hoặc các dịp lễ, tết thì nhu cầu bông huệ trắng tăng đột biến nên giá bông huệ các loại tăng từ 3.000- 5.000 đ/bông so với ngày thường. Theo chiết tính của nhiều nông dân trồng huệ trắng, sau khi trừ hết các chi phí sản xuất như củ giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công, chăm sóc…, bình quân mỗi hecta trồng huệ trắng đem lại lợi nhuận cho nông dân từ 200- 300 triệu đồng.

Để giúp nông dân phát huy thế mạnh từ cây kiểng và nghề trồng huệ, các ngành nông nghiệp tỉnh đã tăng cường khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật canh tác, mở các lớp tập huấn để tăng hiệu quả hoạt động sản xuất.

Cây huệ trắng sống được trong các điều kiện khắc nghiệt, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, giúp nâng cao đời sống người dân nông thôn là điều không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, nông dân nên tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường, nắm vững kỹ thuật canh tác trước khi bước vào trồng huệ trắng để giảm thiểu rủi ro, từ đó giúp bà con trồng huệ trắng có thu nhập ổn định, bền vững và có mùa huệ tết bội thu.

Bài, ảnh: THÀNH CÔNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh