Mức sụt giảm kim ngạch tới 25,6% so với cùng kỳ được doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lý giải do nguồn nguyên liệu khan hiếm, các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc chưa khởi động.
Mức sụt giảm kim ngạch tới 25,6% so với cùng kỳ được doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lý giải do nguồn nguyên liệu khan hiếm, các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc chưa khởi động.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng một ước đạt 412 triệu USD, giảm 25,6% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là mức giảm mạnh nhất trong 2 năm trở lại đây.
Ông Trần Tấm Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung cũng xác nhận tình trạng khó khăn, khi tại các công ty con, mức giảm có thể trên 25%.
Tuy nhiên, ông Tâm cũng cho hay, việc giảm trên cũng không lạ vì thông thường những tháng đầu năm tình hình kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản luôn thấp. Nguyên nhân do nguồn nguyên liệu khan hiếm, đặc biệt sản phẩm từ các hộ kinh doanh cũng không dồi dào, nhiều hộ ngưng bán hàng để dự trữ cho mùa Tết Nguyên Đán. Mặt khác, giá nguyên liệu tại thị trường trong nước tăng cao, trong khi giá xuất khẩu lại đứng im nên doanh nghiệp xuất ít đi vì khả năng sinh lời không cao.
“Đa phần doanh nghiệp thủy sản kinh doanh tốt chủ yếu vào quý II, III và IV, còn riêng quý I thì năm nào cũng èo uột”, ông Tâm nói thêm.
|
|
Xuất khẩu khả quan hơn so với doanh nghiệp trên, tuy nhiên, ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ cũng thừa nhận, đầu năm nguyên liệu cho thủy sản khan hiếm và giảm so với mọi năm; tình hình cá tra xuất khẩu tại công ty cũng giảm nhẹ cho nên lượng hàng xuất khẩu có đôi chút xê dịch.
“Đây là tình hình chung của những tháng đầu năm nên không có gì đáng lo ngại. Bởi lẽ, theo chu kỳ, các quý tiếp theo sản lượng xuất khẩu thường tăng mạnh. Với những điều kiện thuận lợi từ thị trường cũng như chính sách từ cơ quan chức năng, theo tôi tình hình kinh doanh 2015 của doanh nghiệp thủy sản tiếp tục phát triển tốt”, ông Đức nói thêm.
Đánh giá chung về tình hình hoạt động của doanh nghiệp thủy sản trong tháng một, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định. Riêng về lượng xuất khẩu thủy sản giảm mạnh cũng không phải là chuyện bất thường đối với các công ty trong ngành này. Bởi lẽ, chỉ tiêu bình quân xuất khẩu thủy sản đặt ra cho những tháng đầu năm ở mức gần 500 triệu USD.
Như vậy, với 412 triệu USD đạt được trong tháng một, tuy có giảm nhưng vẫn giữ được ở mức tương đối. Riêng việc giảm mạnh so với năm ngoái là vì tháng 1/2014 thị trường xuất khẩu tăng đột biến, các đối tác nước ngoài bất ngờ gom hàng ồ ạt để dự trữ vì lo sợ thiếu hàng. Chính vì mức tăng đột biến của năm 2014, nên khi so với 2015 thì con số chênh lệch khá lớn, tuy nhiên, nếu so với các năm trước đó thì mức giảm này chỉ dừng ở 10-15%.
"Nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm, phần lớn thuộc về yếu tố khách quan của kinh tế thế giới. Đặc biệt, năm nay các doanh nghiệp cũng chịu tác động lớn khi đồng euro rớt giá", ông Hòe nói.
Bên cạnh đó, Tổng thư ký VASEP còn cho biết, hiện một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc chưa khởi động lại cũng khiến cầu giảm. Còn riêng thị trường Mỹ, các doanh nghiệp còn đang chờ cơ hội mới tại hội chợ diễn ra trong thời gian tới.
Đánh giá chung về thị trường 2015, ông Hòe cho rằng sẽ có nhiều khởi sắc. Những doanh nghiệp yếu trong thời gian qua đã dần bị đào thải, những đơn vị còn lại trụ vững và trải qua khó khăn suốt 3 năm qua sẽ ngày càng phát triển.
Năm 2014, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 8 tỷ USD, tăng 18% so với 2013. Trong đó, tôm là mặt hàng đóng góp kết quả lớn nhất trong số những nhóm xuất khẩu. Còn cá tra và cá ngừ, sản lượng xuất khẩu năm 2014 giảm mạnh.
Theo VnExpress
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin