TP Vĩnh Long (đô thị loại III) là trung tâm của tỉnh về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thương mại dịch vụ… và đã được quy hoạch là đô thị trung tâm vùng tỉnh.
TP Vĩnh Long (đô thị loại III) là trung tâm của tỉnh về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thương mại dịch vụ… và đã được quy hoạch là đô thị trung tâm vùng tỉnh.
Thời gian qua, thành phố đã tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tạo động lực phát triển, hướng tới đô thị loại II trong tương lai.
Kè Cổ Chiên chống sạt lở bờ sông, góp phần tăng mỹ quan đô thị.
Tính đến cuối năm 2014, TP Vĩnh Long đã đạt 58% tiêu chí đô thị loại II (vượt 8% chỉ tiêu Chương trình 06 của Tỉnh ủy về phát triển đô thị và nhà ở giai đoạn 2011- 2015), tỷ lệ đô thị hóa đạt 75%.
Thời gian qua, công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch thành phố được chú trọng, tạo động lực để xây dựng phát triển đô thị. Theo đó, thành phố đã có quy hoạch chung và 11 phường- xã đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.
Bên cạnh, thành phố có sự tập trung đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, đường giao thông…
Các trục đường chủ yếu đã hình thành như: tuyến tránh QL 1A qua Vĩnh Long, kè Cổ Chiên qua Phường 2, Phường 9 và xã Tân Ngãi, các trục đường nội ô như đường Võ Văn Kiệt, Trần Đại Nghĩa, Bạch Đàn và đường giao thông các xã…
Đường chạy qua, công trình nối tiếp công trình mọc lên biến những mảnh vườn, thửa ruộng ngày nào thành phố xá. Người dân phấn khởi bởi cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đô thị ngày càng sáng hơn. Nhờ vậy, đất đai có giá hơn, nhiều hộ mở ra làm ăn, mua bán…
Ở đường Trần Đại Nghĩa, gia đình cô Nguyễn Thị Vị đã 4 đời “bám đất”. Cô chia sẻ: “Tui rất vui trước sự đổi mới ngày càng đẹp hơn của nơi này. Giờ thì đường sá khang trang, sáng đẹp”.
Từ ngày mở đường Võ Văn Kiệt, đất nhà cô Nguyễn Thị Kim (Khóm 4- Phường 9) trở thành mặt tiền nên ngoài phần cho thuê kinh doanh, cô mở quán bán nước giải khát tại nhà, thoát cảnh mua gánh bán bưng gần nửa đời người.
Từ ngày có đường mới, thu nhập ổn định hơn nên hết nợ và nuôi được 3 cháu đi học. Anh Nguyễn Văn Phát thì vui ra mặt: “Đường Võ Văn Kiệt là đường đẹp nhất Vĩnh Long nghe”.
Đặc biệt, thành phố đã ban hành quy chế quản lý kiến trúc đối với các công trình xây dựng hai bên đường Võ Văn Kiệt và quy định quản lý xây dựng hai bên đường Trần Đại Nghĩa. Có thể nói, việc quản lý kiến trúc, quản lý xây dựng là bước tiến mới, giúp khắc phục tình trạng nhà méo mó, siêu mỏng, tăng mỹ quan đô thị…
Bên cạnh đó, thành phố đã cải tạo Công viên thành phố, xây dựng mới Công viên vượt lũ Phường 8, cổng chào Tân Ngãi, cổng chào điện tử, cầu dây văng nối Phường 1 và Phường 5; lắp đặt đường trang trí các tuyến phố.
Các cơ sở hạ tầng khác như trường mầm non (ở Phường 4, Phường 5…); trụ sở UBND (xã Tân Hòa, Trường An, Tân Ngãi…); trạm y tế (Phường 3, Phường 5…); lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng công cộng; cải tạo nâng cấp hệ thống cống.
Năm 2015, thành phố tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ theo hướng đạt tiêu chí đô thị loại II. Cụ thể, điều chỉnh quy hoạch tổng thể xây dựng TP Vĩnh Long, phấu đấu đạt 65% tiêu chí đô thị loại II.
Đồng thời, tăng tỷ lệ đô thị hóa lên 100%; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy hoạch chi tiết xã Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hội để thành lập phường.
Bên cạnh, hoàn thành hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết Phường 4, tiếp tục xin chủ trương rà soát các phường: 1, 3, 5…
Bên cạnh, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc đô thị; tiếp tục thực hiện các chương trình phát triển hạ tầng theo đề án chỉnh trang đô thị, đặc biệt thực hiện các dự án về nhà ở xã hội, giải tỏa nhà trên sông rạch; chỉnh trang, cải tạo, sửa chữa nhà ở tạm, nhà thiếu kiên cố khoảng 1.833 căn (hiện đã đạt 95% nhà từ bán kiên cố trở lên).
Ông Tăng Tỷ- Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long
Với mục tiêu phát triển TP Vĩnh Long trở thành đô thị loại II vào năm 2020, thời gian qua, thành phố đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như các quy định về xây dựng và quản lý trật tự xây dựng thường xuyên thay đổi, nhiều dự án hoàn thành phê duyệt nhưng thiếu vốn triển khai, giải phóng mặt bằng gặp khó.
Vì vậy, để phát triển đô thị, tôi kiến nghị mấy vấn đề. Đó là cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố, vì quy hoạch trước đây có nhiều mặt không còn phù hợp. Việc đầu tư thực hiện quá trình đô thị hóa nên dồn vốn, dồn sức vào một vài dự án trọng điểm, cụ thể. Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp.
Thành phố cần được hỗ trợ về cơ chế, kinh phí trong việc giao quản lý các công trình trung ương bàn giao. Đồng thời, để phát triển nhà ở đô thị, cần có chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển nhà ở xã hội nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có nhà ở.
(lược ghi)
|
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin