Đây là một trong những nhiệm vụ của ngành ngân hàng (NH) trong năm 2015, cùng với đó tăng cường các giải pháp huy động vốn giữ vững sự tăng trưởng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Đây là một trong những nhiệm vụ của ngành ngân hàng (NH) trong năm 2015, cùng với đó tăng cường các giải pháp huy động vốn giữ vững sự tăng trưởng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Năm 2014, NHNN chi nhánh tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị kết nối NH- DN.
Lãi suất đã về mức cho vay năm 2006- 2007
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Vĩnh Long, trong năm 2014, các NH tiếp tục tập trung vốn để đầu tư cho vay mới các dự án hiệu quả, khả thi, có khả năng trả nợ phụ thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao) với lãi suất theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN.
Dư nợ cho vay đến 31/12 đạt 15.035 tỷ đồng, so năm 2013 tăng 1,83%. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 8.287 tỷ, tăng 8,1%, chiếm hơn 55% tổng dư nợ.
Ông Nguyễn Trọng Nghiệp- Giám đốc NHNN chi nhánh Vĩnh Long, cho biết năm 2014 của ngành NH là lãi suất các khoản nợ vay cũ đã về mức dưới 15%/năm.
Đáng ghi nhận là các NHTM đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh, các chi nhánh NHTM cũng chủ động điều chỉnh giảm lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trở lên để tiết kiệm chi phí huy động vốn và giảm lãi suất cho vay các đối tượng ngoài lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ người vay vốn.
Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 9%/năm xuống còn tối đa 7%/năm. Khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, phương án sản xuất hiệu quả cao được xem xét cho vay với lãi suất thấp hơn.
Hiện nay, lãi suất huy động tại các NHTM phổ biến ở mức: không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng 0,8- 1%/năm, kỳ hạn 1- 6 tháng 5- 5,5%/năm, kỳ hạn 6-12 tháng từ 5,5- 7%/năm…
Lãi suất cho vay các lĩnh vực không thuộc đối tượng ưu tiên phổ biến ở mức: ngắn hạn 7- 10%/năm (NHTM nhà nước), 8- 11,75% (NHTMCP ngoài nhà nước); trung dài hạn 8,5 -12,5%/năm (NHTM nhà nước), 10-13%/năm (NHTMCP ngoài nhà nước). So với đầu năm lãi suất cho vay đối tượng này giảm 1- 1,5%/năm.
Cơ cấu lại nợ cho 629 khách hàng
Năm 2014, ngành NH thực hiện cơ cấu lại nợ cho 629 khách hàng với dư nợ 798 tỷ đồng, trong đó có 605 khách hàng với dư nợ 792 tỷ được giữ nguyên nhóm nợ như trước cơ cấu.
Cho vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất ưu đãi đối với 43.370 lượt khách hàng, doanh số đạt 10.430 tỷ (tăng 1.237 tỷ so năm 2013), trong đó có 1.233 lượt DN doanh số đạt 3.603 tỷ.
|
Đến ngày 31/12, nguồn vốn huy động thị trường dân cư và DN đạt 18.721 tỷ đồng, tăng +15,37% so năm 2013, trong đó tiền gửi tiết kiệm đạt 12.480 tỷ, tăng 22,43%, chiếm 66,7% nguồn vốn huy động; tiền gửi các tổ chức kinh tế đạt 5.989 tỷ, tăng 18,43%, chiếm 31,99%.
NHNN chi nhánh Vĩnh Long đã giám sát thường xuyên việc tổ chức thực hiện tái cơ cấu lại hoạt động của các chi nhánh NHTM trên địa bàn.
Theo đánh giá, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn hoạt động an toàn, có hiệu quả. Thực hiện lộ trình tái cơ cấu đúng hướng: giảm thấp nợ xấu, tái cơ cấu dư nợ tín dụng, củng cố chất lượng các điểm giao dịch.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xử lý nợ xấu
Đạt những kết quả tốt, nhưng theo ông Nguyễn Trọng Nghiệp, hoạt động ngành NH cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới.
Đó là, mặc dù lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên đã giảm sâu nhưng doanh số cho vay, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, điều này cho thấy sức hấp thu vốn của nền kinh tế phục hồi chậm, DN chưa an tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Nợ xấu mới phát sinh nhiều, tiến độ xử lý nợ xấu còn chậm. Việc thanh toán bằng thẻ thông qua mạng lưới chấp nhận thẻ (POS) còn thấp…
Thị trường vàng, ngoại tệ đã hạn chế tình trạng vàng hóa, đô la hóa trên địa bàn.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, lãnh đạo NH Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Vĩnh Long kiến nghị: cần thêm những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các NH xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các khoản nợ thuộc lĩnh vực nông- thủy sản và bất động sản. Để đưa nguồn vốn ra thị trường, lãnh đạo NH Sacombank cho biết, thời gian qua nhân viên NH đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.
Hiện Sacombank đang có những sản phẩm: cho vay mua và sửa chữa nhà 15- 20 năm, cho vay mua máy gặt đập liên hợp ở Vũng Liêm và Trà Ôn, đưa vốn đến từng hộ tiểu thương ở chợ…
Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, đề xuất bên cạnh lãi suất phù hợp, cần có giải pháp phối hợp trong việc hỗ trợ về thị trường đầu ra cho DN, bên cạnh hỗ trợ đầu tư khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu…
Dù vậy, nhiều lãnh đạo ngành NH cũng cho rằng không thiếu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng vấn đề vẫn là DN phải cho NH thấy được khả năng hồi phục, phương án kinh doanh hiệu quả của mình.
Bởi nói như lãnh đạo một chi nhánh NH, NH vẫn có thể cho vay thế chấp trên tài sản hình thành từ vốn vay, nhưng DN phải đảm bảo sử dụng đồng vốn hiệu quả và khả năng trả gốc và lãi mới được.
Trong năm 2015, dự báo kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, ông Trần Văn Rón- Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng, ngành NH cần nỗ lực hơn nữa.
Cùng với việc phát triển đa dạng các gói sản phẩm dịch vụ NH phù hợp nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phát triển mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; việc tháo gỡ khó khăn cho DN và giải quyết nợ xấu, hỗ trợ kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao hơn 2014 và bền vững cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành NH, tiếp tục rà soát, cơ cấu lại nợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng; thực hiện chương trình NH kết nối với DN, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DN phát triển ổn định.
Các NHTM cổ phần cần tích cực tham gia vào chương trình cho vay nông nghiệp nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp, theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững, cho vay gắn với ứng dụng công nghệ cao.
Chỉ tiêu thực hiện ngành NH năm 2015:
- Tốc độ tăng trưởng vốn huy động trên 15%
- Tổng dư nợ cho vay tăng 10- 12%
- Tỷ lệ nợ xấu/ tổng dư nợ ≤ 3%
- Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt qua NH: 70%.
|
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC - THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin