Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 1 trong 7 vùng du lịch đặc trưng được xác định trong chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Với những lợi thế về hệ sinh thái đa dạng, sông ngòi, biển, đảo, nhiều khu sinh quyển, vườn quốc gia; nơi chứa đựng nền văn hóa truyền thống đa dạng, giàu bản sắc... Thế nhưng, việc phát triển du lịch ĐBSCL thời
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 1 trong 7 vùng du lịch đặc trưng được xác định trong chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Với những lợi thế về hệ sinh thái đa dạng, sông ngòi, biển, đảo, nhiều khu sinh quyển, vườn quốc gia; nơi chứa đựng nền văn hóa truyền thống đa dạng, giàu bản sắc... Thế nhưng, việc phát triển du lịch ĐBSCL thời gian qua cứ ì ạch, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Nhiều hạn chế, tồn tại
Theo đánh giá của Tổng Cục Du lịch Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), trong năm 2013 vừa qua, các tỉnh ĐBSCL đón hơn 9,8 triệu lượt khách nội địa đến tham quan vui chơi, bằng 5,8% tổng lượng khách nội địa cả nước; đồng thời đón 1,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, bằng 8,3% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam; tổng doanh thu từ du lịch đạt 5.100 tỉ đồng, bằng 2,7% tổng thu từ du lịch của cả nước.
Một con số hết sức khiêm tốn về lượng khách lẫn doanh thu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng du khách đến ĐBSCL chưa nhiều là do sản phẩm du lịch trùng lắp, thiếu đầu tư, thiếu sức hấp dẫn và tính cạnh tranh không cao.
Nhiều năm nay, du khách khi về ĐBSCL cũng chỉ quanh quẩn vào vườn cây ăn trái, nghe đờn ca tài tử, đi vòng quanh sông nước, hay vào các khu bảo tồn thiên nhiên như: Tràm Chim, U Minh Thượng, Láng Sen, Mũi Cà Mau… hoặc du lịch biển Hà Tiên, Phú Quốc…
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ Anh Tuấn cho rằng, du lịch ở ĐBSCL dù được nói tới nhiều, nhưng đến nay vẫn chưa phát triển như mong muốn, các sản phẩm chưa có lối ra, thiếu sự làm mới và không có bước đột phá. “Tại sao du lịch ĐBSCL không thu hút được nhiều du khách, chưa đóng góp tương xứng cho phát triển kinh tế - xã hội, vai trò điều phối vùng ra sao, trách nhiệm thuộc về ai?” - Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn trăn trở.
Làng trầu Vị Thủy - Hậu Giang nơi có tiềm năng khai thác du lịch làng nghề… |
Ông Phạm Thanh Nhu, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hậu Giang cho biết, cơ sở vật chất phục vụ du lịch có đầu tư nhưng còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu; số phòng chất lượng cao phục vụ khách quốc tế còn ít.
Loại hình của các cơ sở lưu trú không đa dạng, các dịch vụ đi kèm thiếu đồng bộ; hệ thống nhà hàng phục vụ khách du lịch hình thành tự phát, chứ chưa phát triển theo định hướng chung…
Cùng quan điểm trên, ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang, nhìn nhận: “An Giang không chỉ có du lịch sông nước, mà còn có du lịch tâm linh với lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam rất nổi tiếng, ngoài ra còn du lịch biên giới, làng nghề… Tuy nhiên, việc phát triển diễn ra rất chậm và cái khó là không thể giữ chân du khách ở lâu, nên hiệu quả khai thác từ du lịch không cao. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm du lịch còn mỏng, thiếu chuyên môn; cộng với số lượng doanh nghiệp lữ hành trong vùng rất ít nên khó đưa du lịch vươn xa được”.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp, yếu điểm của ĐBSCL là lâu nay cứ mãi khai thác du lịch kiểu “hết đi xe thì xuống xuồng” khiến cho du khách dễ nhàm chán. Trong khi các tour mới, tuyến mới thì thiếu đầu tư, khai thác nên không tạo được sự hấp dẫn đối với du khách nội địa lẫn quốc tế.
Mạnh dạn làm mới, tạo nét riêng
Đã đến lúc du lịch ĐBSCL cần mạnh dạn đột phá tạo nét riêng để hút du khách. Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: “Cần xác định đúng sản phẩm du lịch đặc thù của ĐBSCL là gì để đầu tư, khai thác hợp lý.
Theo đó, đẩy mạnh du lịch trải nghiệm giá trị văn hóa sông nước dọc các cù lao trên sông Tiền, sông Hậu; du lịch sinh thái tìm hiểu giá trị cảnh quan, đa dạng sinh học ở Đồng Tháp Mười, U Minh, ven biển Mũi Cà Mau; khai thác giá trị văn hóa phi vật thể về đờn ca tài tử, văn hóa Khmer, Chăm; đồng thời tập trung cho du lịch biển đảo với Phú Quốc - Hà Tiên; du lịch tâm linh Bảy Núi; hình thành sản phẩm du lịch mới trên sông Vàm Cỏ…
Việc xác định sản phẩm du lịch đặc thù là căn cứ quan trọng để đầu tư và tăng cường xúc tiến quảng bá”. Song, để thực hiện được những vấn đề này thì việc liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL và giữa ĐBSCL với các địa phương khác, đặc biệt là với thành phố Hồ Chí Minh là hết sức cấp thiết.
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đồng Tháp, cho biết: “Tỉnh đang quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, vì vậy đề án phát triển du lịch đã và đang được triển khai quyết liệt với mục tiêu sẽ đón hơn 1,85 triệu lượt khách trong năm 2014, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 300 tỉ đồng. Hiện Đồng Tháp tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông hoàn chỉnh đến các điểm du lịch, xác định việc phát triển du lịch không chỉ là kinh tế, mà còn là tự hào của quê hương Đồng Tháp”.
Theo ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thành phố đang tập trung các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho du lịch, đưa Cần Thơ xứng đáng là trung tâm du lịch của ĐBSCL.
Tới đây, Cần Thơ sẽ hoàn chỉnh các khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí tổng hợp quy mô vùng; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, loại hình ẩm thực, giải trí cuối tuần nhằm đáp ứng nhu cầu du khách trong nước và quốc tế. Mở thêm những tuyến du lịch mới, các tour liên vùng và du lịch quốc tế…
Theo ông Phạm Thanh Nhu, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL Hậu Giang, việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng riêng cho mỗi địa phương là rất cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, nhất là ở ĐBSCL có nhiều điểm tương đồng nhau. Du lịch ở Hậu Giang còn hoang sơ, do đó ưu tiên bảo tồn Khu thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Khu du lịch sinh thái rừng tràm Vị Thủy, vùng nguyên liệu khóm Cầu Đúc, vùng quýt đường Long Trị, các làng nghề truyền thống và nhiều di tích văn hóa lịch sử… Còn ở Bạc Liêu, du lịch được xác định với “điểm hẹn văn hóa”, nơi có bản Dạ cổ hoài lang nổi tiếng; đồng thời có giai thoại về công tử Bạc Liêu thu hút nhiều người quan tâm. Trong khi Vĩnh Long chọn du lịch sinh thái miệt vườn và du lịch cộng đồng là hướng đi riêng để đầu tư phát triển…
Sở VH-TT&DL tỉnh Hậu Giang cho rằng, với những tiềm năng và lợi thế của địa phương, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 nhằm định hướng phù hợp cho phát triển du lịch và thu hút khách ngày càng nhiều hơn. Về sản phẩm du lịch, hướng tới sẽ hình thành hệ thống sản phẩm có thương hiệu của du lịch ĐBSCL. Theo đó, Hậu Giang xác định phát triển du lịch dựa trên thế mạnh, đồng thời khai thác giá trị của bờ kè kênh xáng Xà No (được xem là bờ kè sông dài nhất Việt Nam); ngoài ra xây dựng các tour gắn với hoạt động và thuyết minh về vùng khóm Cầu Đúc. |
Theo Hậu Giang Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin