Chuyển đổi mô hình quản lý chợ- còn nhiều khó khăn

08:01, 16/01/2015

Theo BCĐ Phát triển và Quản lý chợ tỉnh Vĩnh Long, công tác phát triển và chuyển đổi mô hình quản lý chợ thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Theo BCĐ Phát triển và Quản lý chợ tỉnh Vĩnh Long, công tác phát triển và chuyển đổi mô hình quản lý chợ thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.


Khu Thương mại Dịch vụ B Vĩnh Long hiện do doanh nghiệp khai thác quản lý.

Chuyển biến tích cực

Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 112 chợ, tăng 1 chợ so năm 2013. Trong đó, có 1 chợ hạng I; 17 chợ hạng II; 89 chợ hạng III và 5 chợ tạm. Trong năm, toàn tỉnh đã xây mới 7 chợ, nâng cấp sửa chữa mở rộng 9 chợ (đạt 177% kế hoạch năm) và phát triển mới 1 siêu thị mini tại huyện Mang Thít.

Tổng vốn đầu tư xây dựng phát triển chợ khoảng 28 tỷ đồng (nguồn vốn doanh nghiệp đóng góp 3,5 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ 14,5 tỷ đồng; đổi đất lấy cơ sở hạ tầng 3 tỷ đồng; từ nguồn thu của chợ 7 tỷ đồng).

Bên cạnh, trong năm, đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý 2 chợ: An Phước (Mang Thít) và Loan Mỹ (Tam Bình) sang doanh nghiệp và HTX khai thác quản lý (50% kế hoạch năm).

Đến nay, đã có 10 doanh nghiệp và 6 hợp tác xã (HTX) khai thác, quản lý 19 chợ. Trong đó, chuyển từ ban quản lý sang doanh nghiệp 3 chợ, sang HTX 8 chợ; 7 chợ do doanh nghiệp đầu tư xây dựng, khai thác quản lý; 1 chợ tư nhân và 1 khu thương mại- dịch vụ.

Theo BCĐ Phát triển và Quản lý chợ, công tác quy hoạch lập dự án và kêu gọi đầu tư đã được các sở ngành, UBND huyện- thành đặc biệt quan tâm, kịp thời phản ánh, kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Từng địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và bám sát kế hoạch phát triển chợ hàng năm nên công tác xây dựng, phát triển chợ và quản lý chợ đạt nhiều kết quả khả quan.

Đến nay, có 6/8 huyện đã có mô hình chuyển đổi sang doanh nghiệp hoặc HTX khai thác quản lý. Các chợ đã chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác quản lý sang doanh nghiệp, HTX góp phần tăng lợi nhuận doanh nghiệp, tăng thu ngân sách từ chợ, giảm nguồn vốn ngân sách đầu tư cho chợ hàng năm, giảm biên chế…

Nhưng còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác xây dựng phát triển và chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, đa số các chợ trong tỉnh là chợ hạng II, hạng III trong khi theo quy định, chỉ có chợ hạng I mới được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh nên khó thu hút đầu tư.
 
Song song đó, công tác lập quy hoạch, lập dự án kêu gọi đầu tư xây dựng chợ, đối với một số chợ hạng III nông thôn có quy mô quá lớn (gồm chợ và phố chợ, diện tích khoảng 3- 4ha, vốn trung bình trên 100 tỷ đồng) nên khó kêu gọi đầu tư vì khó thu lợi, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Mặt khác, các chợ hiện không có quỹ đất công để nâng cấp mở rộng, nên thực hiện giải tỏa bồi hoàn, kinh phí rất lớn.
 
Trong khi, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách của địa phương cho phát triển chợ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là chợ vùng sâu, vùng xa, chợ hạng III do nguồn thu không đáng kể nên khó thực hiện được phương châm “lấy chợ nuôi chợ”, lại khó thu hút các thành phần kinh tế tham gia khai thác, quản lý.

Bên cạnh, một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo trong việc chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác chợ theo kế hoạch đề ra.

Các chợ sau khi đã chuyển đổi cho doanh nghiệp hoặc HTX khai thác, quản lý chưa phối hợp tốt với các ngành, địa phương trong quản lý chợ như: sắp xếp ngành hàng hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… gây ảnh hưởng văn minh thương mại; công tác duy tu, sửa chữa nâng cấp chợ cũng chưa được thực hiện kịp thời nên một số hạng mục công trình xuống cấp và ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng.

Năm 2015, BCĐ Phát triển và Quản lý chợ tỉnh Vĩnh Long đề ra kế hoạch: xây dựng mới nhà lồng trên nền chợ cũ 6 chợ; cải tạo, nâng cấp, mở rộng 6 chợ. Ước tổng vốn đầu tư 18 tỷ đồng (trong đó vốn từ nguồn thu các chợ khoảng 8 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ 6 tỷ đồng; vốn đóng góp của các doanh nghiệp 4 tỷ đồng). Đồng thời, thực hiện chuyển đổi 5 chợ từ mô hình ban quản lý sang doanh nghiệp hoặc HTX quản lý khai thác.

 

Để thực hiện tốt kế hoạch năm 2015, các giải pháp BCĐ Phát triển và Quản lý chợ tỉnh Vĩnh Long đưa ra là: phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là cơ chế chính sách phát triển hệ thống chợ. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra đôn đốc các dự án xây dựng phát triển chợ để làm cơ sở kêu gọi đầu tư; tăng cường thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Nhà nước trong quản lý, chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác quản lý chợ để kêu gọi các tiểu thương, doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư, nhằm từng bước xã hội hóa công tác xây dựng quản lý chợ. Đặc biệt, triển khai quy định về chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh khi được phê duyệt

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh