“Lô hàng bánh tráng qua Mỹ được ưa thích dữ lắm, họ tính sẽ đặt hàng nữa”- Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Bánh tráng Cù Lao Mây Lương Văn Thông vui mừng chia sẻ với chúng tôi như vậy.
Được hỗ trợ đầu tư máy móc, nhưng đến nay HTX bánh tráng vẫn loay hoay với đơn đặt hàng lớn.
“Lô hàng bánh tráng qua Mỹ được ưa thích dữ lắm, họ tính sẽ đặt hàng nữa”- Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Bánh tráng Cù Lao Mây Lương Văn Thông vui mừng chia sẻ với chúng tôi như vậy.
Những ngày cuối năm thật tất bật nhưng niềm vui hiện rõ trên gương mặt người dân làng nghề bánh tráng trăm năm gắn với địa danh cù lao Mây này.
Tỏa hương đến trời Tây
Ông Lương Văn Thông cho biết, bánh tráng Cù Lao Mây (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) bước đầu đã đến với người tiêu dùng ngoài nước. Đơn hàng sang Mỹ vừa qua của HTX là đơn đặt hàng số lượng lớn đầu tiên kể từ khi bánh tráng cù lao Mây được Viện Năng suất Việt
Chỉ mới đến với người tiêu dùng Việt kiều Mỹ tháng 12/2014 nhưng đây không phải là lần đầu tiên người nước ngoài biết đến. Theo ông Thông, câu chuyện bắt đầu từ 3 năm trước khi một số khách hàng ở Cần Thơ sang mua bánh về ăn rồi gửi sang cho người thân ở Mỹ làm quà. Dần dần các Việt kiều này mới gọi về nhờ người thân đặt hàng gửi sang.
Ban đầu chỉ là để ăn chơi, nhưng vừa qua, họ đã đặt vấn đề là mang sang để bán lại cho người tiêu dùng Mỹ. Số lượng đặt lần đầu là 6.000 cái bánh ngọt sữa nhưng do điều kiện thời tiết và thời gian giao hàng bị rút lại nên cơ sở Lệ Hằng chỉ giao được 4.000 cái với giá 35.000 đ/chục (tổng đơn hàng là 14 triệu đồng). Các khách hàng này cho biết qua Tết Nguyên đán Ất Mùi sẽ đặt tiếp và số lượng có thể lớn hơn. Một tín hiệu đáng mừng!
Làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây đã tồn tại hơn trăm năm, nổi tiếng với nhiều loại bánh tráng như bánh tráng ngọt sữa, bánh tráng gừng, bánh tráng nem, bánh tráng nhúng, bánh tráng nướng tôm khô,…
Theo những người có kinh nghiệm, khâu tẻ bột, tỷ lệ, công thức pha mới là khâu quan trọng, phân biệt giữa các cơ sở. Do đó, dù có bàn tay của công nghệ từ khâu xay bột, nạo dừa, vắt nước cốt,… nhưng bánh tráng Cù Lao Mây vẫn giữ được hương vị đậm đà, đặc trưng. Bánh tráng ở đây được tráng bằng thủ công với 100% bột gạo và không sử dụng hóa chất.
Ngày nay, các hộ làm bánh ở đây ngày càng quan tâm nhiều về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt mẫu mã đẹp mắt và chất lượng bánh. Đến nay, đã có 7 cơ sở trong HTX được công nhận đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể vào các thị trường lớn, siêu thị,… Có lẽ vì vậy mà được nhiều du khách ưa chuộng cũng như nhiều người chọn đặc sản này làm quà biếu người thân.
Còn loay hoay với thị trường lớn
Bánh tráng Cù Lao Mây được du khách tin dùng, đặt hàng một tín hiệu đáng mừng nhưng còn không ít nỗi trăn trở. Bởi việc người đặt hàng yêu cầu “cơ sở không dán nhãn trên bao bì sản phẩm, đóng gói, bao bì để trống!”(?).
Vấn đề này theo ông Trương Thanh Sử- Giám đốc Trung tâm Khuyến công- Tư vấn công nghiệp, ban chủ nhiệm ở làng nghề, HTX đóng vai trò quyết định sống còn cho sản phẩm. Do vậy, việc mua bán mà không tính toán tới lợi ích lâu dài, không có nhãn mác thì nếu có thiệt hại thì làng nghề lãnh đủ.
Tuy vậy, theo suy nghĩ của chủ cơ sở Lệ Hằng: “Bánh ngon người ta mới đặt hàng. Chúng tôi không lo ngại về việc bánh tráng của mình khi xuất ra nước ngoài không có thương hiệu vì số lượng xuất đi chỉ là số nhỏ. Mới đầu đặt hàng ít thì làm theo yêu cầu, nhưng sau này đặt hàng nhiều thì sẽ tính toán lại”.
Còn tại thị trường trong nước hiện nay, mặc dù thương hiệu “Bánh tráng Cù Lao Mây đã được biết đến khá nhiều, nhưng khách hàng nội địa, nhất là trong tỉnh lại rất khó tìm mua ở các chợ, ngay cả ở chợ Trà Ôn.
Theo chị Phạm Thanh Thiền (ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành), cơ sở chỉ sản xuất để bán cho các chợ với số lượng ít. Theo chị, nhiều hộ tráng bánh hầu hết ít tham gia vào HTX (chỉ 14/70 hộ).
Dịp tết, các tiểu thương ở Cần Thơ, Sài Gòn đến đặt hàng nhiều, thường cung ứng không kịp, dù làm số lượng bánh tăng lên 3- 4 lần, số lượng tham gia tráng lên 70 hộ. Nhưng ngày thường chỉ có 25 hộ làm, khoảng 500 bánh/hộ (tráng nem) cung cấp cho các mối quen ở Trà Ôn, Cần Thơ nhưng với số lượng ít.
Ngoài ra, hương vị bánh của mỗi cơ sở trong HTX khác nhau, sản phẩm không đồng đều do mỗi hộ đều có công thức chế biến riêng. Bởi “đây là bí quyết, nếu chia sẻ rộng rãi thì còn gì là đặc sản nữa, dễ mất khách hàng”.
Do vậy nếu các doanh nghiệp, siêu thị đến đặt hàng với số lượng lớn, đòi hỏi chất lượng đồng đều thì không thể nào một cơ sở cung ứng được.
Ông Trương Thanh Sử cũng cho rằng, cái khó hiện nay là HTX, làng nghề chưa đủ mạnh để đáp ứng được đơn đặt hàng lớn. “Chúng tôi tạo điều kiện để 2 bên gặp nhau nhưng khi không cung ứng được lại ngưng hợp đồng thì quá uổng. Việc giải quyết chủ yếu là giữa người sản xuất và tiêu thụ thỏa thuận, trong đó vai trò chủ yếu là ban quản trị HTX, làng nghề”- ông Trương Thanh Sử cho biết thêm.
Mặt khác, qua tham quan ở các mô hình tráng công nghiệp, HTX đến nay vẫn còn loay hoay chưa biết phải làm sao. “Vì tráng máy vẫn được, nhưng đòi hỏi phải hùn hạp để có vốn mà đầu tư nhà kho, sân phơi, khu cho công nhân làm,... Đặc biệt là tui đi biết bao nhiêu chỗ, mà chưa có mô hình máy sấy nào, toàn phơi nắng, nếu tráng bằng máy mà gặp mưa coi như chịu chết”- Chủ nhiệm HTX cho biết.
Hiện bánh tráng Cù Lao Mây đến được với người tiêu dùng và được lòng của du khách thập phương. Làng nghề góp phần giải quyết việc làm cho hơn trăm lao động tại địa phương. Nhưng khi nào mới tập hợp được những điều kiện đủ để phát triển lớn mạnh, và bao giờ mới cung ứng được các đơn đặt hàng lớn? Đây vẫn là những câu hỏi đang rất cần lời giải cho làng nghề đã tồn tại trăm năm.
Nên bổ sung nhân lực marketing
Ông Trương Thanh Sử - Giám đốc Trung Tâm Khuyến công- Tư vấn công nghiệp (ảnh): Theo tôi, bên cạnh các tiêu chí đã đạt được như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng,… thì ban chủ nhiệm nên bổ sung nhân lực, hiểu biết về marketing. |
Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT NHI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin