Xuất khẩu sắp cán đích, dự báo cả năm nay có thể đạt 150 tỷ USD

03:12, 10/12/2014

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu qua 11 tháng vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số. Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu và kìm chế nhập siêu.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu qua 11 tháng vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số. Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu và kìm chế nhập siêu.


Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)

Xuất khẩu gần chạm đích

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tháng 11, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,2 tỷ USD, giảm 6,2% so với tháng Mười; trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 6,6% so với tháng Mười.

Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 137 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với tăng 16,5 tỷ USD), trong đó khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 44,8 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 85,4 tỷ USD (không kể dầu thô) tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong 11 tháng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, đơn cử: dệt may đạt 19,2 tỷ USD, tăng 18,2%; giày dép đạt 9,2 tỷ USD, tăng 23%; thủy sản đạt 7,3 tỷ USD, tăng 20,2%...

Đi sâu vào chi tiết, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu của nhóm hàng nông lâm thủy sản 11 tháng ước đạt 20,6 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trên 20% như: thuỷ sản tăng 20,2%; rau quả tăng 39,6%; nhân điều tăng 23,1%; cà phê tăng 34,3%; hạt tiêu tăng 36%...

Nhóm nhiên liệu và khoáng sản 11 tháng ước đạt gần 8,4 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2013, tương đương với giảm 366 triệu USD, trong đó: than đá giảm 37,9%; xăng dầu các loại giảm 22,9%; quặng và khoáng sản khác giảm 5,5%.

Đóng góp nhiều nhất cho kim ngạch xuất khẩu chung là nhóm hàng công nghiệp chế biến, qua 11 tháng, nhóm này đem về gần 100,1 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nhiều mặt hàng có mức tăng trên 20% gồm: |thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 37,2%, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 20,9%...

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn đứng ở vị trí đầu tiên với mức tăng 21,3%; tiếp theo là EU tăng 11,4%; ASEAN tăng 2,9%; Nhật Bản tăng 9,9% và Trung Quốc tăng 13,1%.

Qua 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 137 tỷ USD, chỉ còn thiếu 9 tỷ USD sẽ hoàn thành kế hoạch năm nay (147 tỷ USD). Từ đầu năm đến nay mức xuất khẩu trung bình mỗi tháng đạt khoảng 11,5 tỷ USD nên khả năng chỉ tiêu xuất khẩu sẽ về đích hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Xuất siêu cả năm có thể đạt 1,5 tỷ USD

Ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 11 ước đạt 13,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng Mười. Lũy kế 11 tháng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 135 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt gần 76,7 tỷ USD, tăng 12,5% còn các doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập khẩu ước đạt 58,3 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong 11 tháng cũng ghi nhận sự thay đổi về giá nhập khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực, cụ thể hạt điều tăng 19,3%; quặng và khoáng sản khác tăng 1,6%; than đá tăng 3,2%; chất dẻo nguyên liệu tăng 1,7%; ô tô nguyên chiếc các loại (trừ xe dưới 9 chỗ) tăng 5,3%; ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 5,4%... tuy nhiên giá dầu thô giảm 0,7%; xăng dầu các loại giảm 2,2%; khí đốt hóa lỏng giảm 3,2%...

Nếu tính tháng 11, nhập siêu khoảng 300 triệu USD, bằng 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng cả nước lại xuất siêu gần 2,1 tỷ USD, trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 13,5 tỷ USD, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 15,5 tỷ USD.

Đánh giá bức tranh chung, Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước giảm 6,2% so với tháng Mười là do nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng thuộc nhóm nông lâm thủy sản và nhóm công nghiệp chế biến tại một số thị trường châu Á; EU, Hoa Kỳ, châu Phi giảm. Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong nhóm nông lâm thủy sản giảm do yếu tố thời vụ...

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng của cả nước vẫn tăng 13,7% so với cùng kỳ (tương ứng tăng xấp xỉ 16,5 tỷ USD), trong đó kim ngạch của khu vực FDI (có cả dầu thô) tăng 14,1% (tương ứng tăng khoảng 11,4 tỷ USD), đóng góp khoảng 69% kim ngạch tăng thêm) đã góp phần đưa xuất siêu tăng cao.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp trong nước cũng đang đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành kế hoạch năm và mức tăng trưởng trong 11 tháng qua cũng đạt 13%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,1% của cùng kỳ năm trước.

"Đây là tín hiệu cho thấy sự phục hồi và phát triển sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước," báo cáo nhấn mạnh.

Từ tình hình thực tế 11 tháng qua, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu năm nay có thể đạt khoảng 150 tỷ USD, nhập khẩu đạt 148,5 tỷ USD đưa mức xuất siêu của cả nước duy trì trong khoảng 1,5 tỷ USD./.

Theo Vietnam+

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh