Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, năm nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút 71 dự án nước ngoài và 22 dự án điều chỉnh tăng vốn của các nhà đầu tư thuộc 20 nước, với tổng số vốn là 654 triệu USD.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, năm nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút 71 dự án nước ngoài và 22 dự án điều chỉnh tăng vốn của các nhà đầu tư thuộc 20 nước, với tổng số vốn là 654 triệu USD.
Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)
Nhờ đó đã góp phần nâng dự án nước ngoài đầu tư vào vùng này lên 906 dự án với tổng vốn 11,9 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2013. Trong đó, số vốn đầu tư vào tỉnh Long An, Kiên Giang, Tiền Giang chiếm 70% số vốn nói trên.
Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đạt được kết quả trên là trong năm, các tỉnh trong vùng đã phấn đấu tăng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó tỉnh Kiên Giang được xếp vào loại “rất tốt”, tỉnh Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Trà Vinh được xếp loại “tốt.”
Các tỉnh còn lại được xếp loại “khá” góp phần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn và thu hút thêm nhiều vốn đầu tư vào khu vực.
Cùng với đó, các tỉnh cũng đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trước hết là giao thông, điện, nước, viễn thông. Trong đó, đã xây mới, nâng cấp nhiều công trình lớn như các cầu trên quốc lộ 54, 57, 80 được xây dựng đồng bộ với chất lượng đường, hoàn thành việc nâng cấp quốc lộ 1A, xây dựng đường Hồ Chí Minh (đoạn Vàm Cống-Đất Mũi, Vĩnh Thuận-Năm Căn, Năm Căn-Đất Mũi), nâng cấp quốc lộ 91, tuyến N1 (đoạn Hồng Ngự-Tân Châu-Tịnh Biên), tuyến đường bộ Quản Lộ-Phụng Hiệp, Cần Thơ-Vị Thanh- Cà Mau, tuyến hành lang ven biển (Hà Tiên-Rạch Giá-Cà Mau), các cảng hàng không tại Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc, cảng biển Cái Cui.
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng thành lập trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp nhiều khâu, đồng thời làm cầu nối giữa các doanh nghiệp với cơ quan chức năng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép, cho điều chỉnh tăng vốn từ 15-30 ngày còn 2-7 ngày; miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất từ 50% trở lên, thời gian miễn giảm tăng thêm từ 3-6 năm so quy định chung.
Riêng các dự án BOT, BTO được miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất từ 8-15 năm.
Đối với các dự án đầu tư vào địa bàn khó khăn được giảm thuế từ 15-20%. Tiền cho thuê đất từ 4 USD/m2/năm trước đây nay giảm còn 0,59 USD, phí sử dụng hạ tầng từ 2 USD trước đây, nay giảm chỉ còn 0,2 USD/m2/năm.
Nhà đầu tư còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi kinh doanh có lãi và giảm 50% trong 3 năm tiếp theo; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 1 năm kể từ khi kinh doanh có lãi và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo.
Đến thời điểm phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ tính ở mức 20% lợi nhuận thu được.
Ngoài ra, các doanh nghiệp được thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong thời hạn thuê lại đất tại các tổ chức tín dụng Việt Nam, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và ngân hàng liên doanh giữa Việt Nam và các nước khác.
Môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút thêm tổng số 93 nhà đầu tư nước ngoài “rót” vốn vào khu vực.
Ông Nguyễn Phong Quang cũng cho biết thêm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với các nhà đầu tư, các tỉnh đang xây dựng nhiều công trình trọng điểm của vùng như nhà máy điện sử dụng than, khí thiên nhiên tại Trung tâm điện lực Ô Môn (Cần Thơ), nhiệt điện than tại Trung tâm điện lực Kiên Lương (Kiên Giang), Trung tâm điện lực Duyên Hải (Trà Vinh), Trung tâm điện lực Long Phú (Sóc Trăng), Trung tâm điện lực Sông Hậu (Hậu Giang); xây dựng hoàn thành đường cao tốc Trung Lương-Cần Thơ, tuyến quốc lộ 91, N2 và N1, tuyến đường ven biển, luồng tàu biển cho tàu có trọng tải lớn lưu thông trên sông Định An.
Các biện pháp trên nhằm góp phần thu hút thêm từ 800-900 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2015.
Theo Vietnam+
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin