Theo “mô hình mạng lưới đô thị nước”

06:12, 10/12/2014

Theo TS. KTS. Trương Văn Quảng- Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng (NBD) đang là thách thức lớn đối với Việt Nam, trong đó có ĐBSCL. Nó tác động trực tiếp đến đời sống người dân, tới quá trình đô thị hóa… Điều này đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới mang tính đột phá trong công tác hoạch định

Theo TS. KTS. Trương Văn Quảng- Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng (NBD) đang là thách thức lớn đối với Việt Nam, trong đó có ĐBSCL. Nó tác động trực tiếp đến đời sống người dân, tới quá trình đô thị hóa… Điều này đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới mang tính đột phá trong công tác hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển. Theo đó, ông cho rằng để phát triển hệ thống đô thị ĐBSCL thích ứng BĐKH, NBD cần theo “mô hình mạng lưới đô thị nước”.

Các đô thị là đối tượng chịu tác động chính của biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Đường Nguyễn Văn Lâu thường ngập khi mưa lũ, triều cường.

Đô thị ĐBSCL gắn chặt yếu tố “nước”

Việt Nam là một trong 11 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH, NBD. Các đô thị trong vùng là đối tượng chịu tác động chính của BĐKH. Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, theo các dự báo, đến năm 2100, vựa lúa ĐBSCL có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn/năm (40,52% sản lượng lúa cả vùng) do tác động của BĐKH. NBD cao khiến xâm nhập mặn sâu hơn vào nội địa có thể làm cho khoảng 2,4 triệu hecta đất bị nước biển xâm nhập. Nhiều khu dân cư sẽ mất ổn định, không bền vững, chậm phát triển.

ĐBSCL có 3 mặt giáp biển, với bờ biển dài trên 700km. Bên cạnh, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc thuận lợi phát triển giao thông đường thủy. Do đặc điểm về địa hình, điều kiện tự nhiên và căn cứ vào các tiêu chí để nhận dạng “đô thị nước” (đô thị nằm trong vùng có mật độ sông suối cao, nằm trên tuyến giao thông biển…) thì các đô thị ĐBSCL hội tụ đủ các tiêu chí này và đều gắn chặt với yếu tố “nước”… Tạo nên cấu trúc đô thị trong vùng có đặc thù riêng, với mô hình phổ biến là “Đô thị nước”.

Theo đó, để phát triển hệ thống đô thị bền vững, thích ứng với BĐKH, NBD cần phát triển đô thị theo “mô hình mạng lưới đô thị nước”. Việc phát triển mạng lưới đô thị nước phải dựa trên cơ sở quy hoạch vùng chứa- thoát nước, vùng hạn chế xây dựng, gắn với phát triển các khu công nghiệp; các trung tâm thương mại, dịch vụ; tạo mạng lưới liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ, khu vực biển Đông, biển Tây, khu vực biên giới thông qua hệ thống giao thông thuận lợi.

Giải pháp quy hoạch đô thị

Các giải pháp quy hoạch đô thị được TS. KTS. Trương Văn Quảng đề xuất là: quy hoạch chủ động “dành chỗ cho nước”; đảm bảo cân bằng hệ địa- kinh tế- sinh thái trong cấu trúc đô thị; quy hoạch tôn trọng “cấu trúc đô thị nước”; chọn đất phát triển đô thị; lồng ghép giải pháp quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị với giải pháp quản lý nước.

Theo đó, quy hoạch cần mang tính chủ động cao. Thay vì xây dựng các rào cản kỹ thuật để chống chọi với nước lũ, các giải pháp quy hoạch cần tạo ra nhiều không gian hơn cho nước, để nước có thể thâm nhập vào đô thị theo cách có thể kiểm soát. Qua đó giúp cải thiện khí hậu, cảnh quan, chất lượng nước, giảm thiểu chi phí xây dựng các công trình ngăn lũ và thoát nước…

Quy hoạch hệ thống đô thị chủ động “dành chỗ cho nước” nghĩa là phải có một “quy hoạch nước”, chủ động hơn nữa trong kết hợp với quy hoạch thủy lợi, tưới tiêu. Phải xác định vùng chứa, thoát nước cho các mùa mưa lũ, triều cường… phù hợp với quy luật tự nhiên và chủ động. Công tác quy hoạch khoanh vùng bảo vệ hệ thống sông Tiền, sông Hậu, vùng biển Tây, biển Đông… tạo nên các lưu vực thoát nước chính, các không gian mở có khả năng dung nạp, điều tiết nước các mùa trong năm có ý nghĩa chiến lược, lâu dài.

TS. KTS. Trương Văn Quảng cũng lưu ý, quy hoạch đô thị thích ứng BĐKH, NBD phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo sự cân bằng hệ địa kinh tế- sinh thái trong cấu trúc đô thị, hướng tới phát triển bền vững… Theo đó, việc khai thác các tiềm năng, lợi thế vùng không nhất thiết phải bằng “mọi giá”. Chẳng hạn việc phát triển thái quá khi mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, phát triển đô thị, công nghiệp… có nguy cơ làm mất đi cân bằng vốn có của hệ sinh thái, gia tăng rủi ro.

Với quy hoạch tôn trọng “cấu trúc đô thị nước”, TS. KTS. Trương Văn Quảng cho rằng, cần phát triển đô thị theo hướng bảo toàn hệ thống mặt nước, không gian mở có khả năng chứa nước, thoát lũ… Theo đó, xen cài giữa các khu chức năng đô thị là vùng cảnh quan tự nhiên sông nước, vùng chứa- thoát nước và vùng cảnh quan sinh thái nông nghiệp chất lượng cao…

Ông cũng đề xuất lồng ghép giải pháp quy hoạch hạ tầng đô thị với giải pháp quản lý nước. Cụ thể, hệ thống giao thông vùng (đường bộ, sắt), hệ thống giao thông chính của đô thị phải bám theo địa hình, xuôi theo hướng chính của dòng nước lên, xuống- tránh tạo những con đê ngăn dòng chảy.

Đồng thời, lồng ghép quy hoạch giao thông với quy hoạch thủy lợi, tưới tiêu; khai thác tối đa giao thông thủy trong từng đô thị. Mặt khác, tăng cường diện tích thấm nước, tránh bê tông hóa toàn bộ diện tích xây dựng đô thị…

Bài, ảnh: NAM ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh