Báo cáo trong ngày thứ nhất kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa VIII về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014, UBND tỉnh nhận định kinh tế dần phục hồi và tăng trưởng đạt chỉ tiêu, thu ngân sách vượt kế hoạch, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Tuy
Tập trung triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được xác định là mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội năm 2015.
Báo cáo trong ngày thứ nhất kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa VIII về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014, UBND tỉnh nhận định kinh tế dần phục hồi và tăng trưởng đạt chỉ tiêu, thu ngân sách vượt kế hoạch, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp.
Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng thẳng thắn nêu ra những hạn chế là tăng trưởng kinh tế chưa thật sự vững chắc, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng nhưng chưa ổn định; việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn lúng túng…
Nền kinh tế đang phục hồi
Trước tình hình khó khăn về kinh tế của cả nước cũng như của tỉnh, trong năm qua, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai các giải pháp của Trung ương và tỉnh, qua đó góp phần giúp nền kinh tế dần phục hồi và tăng trưởng đạt chỉ tiêu.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu năm 2014 đạt khá tích cực, thực hiện đạt 19/25 chỉ tiêu (trong đó có 9 chỉ tiêu đạt vượt), các chỉ tiêu còn lại tuy không đạt nhưng kết quả thực hiện cũng gần đạt kế hoạch đề ra.
Năm qua, kinh tế tăng trưởng đạt 7%; tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 là 4.250 tỷ đồng, đạt 117,35% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 9,76% so với năm trước; trong đó, thu nội địa ước thực hiện là 2.150 tỷ đồng, đạt 109,58% dự toán trung ương giao, đạt 104,29% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 10,06% so với năm trước.
Tổng chi ngân sách địa phương 5.372 tỷ đồng, đạt 101,99% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 86,81% so năm trước.
Mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng nhìn chung các lĩnh vực đều duy trì tăng trưởng; năng suất, sản lượng lúa, rau màu, đàn gia súc, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ; có 18/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức sản xuất tăng so với cùng kỳ; thương mại bán lẻ tăng 11,6%.
UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kết quả, đã đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, với giá trị sản xuất toàn ngành nông- lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 19.368 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2013. Song song đó, hàng hóa, giá cả thị trường ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp.
Việc huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế- xã hội tiếp tục được duy trì, việc lồng ghép thực hiện các chương trình, các nguồn vốn đầu tư có hiệu quả. Tổng số vốn đầu tư phát triển thực hiện (theo giá hiện hành) trên địa bàn tỉnh dự ước đạt 10.804 tỷ đồng, tăng 6,35% so với năm 2013.
Đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, nhất là nông thôn mới được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, đã có 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010- 2015, đạt 42,85% kế hoạch.
Chất lượng dạy và học được nâng lên, cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm; cơ sở vật chất ngành y tế tiếp tục được đầu tư, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt; an sinh, phúc lợi xã hội, bảo đảm đời sống dân cư được thực hiện tốt hơn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nhất là nhóm đối tượng chính sách, đối tượng nghèo tiếp tục được củng cố và nâng lên.
Mô hình trồng khoai lang trên đất lúa là một hướng lựa chọn của tái cơ cấu nông nghiệp.
Tăng trưởng nhưng chưa vững chắc
Báo cáo của UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận, tuy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra nhưng chưa thật sự vững chắc, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng nhưng chưa ổn định; sản xuất công nghiệp nhìn chung còn khó khăn, triển khai và giải ngân vốn xây dựng cơ bản còn chậm.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn nhiều, số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ ảnh hưởng đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp (có 62 doanh nghiệp giải thể, 33 doanh nghiệp ngừng hoạt động, đã xóa tên 297 doanh nghiệp).
Do các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, thủy sản đông lạnh đều gặp khó về thị trường tiêu thụ, cạnh tranh về giá nên kim ngạch xuất khẩu đạt thấp so với kế hoạch và giảm so với năm 2013 (kim ngạch xuất khẩu ước đạt 80,13% kế hoạch và giảm 12,58% so với năm 2013); tăng trưởng tín dụng đạt thấp, nợ xấu ngân hàng còn cao và tăng so với đầu năm.
Tính đến nay, số dư huy động vốn tín dụng đạt 19.200 tỷ đồng, tăng 18,3% so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay đạt 15.500 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Nợ xấu toàn tỉnh là 1.100 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng dư nợ, tăng 2,22 điểm % so với đầu năm.
Ngoài ra, tình hình dịch bệnh trên người vẫn còn diễn ra, các tệ nạn xã hội, phạm pháp, tai nạn giao thông vẫn còn diễn ra phức tạp. Cải cách hành chính tuy có bước tiến bộ nhưng vẫn còn một số hạn chế, yếu kém; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa được chặt chẽ, đồng bộ; ....
Năm 2015 là năm cuối thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 - 2015). Do đó, mục tiêu chung là tập trung thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội nhằm đạt các mục tiêu của nhiệm kỳ với kết quả cao nhất.
Trước tình hình đó, trong kỳ họp này đòi hỏi các đại biểu HĐND cần nghiên cứu để đưa ra được những giải pháp tích cực mạnh mẽ cho năm 2015 nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2010- 2015.
Bài, ảnh: BÙI THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin