Khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

08:12, 02/12/2014

Hiện có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến hàng nông- lâm- thủy- hải sản và công nghiệp cơ khí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Các chương trình tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn (NN- NT) tiếp tục được tạo điều kiện.


ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng, hiện đang khuyến khích đầu tư NN công nghệ cao.

Hiện có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến hàng nông- lâm- thủy- hải sản và công nghiệp cơ khí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Các chương trình tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn ( NN- NT ) tiếp tục được tạo điều kiện.

Nhiều chủ trương, chính sách

Theo BCĐ Tây Nam Bộ, xúc tiến đầu tư của vùng ĐBSCL những năm qua có nhiều bước tiến đáng kể. Tuy nhiên đầu tư vào NN- NT còn thấp, chưa tương xứng vùng đất nhiều tiềm năng, lợi thế về NN.

Thời gian qua, đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Chẳng hạn, Nghị định 210 của Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NN- NT, được hưởng nhiều ưu đãi về đất đai, hỗ trợ đầu tư…

Theo đó, nhà đầu tư có dự án NN đặc biệt ưu đãi đầu tư nếu được Nhà nước giao đất thì được miễn tiền sử dụng đất; dự án NN ưu đãi đầu tư thì được giảm 70% tiền sử dụng đất; đối với dự án NN khuyến khích đầu tư thì được giảm 50% tiền sử dụng đất.
 
Nghị định nêu rõ nhà đầu tư có dự án NN ưu đãi đầu tư, dự án NN khuyến khích đầu tư khi thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước thì được áp dụng mức giá thấp nhất của loại đất tương ứng trong bảng giá đất quy định. Nhà đầu tư có dự án NN đặc biệt ưu đãi đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày đi vào hoạt động…
 
Nhà đầu tư có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung được ngân sách hỗ trợ 3 tỷ đồng/dự án, riêng chăn nuôi bò sữa cao sản mức hỗ trợ 5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Chiến lược phát triển ngành NN cũng được quan tâm đặc biệt với Quyết định 124 của Chính phủ về phát triển tổng thể ngành NN đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định 899 của Chính phủ về tái cơ cấu ngành NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đối với từng lĩnh vực, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1397 phê duyệt quy hoạch thủy lợi giai đoạn 2012- 2020 và định hướng đến năm 2050; Quyết định 2033 quy hoạch phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra đến năm 2020. Trong khi đó, Bộ NN và PTNT cũng đã ra Quyết định số 1648 quy hoạch cây ăn trái đến năm 2020.

Tăng giá trị gia tăng cho nông sản

Từ những chính sách đầu tư NN- NT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết rất khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông- lâm- thủy sản, có chính sách khuyến khích đầu tư chế biến nông sản ở NT. Đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Qua đó, tạo ra những sản phẩm NN có tính cạnh tranh cao cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Vĩnh Long hiện cũng có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NN- NT, liên kết sản xuất đối với lĩnh vực chế biến nông sản, nuôi, trồng thủy sản quy mô lớn.
 
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long, thời gian qua đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại mở rộng mạng lưới hoạt động về NT, bổ sung am hiểu về lĩnh vực NN để tư vấn, thẩm định các dự án vay vốn của khách hàng. Khuyến khích thành lập các quỹ tín dụng nhân dân tại địa bàn để đáp ứng nhu cầu vốn, nhất là tại các xã xây dựng nông thôn mới.
 
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản như mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” sản xuất lúa tại Trà Ôn, Tam Bình; đầu tư- bao tiêu sản phẩm rau màu ở huyện Bình Tân; đầu tư vùng nuôi thủy sản- thu mua- chế biến tại Long Hồ, Mang Thít và TX Bình Minh.

Ông Nguyễn Tường Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long

Hiện tại, nông sản chúng ta chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu thô sang các thị trường dễ tính như Trung Quốc, nên việc lệ thuộc là điều tất yếu. Sự liên kết không chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân làm cho chất lượng cũng như sản lượng nông sản không ổn định, từ đó khó có được cơ hội phát triển và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam vươn xa trên thế giới.

Theo tôi, vai trò của Nhà nước hết sức quan trọng, không chỉ dừng lại việc ban hành các chính sách đủ mạnh mà còn phải triển khai nhanh chóng kịp thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm rõ ràng của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh việc quản lý, cần có những hỗ trợ mang tính xúc tác đầu tư, kích thích sự hoạt động nhịp nhàng và bền vững của chuỗi nông sản. Mặt khác, việc chuyển đổi giống cây trồng và vật nuôi cần phù hợp với tình hình thị trường. Bởi người nông dân rất thiếu thông tin có giá trị và vì thế sản xuất manh mún dẫn đến thu nhập chưa được cải thiện.
 
Đã đến lúc doanh nghiệp và người nông dân cần xây dựng một mối quan hệ mới, đôi bên cùng có lợi, sản xuất nông sản có đầu tư khoa học kỹ thuật đảm bảo chất lượng và sản lượng ổn định, từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới

 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh