Văn hóa doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

07:11, 18/11/2014

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển tổ chức tọa đàm “Văn hóa doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển tổ chức tọa đàm “Văn hóa doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”.

Đây là một trong chuỗi hoạt động nằm trong chương trình hoạt động trọng tâm của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhiệm kỳ 2014- 2017: “Xây dựng văn hóa doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”.

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, cạnh tranh quốc tế đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực và ngày càng trở nên gay gắt, đòi hỏi các tổ chức xã hội phải tái cấu trúc lại chính mình để thích nghi và phát triển.

Mối quan tâm của doanh nhân, doanh nghiệp hiện nay không đơn giản là sản xuất để gia tăng giá trị của doanh nghiệp, mà còn tiến tới xác lập những giá trị có tính ổn định, tạo dựng nền móng lâu dài cho quá trình kinh doanh thông qua việc xây dựng văn hóa trong nội bộ doanh nghiệp, cũng như mối quan hệ chặt chẽ, đầy tính trách nhiệm đối với cộng đồng.

Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa doanh nhân trẻ sẽ được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam triển khai rộng khắp thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao; các hoạt động mang tính kết nối; các hoạt động từ thiện-xã hội.

Theo khảo sát của Quỹ Châu Á với 500 lãnh đạo doanh nghiệp tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hơn 68% doanh nghiệp ở Hà Nội và 84% doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh quan tâm đến hoạt động từ thiện và có nhu cầu làm từ thiện dưới nhiều hình thức, nhưng có đến 58% doanh nghiệp hỗ trợ mà không gắn với mục tiêu kinh doanh.

Phần lớn các hoạt động hỗ trợ từ thiện của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay tập trung vào các hoạt động hảo tâm, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn, cứu trợ thiên tai (73% doanh nghiệp hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, 51% cứu trợ thiên tai, 47% xóa đói giảm nghèo, trong khi đó chỉ có 7% cho lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực khác...).
 
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp thì những vấn đề then chốt có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là tham nhũng (61%), thất nghiệp (50%), ô nhiễm môi trường (47%), và chất lượng giáo dục (39%) thì hầu như ít doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ những lĩnh vực đó.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, sôi nổi về quan điểm cá nhân, kinh nghiệm thực tế đối với vấn đề văn hóa doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
 
Ông Dương Trung Quốc- Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhấn mạnh việc thực hiện trách nhiệm xã hội phải căn cứ vào năng lực thực tế của doanh nghiệp và cần chú trọng chuyên nghiệp hóa việc đóng góp cho xã hội của doanh nghiệp.

Bà Tô Kim Liên- Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển đề nghị thay vì hỗ trợ từ thiện bằng tiền mặt, các doanh nghiệp cần hướng nhiều hơn đến việc đầu tư một cách có hệ thống, bài bản và lâu dài để thay đổi một cách triệt để những vướng mắc, khó khăn của các đối tượng yếu thế.
 
Ông Nguyễn Mạnh Quân- Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển doanh nghiệp đề nghị tiếp cận văn hóa doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội như một công cụ quản trị chứ không đơn thuần là nhu cầu của doanh nghiệp.

PV

(Theo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam )  

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh