Sáng 6/11/2014, diễn ra Hội nghị “Xúc tiến đầu tư, thương mại nông nghiệp, nông thôn (NN-NT) vùng ĐBSCL”.
+ Đầu tư nông nghiệp còn khiêm tốn
Sáng 6/11/2014, diễn ra Hội nghị “Xúc tiến đầu tư, thương mại nông nghiệp, nông thôn (NN-NT) vùng ĐBSCL”.
Đây là điểm nhấn của MDEC- Sóc Trăng 2014 (ảnh), đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu trung ương, địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế. Đánh giá từ hội nghị cho thấy, NN-NT đang là “vùng trũng” đầu tư.
Trước những khó khăn của hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực này, Hội nghị tập trung kêu gọi các dự án, công trình vào lĩnh vực thế mạnh của vùng, đó là phát triển NN-NT theo hướng liên kết vùng; áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất NN; cải thiện thu nhập cho nông dân.
Các tham luận, ý kiến tại hội nghị đưa ra nhiều kinh nghiệm cải thiện môi trường đầu tư, nhất là những sáng kiến, bài học đưa ra một cách tiếp cận mới trong thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực NN-NT.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lĩnh vực này không chỉ đóng vai trò là “chiếc phao cứu sinh cho nền kinh tế” như trong thời điểm khó khăn vừa qua, mà còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, cần tháo gỡ các nút thắt thể chế, kết nối cung cầu, đẩy nhanh hơn nữa tiến bộ khoa học- công nghệ và các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp.
Thu hút vốn trong và ngoài nước vào NN, cần được tiến hành đồng thời với việc thúc đẩy phát triển sáng tạo, đầu tư dài hạn. Cần liên kết đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, lao động NN có trình độ chuyên môn cao, phù hợp với yêu cầu làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài. Các đối tác trong nước- doanh nghiệp ở ĐBSCL cũng cần nâng cao năng lực để hợp tác dài hạn với doanh nghiệp ngoại.
Mặt khác, cần tư duy về lợi thế của ĐBSCL thể hiện trong một chiến lược quốc gia, vùng miền để tạo sức cạnh tranh.
Nông sản có được phát huy lợi thế cạnh tranh hay không bằng chính tư duy, tầm nhìn và cách làm. Vì thế, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư nghiên cứu đã đề xuất, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực NN-NT, góp phần đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành NN theo hướng liên kết vùng, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ.
+ Tính đến cuối tháng 9/2014, ĐBSCL có 903 dự án FDI được cấp phép còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 11,8 tỷ USD, chiếm gần 5,3% về số dự án và 4,9% về vốn đăng ký, đứng thứ 4/7 vùng của cả nước. Trong đó, số dự án cũng như số vốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực NN ở ĐBSCL rất khiêm tốn so với tiềm năng.
Tin, ảnh: TRẦN PHƯỚC- LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin