Trong phiên thảo luận về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống tổ chức tín dụng, đa số đại biểu cho rằng việc tái cơ cấu đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng vẫn còn chậm, đồng thời vẫn chưa định hình được mô hình tăng trưởng của đất nước.
Trong phiên thảo luận về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống tổ chức tín dụng, đa số đại biểu cho rằng việc tái cơ cấu đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng vẫn còn chậm, đồng thời vẫn chưa định hình được mô hình tăng trưởng của đất nước.
Cần nâng cao tính tự chủ của doanh nghiệp trong tái cơ cấu kinh tế.
Cần tăng nguồn lực cho đầu tư công
Để thực hiện thành công tái cơ cấu kinh tế, nhiều đại biểu đề nghị, trong các chương trình, đề án của Chính phủ phải xem xét lại nguồn lực đầu tư, sắp xếp lại nguồn lao động, sự ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành chuyên môn của từng ngành, từng lĩnh vực và từng địa phương.
Đây là cơ hội tạo ra sự chuyển biến và đổi mới quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ Trung ương tới địa phương.
Ở đó cần quan tâm đến các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường… và trong đó quan tâm đến phát triển văn hóa xuất phát từ con người và phục vụ cho con người, yếu tố quan trọng để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước như Nghị quyết của Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 9 khóa XI đã xác định.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề các đại biểu băn khoăn và đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt.
Đại biểu Hoàng Đăng Quang (đơn vị tỉnh Quảng Bình) cho rằng, sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, chúng ta chưa có một đề án tổng thể tái cơ cấu đầu tư công để xác định lộ trình, bước đi cụ thể.
Đầu tư cho các ngành có liên quan trực tiếp để phát triển con người như khoa học, công nghệ, GD-ĐT, y tế cũng có xu hướng giảm, chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Có thể nói xét cả về tốc độ tăng và tỷ lệ đầu tư công trong tổng đầu tư nhà nước thì những ngành quan trọng, có thế mạnh trong phát triển dài hạn như nông nghiệp, khoa học, công nghệ, GD-ĐT, y tế lại là những ngành chiếm vị thế thấp nhất trong chính sách đầu tư của Nhà nước.
Chưa tạo ra được những đột phá nhằm nâng cao sức cạnh tranh của những sản phẩm có thế mạnh trong nông nghiệp và cũng chưa tạo được nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong tương lai.
Ông đề nghị, tái cơ cấu đầu tư công cần có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy và quan điểm, cần khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển các ngành lĩnh vực có
lợi thế.
Ngoài ra, nhiều đại biểu đề nghị, trong quá trình thực hiện cần sớm xây dựng kế hoạch đầu tư trung và dài hạn tạo điều kiện cho các địa phương chủ động thực hiện.
Cần xây dựng một cơ chế cụ thể để thực hiện chuyển đổi các dự án đầu tư dở dang từ ngân sách nhà nước đối với các dự án có khả năng sinh lời sang tiếp tục đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân.
Hiện nay, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn, trong lúc nguồn ngân sách khó khăn, cần nghiên cứu một cơ chế để khuyến khích những địa phương có điều kiện được phát hành trái phiếu để thanh toán các khoản nợ hỗ trợ cho các dự án xây dựng
dở dang.
Đại biểu Nguyễn Trọng Trường (đơn vị tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, chính sách phát triển đầu tư công trong thời gian trước chủ yếu theo hướng đáp ứng các mục tiêu ngắn hạn, cục bộ, chưa có chọn lọc đầu tư khiến cho đầu tư công luôn trong tình trạng đầu tư vượt khả năng tích lũy của nền kinh tế.
Ông đề nghị, tới đây cần điều chỉnh phù hợp với khả năng nền kinh tế gắn với tình hình nợ công khi quy mô nợ công năm 2014 lên tới 60% GDP và lên tới 64% vào năm 2015. Cần quy định rõ trách nhiệm của Trung ương, địa phương tránh chồng chéo về ngân sách.
Nhiều đại biểu đề nghị, Chính phủ xem xét tăng nguồn đầu tư công cho các địa phương nghèo, biên giới, hải đảo để đảm bảo thực hiện xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo lộ trình và xây dựng hoàn thiện các công trình đang triển khai.
Cần quản lý vốn sau tái cơ cấu doanh nghiệp
Việc tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành nghề kinh doanh chính đang được triển khai hết sức quyết liệt.
Tuy nhiên, nhìn chung công tác tái cơ cấu DNNN trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm so với yêu cầu. Theo thống kê, hiện chúng ta đã đầu tư ngoài ngành hơn 21.000 tỷ đồng, hiện đã thoái vốn hơn 7.000 tỷ đồng.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đơn vị tỉnh Trà Vinh) cho biết, tiến độ thực hiện tái cơ cấu DNNN còn chậm so với yêu cầu, chưa chuyển biến mang tính đột phá.
Những năm qua, DNNN đã giảm mạnh từ 12.000 doanh nghiệp xuống còn 1.000 doanh nghiệp, song với việc hình thành các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước với các công ty con, công ty cháu, thậm chí có công ty “chắt” đã làm cho tỷ trọng doanh nghiệp trong GDP vẫn ở mức độ cao chiếm 32%. Một số khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, thua lỗ không bảo toàn được giá trị đầu tư ban đầu, kết quả thoái vốn chưa đạt yêu cầu.
Tôi đề nghị, tới đây cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu, từ đó tránh dựa dẫm, chủ quan, ỷ lại, xin cho. Nâng cao tính công khai, minh bạch của hoạt động doanh nghiệp. Phải đổi mới quản trị doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay một số doanh nghiệp còn mang dáng dấp của thời bao cấp với bộ máy cồng kềnh, thừa thầy, thiếu thợ. Đã đến lúc cần mạnh dạn cắt đi cái đuôi của nhóm lợi ích, nhưng không buông lỏng chức năng kiểm tra, giám sát việc phân bổ sử dụng vốn.
Đại biểu Phương Thị Thanh (đơn vị tỉnh Bắc Kạn) đề nghị, Nhà nước cũng không nhất thiết nắm giữ cổ phần chi phối đối với các doanh nghiệp không quan trọng, không ảnh hưởng đến an ninh, chính trị của quốc gia. Đồng thời có chính sách hỗ trợ thỏa đáng đối với người lao động thuộc các DNNN sau cổ phần hóa để đảm bảo cơ cấu sản xuất, kinh doanh.
Theo đại biểu Thân Đức
Ngoài ra, cần phải xây dựng mô hình quản lý nhà nước đối với các DNNN còn lại sau khi cổ phần hóa, xây dựng kế hoạch sử dụng vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa các doanh nghiệp theo tinh thần nghị quyết kỳ họp thứ 7 vừa qua của Quốc hội. Nhà nước không nên duy trì doanh nghiệp để kinh doanh kiếm lời mà phải đầu tư vào lĩnh vực tư nhân không làm.
Đầu tư những lĩnh vực mang tính chất mở đường như công nghệ cao, cơ sở hạ tầng kinh tế biển, công nghiệp, quốc phòng v.v... tức là phải sử dụng nguồn vốn thu được từ cổ phần hóa để phục vụ cho mục tiêu phát triển nền kinh tế phúc lợi xã hội.
Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đơn vị TP Hồ Chí Minh), khuyến nghị cần xác định rõ quan điểm tái cơ cấu DNNN không phải chỉ tập trung về lượng mà quan trọng là làm thế nào nâng cao được hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hiệu quả quản trị, sản xuất, kinh doanh tại DNNN.
Ông đề nghị, cần phải cởi trói cho DNNN, tăng tự chủ kinh doanh cho DNNN và họ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về kết quả kinh doanh của mình. Hạn chế sự can thiệp, sự quan tâm quá nhiều của nhiều cấp, nhiều ban, ngành khi có sự việc rủi ro xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm.
Việc xử lý nợ xấu phải đồng bộ
Đối với cải cách hệ thống tổ chức tín dụng, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp trong đó đã thành lập công ty quản lý tài sản (VAMC) để góp phần xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, theo dự báo, nợ xấu sẽ tiếp tục tăng do khó khăn của nền kinh tế.
Đại biểu Thân Đức Nam (đơn vị TP Đà Nẵng) cho rằng, trước đây, ngân hàng thương mại ra đời khá dễ dàng và hoạt động gắn với các doanh nghiệp bất động sản, nhiều ngân hàng thương mại là công cụ huy động vốn cho bản thân các ông chủ kinh doanh bất động sản.
Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu, đa số trong 9 ngân hàng thương mại yếu kém mà Ngân hàng Nhà nước đã tập trung sắp xếp trong 3 năm qua đều thuộc loại này. Việc sắp xếp các ngân hàng thương mại yếu kém vừa qua cũng chưa giải quyết thực trạng nên nợ xấu vẫn còn. Liệu trong 1 năm tới, Ngân hàng Nhà nước có giải quyết được vấn đề này không?
Dường như chúng ta chưa mạnh dạn để giải quyết triệt để vấn đề mà trông chờ vào thị trường bất động sản nóng lại.
Đây là hệ quả trông chờ làm cho nền kinh tế tắc nghẽn về vốn, sản xuất, kinh doanh khó khăn, ngân hàng thừa tiền, nền kinh tế thiếu vốn.
Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đơn vị tỉnh Lâm Đồng), mô hình hoạt động của VAMC chưa từng có trong tiền lệ nhưng bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng và hỗ trợ khó khăn cho khách hàng.
Tuy nhiên, chỉ với những cố gắng của ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu là chưa đủ, vì nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế, đòi hỏi cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đơn vị tỉnh Hòa Bình) tiếp lời, nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế, do đó phải được xử lý bằng nhiều biện pháp tổng hợp như việc phục hồi hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy thị trường, xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản… Nếu không triển khai đồng bộ các giải pháp và sự hỗ trợ của Nhà nước thì việc xử lý nợ xấu sẽ kéo dài không triệt để và tiếp tục là điểm nghẽn của nền kinh tế.
Bài, ảnh: BÙI THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin