Sông nước miệt vườn vốn là kho báu thiên nhiên ban tặng cho ngành “công nghiệp không khói” của Vĩnh Long. Qua thời gian chạy vạy, loanh quanh tìm kiếm và đánh đổi, những người làm du lịch ở Vĩnh Long thật sự phát hiện “nàng công chúa” sông nước miệt vườn hãy còn ngủ quên dưới những lớp phù sa đồng bằng. Và, cần phải được đánh thức!
Sông nước miệt vườn vốn là kho báu thiên nhiên ban tặng cho ngành “công nghiệp không khói” của Vĩnh Long. Qua thời gian chạy vạy, loanh quanh tìm kiếm và đánh đổi, những người làm du lịch ở Vĩnh Long thật sự phát hiện “nàng công chúa” sông nước miệt vườn hãy còn ngủ quên dưới những lớp phù sa đồng bằng. Và, cần phải được đánh thức!
Điểm vườn cây ăn trái của nông dân liên kết với Khu du lịch Vinh Sang.
“Nụ hôn” 10 năm tìm kiếm
Từ hơn 10 năm trước, người đàn ông quê Cà Mau, lập nghiệp ở Sài Gòn nhưng lại quyết tâm “cắm sào” ở miệt vườn cù lao An Bình với việc đầu tư loại hình du lịch khá mới mẻ: Du lịch trang trại! Với cưỡi đà điểu, câu cá sấu… du khách lần đầu được trải nghiệm ở đồng bằng.
Không ngừng đầu tư dịch vụ, bổ sung sản phẩm mới để có được lượng khách và doanh thu tăng trưởng khá ổn định 7- 8%/năm. Thế nhưng, người đàn ông ấy vẫn luôn tìm kiếm một cái gì đó đặc biệt hơn, bởi sản phẩm du lịch, theo ông không chỉ luôn mới, lạ mà còn phải độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương…
Chúng tôi đang nói đến ông Lê Hoàng Vinh- Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vinh Sang. Ông Vinh thừa nhận: “Tui về đây nhưng không hiểu gì về du lịch Vĩnh Long. Lúc đầu cái gì cũng làm mà không chọn lọc, chưa hiểu du khách cần gì”.
Vừa làm vừa học hỏi, tìm hiểu, ông phát hiện “đặc trưng của Vĩnh Long phải là sông nước miệt vườn”. Và từ đây, ông bắt đầu hoạch định chiến lược phát triển, thiết kế những sản phẩm “gắn với đời sống sông nước miệt vườn”. Điều đó như một “nụ hôn” cho “nàng công chúa” sông nước miệt vườn thức dậy.
“Nàng” khoác lên chiếc áo bà ba mà du khách “ai cũng muốn mặc thử” để cùng be mương tát cá, vào vườn trái cây, nằm võng đong đưa, cùng “nàng” gói bánh tét và lủng lẳng xách về khoe người thân, bạn bè.
Những sản phẩm này dần trở thành “đặc sản” và càng bất ngờ hơn khi “đến 90% khách tới đây muốn ra vườn hái trái cây, tát mương bắt cá, gói bánh tét…”- ông Vinh hồ hởi. Các sản phẩm sông nước miệt vườn quyến rũ du khách, đã tạo điều kiện “Xe duyên” Khu du lịch Vinh Sang và người dân xứ sở cù lao trái cây phát triển du lịch cộng đồng. Người dân có mương, vườn cây ăn trái và luôn dồi dào lòng hiếu khách.
Khu du lịch có lượng khách thường xuyên đưa tới “ăn, ở” cùng người dân và hướng dẫn họ cách tiếp khách, phục vụ, chế biến một số món dân dã ngay tại vườn. Sự liên kết cùng người địa phương trên cơ sở “cùng có lợi, chia sẻ lợi nhuận”, đã giúp khu du lịch đa dạng sản phẩm và người dân có thêm thu nhập, việc làm.
Sự liên kết ngày càng bền chặt khiến ông Vinh vui ra mặt “hợp tác với nông dân sướng lắm”. Sau hơn 10 năm đặt chân tới Vĩnh Long làm du lịch, ông Vinh mới tự tin bảo: “Bây giờ tui mới nói được về sông nước miệt vườn, mới hiểu du khách đến đây cần gì”. Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ từ sông nước miệt vườn, ông Vinh cũng bật mí đang có nhiều kế hoạch để làm cho “nàng công chúa” hấp dẫn, ấn tượng hơn trong mắt du khách.
Làm cho du khách mê mệt
Tới xã Đồng Phú (Long Hồ), hỏi “Giang làm du lịch” ai cũng rành. Chúng tôi đến Cơ sở du lịch Thúy Vy (nhưng được biết đến nhiều hơn với tên “rất Tây”: Happy Family Guesthous) ngày triều cường dâng cao, điểm du lịch yên ắng.
Du khách gói bánh tét cùng “mấy thím” tại điểm du lịch của anh Giang.
Chàng trai 8x- chủ cơ sở Lê Trường Giang, hồ hởi đưa khách tham quan bảo “vắng vẻ vậy chớ không phải “ế” đâu. Điểm du lịch thường được nhiều đoàn du khách nước ngoài, nhất là khách Châu Âu chọn đặt tour các trang mạng như Agoda, booking.com… đến nghỉ dưỡng”.
Khách nước ngoài thích không khí trong lành sông nước, yên tĩnh, thích các món ăn không cầu kỳ mang đậm hương vị địa phương… Vì thế, anh Giang bảo từ việc bố trí, sắp xếp khu nghỉ dưỡng đến thiết kế tour, thực đơn món ăn, chế biến… đều gắn với nét đặc trưng sông nước miệt vườn.
Khách đến đây có thể đạp xe, bơi xuồng tham quan cù lao, vào vườn cây ăn trái, thưởng thức ẩm thực “sông nước miệt vườn” như cá sông, gà thả vườn. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của khách nghỉ dưỡng, khu du lịch được thiết kế nhiều khu chức năng.
Ngoài các phòng ngủ “trên bờ” thoáng đạt, còn có phòng ngủ sát mé sông dành cho du khách thích được gần sông, gần nước và có cả phòng xông hơi, tập thể hình và “tui đang xây thêm hồ bơi cho khách thư giãn”.
Sở hữu “nàng công chúa” miệt vườn sông nước, chàng trai trẻ biết cách khai thác lợi thế đó để không chỉ làm hài lòng khách Tây mà còn chiều ý khách ta.
Với sở thích nấu ăn từ nhỏ, cộng kiến thức tích lũy “đi đâu, ăn gì tui cũng ráng nhớ hương vị món đó và về bắt chước nấu chừng nào giống mới thôi”. Thời gian làm du lịch ở Sài Gòn, tiếp xúc nhiều đầu bếp giỏi đã giúp anh có nhiều cơ hội trau dồi tay nghề hơn. Về quê làm du lịch, có điều kiện “xào nấu”, “pha trộn” để sáng tạo ra thực đơn cho riêng mình “vừa dân dã miệt vườn vừa chuyên nghiệp kiểu Sài Gòn”- anh Giang bảo.
Những món ăn, mà theo anh “làm khách mê mệt”, khách nước ngoài ăn thì “good, good”, còn khách ta “quá đã, quá đã”, có thể kể ra như: lẩu cá tra lục bình, cá điêu hồng um cải chua, ếnh um chuối xanh, ốc xào xa tế,… Đôi khi những món ngoài thực đơn chế biến theo ngẩu hứng của khách và “tùy đối tượng khách mà chế biến cho phù hợp”.
Vừa làm chủ vừa làm đầu bếp, kiêm hướng dẫn viên, nên nhiều khi trở tay không kịp. Vì thế anh Giang nói đã “tập cho mấy thím nấu ăn”. Mấy thím là bà con, hàng xóm quanh khu du lịch sang phụ chạy bàn, dọn dẹp. Hơn nữa, họ còn là những điểm vườn cho du khách tham quan, hay khách nước ngoài có thể ghé qua uống ly nước trà sáng sớm với chủ nhà.
Vẫn chưa hết, anh Giang còn hẹn chúng tôi mùa nước cạn tháng sau ra sông dỡ chà, giăng lưới bắt cá, lội sình bắt chang chang… mà “đoàn khách nào có dịp trải nghiệm cũng mê mệt!"
Bài, ảnh: LAN THƯƠNG - TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin