Kỳ cuối: Hợp đồng mua bán cần chặt chẽ

04:10, 03/10/2014

Ký hợp đồng (HĐ) mua bán lúa giữa nông dân và thương lái nhằm để giảm rủi ro cho hai bên. Nhưng dẫu có HĐ, thương lái vẫn có thể “bẻ kèo”, thiệt hại nhiều nhất vẫn là phía nông dân. Làm sao để không xảy ra tình trạng này?

Kỳ 1: Thương lái “bẻ kèo”

Ký hợp đồng (HĐ) mua bán lúa giữa nông dân và thương lái nhằm để giảm rủi ro cho hai bên. Nhưng dẫu có HĐ, thương lái vẫn có thể “bẻ kèo”, thiệt hại nhiều nhất vẫn là phía nông dân. Làm sao để không xảy ra tình trạng này?

Thành lập các tổ hợp tác để tư vấn và hỗ trợ cho nông dân. Nhất là tư vấn HĐ sao cho chặt chẽ để việc mua bán thuận lợi.

HĐ như… nói miệng

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trà Ôn- Thạc sĩ Nguyễn Văn Tám nói: Nếu không có thương lái, nông dân rất khó bán lúa tươi trực tiếp cho các công ty. Hơn nữa, vai trò của người dắt mối (cò lúa) cũng quan trọng vì thông qua cò lúa này- nông dân dễ dàng thỏa thuận giá bán.

Trước đây, khi chưa có máy gặt, bác Út Vinh ở ấp Nhơn Trí (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) cũng như tất cả các nông dân khác phải qua nhiều khâu, tốn chi phí cao lẫn công sức, thời gian. Giờ thì khác rồi, bác nói: “Chục hộ có chừng 100 công rủ nhau bán. Cò lúa nói giá, nếu giá cao sẽ cùng thương lái và đại diện nhóm đi xem lúa và đứng ra lấy tiền cọc, làm HĐ. Tới lúa chín, nông dân chỉ coi cân và đếm tiền”.

Tuy nhiên, loại giấy tờ gọi là “HĐ mua bán” hiện nay rất sơ sài theo kiểu nói miệng, hoặc chỉ điện thoại nếu mối quen. Thật ra đa số nông dân chỉ “nghe nói” có HĐ chớ hiếm ai thấy. Xem qua một số HĐ, chúng tôi thấy rằng trong đó chỉ có những thông tin sơ sài, như họ tên người bán, người mua, tiền đặt cọc, giá lúa, ngày cắt.

Đáng chú ý là địa chỉ người mua vẫn để trống và họ có quyền không lấy và lấy lại tiền cọc nếu cắt lúa không sạch,... và tất cả từ ngữ trong HĐ vỏn vẹn nửa trang giấy. Thậm chí, HĐ chỉ lập 1 bản, do bên mua lúa nắm giữ (!?).

Lão nông Út Vinh phân tích: Thương lái thông qua “cò địa phương” mới đặt ra ngày cắt lúa, nên lúc nào cũng chọn khi lúa chín già (lúa 85 ngày thì phải gặt từ 90 ngày). Và hẹn ngày cân khoảng 3 ngày sau khi cắt. Đôi khi còn… hẹn hoài, thậm chí bỏ cọc. Trong khi đó, để lúa quá chín dễ hao hụt, còn để lúa trong bao nhiêu ngày, vào mùa mưa thì lúa xuống màu,... Nếu bỏ cọc thì lái chỉ mất 100.000- 200.000 đ/công, còn nông dân bán lúa chậm lỗ ít nhất là 600.000- 700.000 đ/công.

Trong HĐ, tất cả các khâu như chọn ngày cắt lúa, giờ cắt lúa, tiền đặt cọc, các chi tiết khác,… hoàn toàn do thương lái đặt ra. “Trong bản HĐ này, thương lái nắm đằng cán, nông dân nắm đằng lưỡi. Nông dân rút ra hay để thương lái rút thì nông dân cũng đứt tay”- ông Út Vinh nói.

Cần phải chủ động

Theo ông Nguyễn Anh Pha- cán bộ nông nghiệp xã Thới Hòa (Trà Ôn) cho biết: Theo cách HĐ mua bán lúa hiện nay thì nông dân không chủ động được. Chủ yếu bán được lúa là mừng rồi. Mặt khác, nông dân quá dễ dãi trong bản HĐ, nên bị thua thiệt. Thậm chí, có người còn không biết tới bản HĐ, nhờ người khác nhận luôn tiền cọc dùm. Vì vậy, để tránh trường hợp “bẻ kèo” xảy ra gây thiệt hại cho nông dân, cần thành lập tổ hợp tác, làm HĐ với thương lái rõ ràng.

Theo đó, cần tập huấn cho người dân biết cách làm HĐ kinh tế. Còn theo chị Lê Thị Phượng ở ấp Tường Nghĩa (xã Thới Hòa- Trà Ôn), người dân đang dự định đòi lái đặt tiền cọc tăng thêm, khoảng 500.000 đ/công.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tám cho rằng: “Mua bán bây giờ không thể nói miệng, quen biết mà phải HĐ rõ ràng, ở xã Thiện Mỹ đang làm rất tốt vấn đề này. Vì vậy, tôi nghĩ ở các xã nên thành lập tổ hợp tác. Tổ này sẽ đứng ra làm HĐ, lấy tiền cọc… Chi hội trưởng các ấp sẽ làm chuyện này. Người đó đếm đầu công và để tính giá trị đặt cọc. Ví dụ, đặt cọc từ 1/3- 1/4 giá trị số vốn bỏ ra/công (tức khoảng 800 ngàn đến một triệu/công tùy theo mùa).

Chủ tịch HĐND xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) Huỳnh Công Thành cho rằng: Để tiêu thụ lúa hiệu quả lâu dài thì việc có HĐ là rất quan trọng. Mà đặc biệt là thành lập một chuỗi liên kết. Mới đây, UBND xã vừa giao cho Hội Nông dân xã lo về dân sự, ký kết HĐ.

Theo đó, liên kết giữa Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, Lương thực- Thực phẩm Vĩnh Long và Hội Nông dân. Và thành lập một chuỗi sản xuất lúa Jasmine với 140ha, nông dân ai muốn tham gia thì đăng ký vào đó. Nông dân sẽ được hỗ trợ kỹ thuật từ Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, đến thu hoạch sẽ bán cho Công ty Lương thực- Thực phẩm Vĩnh Long.

Tuy nhiên, thực tế cũng còn khó khăn bởi thói quen của người dân thích sử dụng giống lúa chất lượng thấp, làm tự phát, chưa mặn mà tham gia các tổ, hội… Thiết nghĩ, bên cạnh tiếp tục hướng dẫn nông dân làm giống đạt chất lượng, sản xuất đúng quy trình, thì vấn đề hiện nay là HĐ cần chắc chắn.

Dù khâu tiêu thụ còn phụ thuộc rất lớn vào thương lái, nhưng các cấp, ngành liên quan cần sớm vào cuộc để giúp việc tiêu thụ lúa hiệu quả, công bằng. Trong đó, vai trò của hội nông dân, các tổ hợp tác rất quan trọng- là kênh tư vấn, đưa ra các HĐ mua bán mẫu để nông dân tham khảo, đôi bên có lợi chứ không phải thương lái chạy bỏ cọc, “vô tư” vi phạm HĐ như vừa qua.

Luật sư Trần Văn Sỹ: HĐ nên thêm các điều khoản

HĐ miệng vẫn có giá trị pháp lý nếu hai bên cùng thừa nhận. Tuy nhiên, nếu một bên không thừa nhận phải có người làm chứng có thỏa thuận miệng. Còn HĐ giấy dù có sơ sài nhưng vẫn có giá trị. Về nguyên tắc chung, theo luật bồi thường dân sự, nếu bên mua không mua thì tất nhiên sẽ mất tiền đặt cọc, còn bên bán không bán thì phải bồi thường gấp đôi số tiền đặt cọc.

Tuy nhiên, do những điều khoản ràng buộc giữa hai bên quá ít như HĐ trên thì khi quy trách nhiệm, thương lái sẽ dễ dàng né tránh và đỗ lỗi cho nông dân bằng nhiều lý do khác ngoài các chi tiết trong HĐ. Vì vậy, theo tôi, thời gian tới, để đảm bảo quyền lợi cho 2 bên thì bản HĐ phải chặt chẽ hơn và cần đưa thêm nhiều điều khoản cụ thể vào HĐ. Và nếu bên nào đó vi phạm HĐ thì ngoài tiền cọc thì còn phải bồi thường thêm như thế nào cho phù hợp.


Bài, ảnh: TẤN ANH – TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh