Kinh tế Vĩnh Long 9 tháng của năm 2014 ghi nhận những kết quả tăng trưởng khả quan, tuy nhiên nhiều chỉ tiêu dự ước sẽ không đạt kế hoạch. Do đó, mọi nỗ lực, quyết tâm về đích đang dồn về 3 tháng cuối của năm.
Kinh tế Vĩnh Long 9 tháng của năm 2014 ghi nhận những kết quả tăng trưởng khả quan, tuy nhiên nhiều chỉ tiêu dự ước sẽ không đạt kế hoạch. Do đó, mọi nỗ lực, quyết tâm về đích đang dồn về 3 tháng cuối của năm.
Xuất khẩu gạo vẫn nhiều khó khăn.
Tăng trưởng nhưng còn thấp
Đánh giá chung, ông Trần Văn Rón- tân Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, bức tranh kinh tế- xã hội của tỉnh đã tương đối rõ nét hơn và có những chuyển biến tích cực.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2014 dự báo cao hơn năm trước, dự tính tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) cả năm tăng 6,91%.
Thu ngân sách 9 tháng đạt khá cao, ước 3.265 tỷ đồng, đạt trên 90% dự toán năm và tăng 46,72% so cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh đạt những kết quả nhất định, nhất là nhận thức ngày càng được nâng cao qua nhiều phong trào thi đua sôi nổi.
Một số nét kinh tế nổi bật, đó là diện tích lúa giảm 1% nhưng năng suất tăng 3,3%, đạt 6,04 tấn/ha, sản lượng thu hoạch ước đạt gần 1,2 triệu tấn. Dịch bệnh được kiểm soát và giá cả ổn định ở mức cao tạo điều kiện cho đàn gia súc, gia cầm phát triển với đàn heo tăng hơn 7%, đàn bò tăng gần 4% và đàn gia cầm tăng hơn 6%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 10,32%, tình hình tiêu thụ được cải thiện đáng kể. Một số ngành có mức tăng cao là: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu, mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa tăng hơn 48%; sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng hơn 47%; sản xuất xi măng, vôi, thạch cao tăng hơn 45%...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 11,52%. Tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 19,54% do ảnh hưởng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gạo, thủy sản suy giảm.
Tuy vậy, 5/8 mặt hàng tăng về xuất khẩu là giày da (tăng hơn 15%), hàng dệt may (tăng gần 50%), hàng thủ công mỹ nghệ (tăng hơn 26%)… đóng góp đáng kể vào mức tăng chung tổng kim ngạch xuất khẩu.
Kinh tế tăng trưởng, nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn tác động. Đó là cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng tốc độ còn chậm, nhiều chỉ tiêu kinh tế dự ước không đạt kế hoạch.
Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn đang diễn biến phức tạp, giá cả thị trường tiêu thụ nhiều loại nông sản phẩm thiếu ổn định. Khả năng phục hồi của một số doanh nghiệp chưa cao, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt thấp, lãi suất tuy đã điều chỉnh giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay để đầu tư mở rộng sản xuất, nợ xấu tăng cao.
Chỉ số công nghiệp tăng vẫn thấp so kế hoạch, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đang gặp khó khăn. Giải ngân các nguồn vốn xây dựng cơ bản chưa đạt yêu cầu…
Trong khi chỉ còn 3 tháng kết thúc năm 2014, nên nhiệm vụ còn lại trong quý IV là rất lớn và không thể chủ quan.
Lượng khách du lịch trong 9 tháng đầu năm ước đạt 671.000 lượt, đạt 73% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế là 115.000 lượt, khách nội địa 556.000 lượt. Tổng doanh thu là 146,6 tỷ đồng |
Để tăng tốc về đích
Nhận diện những khó khăn đó, tân Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Rón đặc biệt lưu ý các cấp, các ngành rà soát lại những chỉ tiêu kinh tế- xã hội, nhất là các chỉ tiêu còn đạt thấp để xác định nguyên nhân, tìm giải pháp quyết tâm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết.
Trong đó, nhấn mạnh vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp cần ưu tiên chuyển đổi về giống, phòng trị bệnh chổi rồng trên nhãn quyết liệt hơn. Ngành công thương cần chuẩn bị phương án hỗ trợ doanh nghiệp vay ưu đãi dự trữ hàng hóa dịp cuối năm, cũng như quản lý tốt thị trường.
Sản xuất phục hồi đã góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Trong xây dựng cơ bản, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, giải quyết nhanh những vướng mắc giải tỏa bồi hoàn.
Qua đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xây dựng cơ bản theo kế hoạch, đẩy nhanh việc giải ngân đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, tiến hành rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh danh mục công trình xây dựng cơ bản năm 2014.
Vĩnh Long quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế- xã hội nghị quyết đã đề ra. Do đó, ngoài các nhiệm vụ trên, tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 61 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội tỉnh 5 năm 2016- 2020 và lập kế hoạch đầu tư công 5 năm 2016- 2020. Tổ chức sơ kết 6 chương trình hành động của Tỉnh ủy.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là 9 xã điểm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu trong năm 2014, tích cực thực hiện các tiêu chí để 13 xã điểm còn lại đạt chuẩn xã nông thôn mới trong năm 2015.
9 tháng của năm 2014, tổng nguồn vốn huy động đạt 18.370 tỷ đồng, tăng hơn 13% so đầu năm. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn ước đến cuối tháng 9 đạt 15.100 tỷ đồng, tăng 2,27% so đầu năm. Nợ xấu toàn tỉnh 1.190 tỷ đồng, chiếm 7,88%/ tổng dư nợ cho vay, tăng 3% so với đầu năm. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin