Trợ lực tiểu thương phát triển kinh tế

07:08, 03/08/2014

Thông qua Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị, từ đầu năm đến nay, Tổ chức Merry Year International (MYI) và Tổ chức Korea International Cooperation Agency (KOICA)- Hàn Quốc đã tài trợ 200 ngàn đô la Mỹ cho các địa phương xây dựng chợ và hỗ trợ tín dụng vi mô cho các hộ tiểu thương có thu nhập thấp. Qua đó, nhằm giúp tiểu thương có nơi mua bán ổn định và phát triển kinh tế, cải

Thông qua Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị, từ đầu năm đến nay, Tổ chức Merry Year International (MYI) và Tổ chức Korea International Cooperation Agency (KOICA)- Hàn Quốc đã tài trợ 200 ngàn đô la Mỹ cho các địa phương xây dựng chợ và hỗ trợ tín dụng vi mô cho các hộ tiểu thương có thu nhập thấp. Qua đó, nhằm giúp tiểu thương có nơi mua bán ổn định và phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập.

Chợ đêm Tân An Luông được đầu tư xây dựng khá khang trang.

Đầu tư xây chợ- tạo nơi mua bán ổn định

Chợ Tân Nhơn (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long) là một chợ nhỏ vùng sâu. Chợ được nhóm để tạo nơi mua bán, trao đổi hàng hóa tự sản, tự tiêu. Tuy nhiên, đây chỉ là chợ tạm, không có mái che, ẩm thấp, việc mua bán còn gặp nhiều khó khăn.

Được sự quan tâm hỗ trợ của UBND TP Vĩnh Long cùng với Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị, đã chọn xã Tân Hòa để thực hiện dự án xây dựng chợ Tân Nhơn với tổng nguồn vốn 27.000 USD (tương đương 571 triệu đồng) do Tổ chức MYI và KOICA đồng tài trợ.

Sau gần 2 tháng thi công, chợ đã hoàn thành, khắc phục tình trạng chợ tạm, lấn chiếm lòng, lề đường; góp phần làm thay đổi bộ mặt chợ nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã theo hướng tăng thu nhập thương mại- dịch vụ.

Chợ có diện tích gần 200m2 với trên 40 gian hàng được sắp xếp bố trí gọn gàng theo từng ngành hàng, có hệ thống điện, hệ thống thoát nước, đảm bảo vệ sinh môi trường và an ninh trật tự tại khu vực họp chợ.

Ông Lê Quang Điển- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: Chợ được xây dựng có mái che đã đáp ứng lòng mong mỏi của người dân. Đây sẽ là trung tâm mua bán ở vùng nông thôn, góp phần phát triển kinh tế- xã hội mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Để khuyến khích, cải thiện việc mua bán, xã đã có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người cũ, công bằng cho người đăng ký mới với mức thu mặt bằng theo quy định 500 đ/m2 để tạo nguồn tài chính, tu bổ, sửa chữa chợ sau này với phương châm “lấy chợ nuôi chợ”; đồng thời, giao cho Ban nhân dân ấp sắp xếp kinh doanh mua bán hợp lý trong khu vực chợ để mỗi người khách đến chợ được đảm bảo an toàn, văn minh, lịch sự.

Chợ đêm Tân An Luông (xã Tân An Luông- Vũng Liêm) cũng được hình thành từ sự tự phát của người dân. Chợ được UBND xã bố trí nơi tập trung mua bán tạm thời trên khoảng đất trống thuộc khuôn viên UBND xã.

Buổi đầu, chợ chỉ được bố trí tạm với hàng rào bảo vệ đơn giản và đổ cát tạm thời. Chợ không có mái che mưa, che gió, hệ thống thắp sáng rất sơ sài, không đảm bảo và nguy hiểm đến tính mạng người họp chợ.

Thông qua sự vận động của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị cùng với sự quan tâm của UBND huyện, Tổ chức MYI và KOICA đã thống nhất tài trợ gần 38.500 USD (tương đương 812.360.000đ) để xây dựng chợ đêm Tân An Luông khá khang trang với tổng diện tích hơn 860m2, nền xi măng, khung sắt, mái lợp tôn. Chợ đưa vào sử dụng đã tạo chỗ mua bán ổn định cho khoảng 100 tiểu thương.

Giúp vốn cho tiểu thương

Bên cạnh xây dựng chợ, Tổ chức MYI và KOICA còn tài trợ dự án hỗ trợ phát triển kinh tế cho tiểu thương có thu nhập thấp. Khởi điểm với dự án “Phát triển kinh tế 100 hộ gia đình có thu nhập thấp tại Phường 1 (TP Vĩnh Long)”, đến nay dự án đã được mở rộng sang Phường 2, xã Tân Hòa (TP Vĩnh Long); xã Long Phước (Long Hồ) và xã Tân An Luông (Vũng Liêm).

Anh Nguyễn Tấn Thanh- bán quần áo trẻ em tại chợ Tân An Luông cho biết: Trước đây, chúng tôi mua bán trên nền bằng cát, điện thì kéo nhờ UBND xã một cách tạm bợ, không an toàn, lại không mái che, mưa thì ướt đồ hết. Nếu đêm nào không mưa thì có thể kiếm được 100.000- 200.000đ, lại chăm lo cho gia đình nên không tích trữ được bao nhiêu.

Nay được đầu tư xây chợ và hỗ trợ vay vốn để đầu tư mua bán nên anh Thanh cũng như các tiểu thương nơi đây rất vui mừng. “Nhờ vậy, tôi có thêm thu nhập, chăm sóc sức khỏe bản thân và chăm sóc gia đình tốt hơn”- anh Thanh nói.

Chị Nguyễn Thị Bông- bán hủ tiếu tại chợ Tân Nhơn thì cho biết: “Chợ cũ Tân Nhơn khá nhỏ hẹp, không có mái che, giao thông hàng hóa hạn chế nên buôn bán gặp nhiều khó khăn. Tôi rất cảm ơn chính quyền và nhà tài trợ đã tạo điều kiện cho tôi có chỗ mua bán tốt hơn và cho tôi được vay vốn 10 triệu đồng để bán thêm nước uống, tăng thêm thu nhập”.

Cũng được vay 10 triệu đồng, chị Lê Thùy Dung cho biết: “Số tiền này cũng giống như cho mượn trả dần. Nếu hỏi bên ngoài thì tiền lời rất cao trong khi thu nhập từ bán hủ tiếu chỉ đủ đắp đổi sinh hoạt hàng ngày. Giờ chợ được đầu tư có mái che tôi có thể bán cả ngày và có thể nâng cao thu nhập”.

Tại chợ đêm Phường 1 (TP Vĩnh Long), chị Nguyễn Thị Lùng- bán quần áo, kể: Do vốn ít lại không biết cách làm ăn nên lúc đầu vợ chồng chị mua bán rất khó khăn. Năm 2011, được Tổ chức MYI hỗ trợ cho vay ưu đãi 5 triệu đồng (hoàn vốn trong một năm). Đồng thời, mở các lớp tập huấn về cách buôn bán hàng, cách ứng xử và cách quản lý thu chi tài chính... Dần dần vợ chồng chị làm ăn ngày càng hiệu quả, cuộc sống gia đình chị giờ ổn định hơn trước rất nhiều.

Ông Lê Văn Đôi- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm nhận định: Dự án đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán, từng bước, giúp tiểu thương nâng cao thu nhập. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và Tổ chức MYI, KOICA sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa để giúp cho người dân có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Ông Oh Daesik- Chủ tịch Tổ chức MYI:


Mục tiêu chính của tổ chức là hỗ trợ tín dụng vi mô cho hộ nghèo, đẩy mạnh hoạt động chợ truyền thống và hợp tác với các cán bộ của chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực tự chủ. Sắp tới, Tổ chức MYI sẽ tiếp tục mở rộng dự án tại các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long.


Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh