Thời điểm này, tuy mới sản xuất số lượng nhỏ, chờ tín hiệu thị trường nhưng một số chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu (BTT) trong tỉnh cho biết: không sợ cạnh tranh với sản phẩm BTT của các hãng lớn khác bởi những lợi thế sẵn có…
Thời điểm này, tuy mới sản xuất số lượng nhỏ, chờ tín hiệu thị trường nhưng một số chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu (BTT) trong tỉnh cho biết: không sợ cạnh tranh với sản phẩm BTT của các hãng lớn khác bởi những lợi thế sẵn có…
Sản phẩm bánh trung thu của Cơ sở Hải Ký.
Không sợ cạnh tranh
Ông Lưu Chung Hiền chia sẻ: Hương vị truyền thống của BTT Tân Quang luôn được giữ vững, trong khi chất lượng bánh luôn được chú trọng nâng cao, lại có lợi thế thị trường truyền thống, giá cả hợp túi tiền…
Nhờ vậy, những năm qua, BTT Tân Quang ra thị trường không gặp khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm BTT của các hãng lớn khác. Bên cạnh, cơ sở còn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng bằng cách mở nhiều điểm bán.
“Hiện BTT Tân Quang có 8 điểm bán trong nội ô TP Vĩnh Long và TP Cần Thơ, Sa Đéc và Trà Vinh. Theo đó, ngoài thị trường trong tỉnh, sản phẩm BTT Tân Quang hiện có mặt ở Trà Vinh, Đồng Tháp, TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh… Năm nay, mở rộng thêm TP Mỹ Tho (Tiền Giang)”.
Tương tự, bà Hồ Thị Kiên- chủ Cơ sở Hải Ký (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho biết: Những năm qua, cơ sở không gặp khó khi cạnh tranh với các sản phẩm BTT của các hãng lớn khác nhờ lợi thế “công thức bánh truyền thống hợp khẩu vị người dân địa phương”, đồng thời “luôn luôn có bánh mới” (hạn sử dụng chỉ 1 tháng).
Thậm chí, còn có bánh nóng- bán ngay khi vừa ra lò nên nhiều người tiêu dùng trong tỉnh rất chuộng. Đặc biệt, có khách hàng ở xa như TP Hồ Chí Minh cũng tìm đến cơ sở đặt mua bánh.
Cận Tết Trung thu, có thời điểm người tiêu dùng ghé rất đông đợi bánh nóng ra lò là mua ngay. Theo đó, để giữ chân khách hàng, bên cạnh giữ nguyên công thức và hương vị truyền thống, cơ sở luôn quan tâm nâng cao chất lượng bằng cách chọn mua nguyên liệu ở nơi uy tín, có nguồn gốc rõ ràng…
Bên cạnh, giá bánh khá “mềm”, phù hợp với túi tiền người tiêu dùng trong tỉnh. Đặc biệt, cơ sở sẵn sàng bớt lợi nhuận (thậm chí không có lợi nhuận) để sản xuất các loại bánh nhỏ giá mềm nhưng chất lượng không thay đổi so với các loại bánh lớn, giá cao để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng bình dân.
Ngoài ra, cơ sở còn sản xuất bánh chay với khoảng 30% tổng lượng bánh được sản xuất, thường bán chạy khi bước vào tháng 8 âl. Hiện ngoài tiêu thụ trong tỉnh, BTT Hải Ký còn tiêu thụ ở Tiền Giang, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh…
Cần tăng cường quảng bá
Bà Hồ Thị Kiên cho biết thêm, mùa Trung thu năm nay, cơ sở đã trang bị thêm máy định hình khuôn bánh, chi phí đầu tư khoảng 50 triệu đồng. Giá bánh năm nay tăng khoảng 5- 8% so năm ngoái.
Hiện cơ sở chỉ cho ra lò vài trăm bánh/ngày do lượng đặt hàng chưa nhiều, chủ yếu là khách mua lẻ và một ít đơn hàng nhỏ tặng người thân ở xa. “Thường thì từ rằm tháng 7 âl trở lên mới có nhiều đơn hàng, lúc đó mới biết sức mua thị trường thế nào nên… đang chờ”- bà Kiên nói.
Ông Lưu Chung Hiền xởi lởi: Năm nay, khuôn bánh có chút thay đổi, hầu hết chọn khuôn sen tầng (chớ không có khuôn tròn hay khuôn vuông mặt bằng như mọi năm). Giá bánh tăng khoảng 3- 5% so năm ngoái bởi giá đầu vào tăng, trong đó, giá nguyên liệu như trứng muối tăng 300- 500 đ/trứng.
Từ trung tuần tháng 6âl, Tân Quang đã mở quầy cho bánh ra thị trường nhưng chưa sản xuất nhiều, chỉ “bán tới đâu làm tới đó”. Chờ tới rằm tháng 7 âl xem sức mua và lượng đặt hàng thế nào mới tăng sản xuất”.
Như mọi năm, các cơ sở đều cho biết, sẽ có chiết khấu khoảng 15- 20% khi khách hàng mua bánh với số lượng nhiều.
Tuy nhiên, vấn đề còn băn khoăn là dẫu đã có lượng khách hàng truyền thống ổn định nhờ “hữu xạ tự nhiên hương” nhưng các cơ sở cũng nhìn nhận, nếu có thể tăng cường quảng bá thì thị trường tiêu thụ sẽ được mở rộng.
Bà Hồ Thị Kiên bộc bạch: Từ trước đến nay, sản phẩm BTT Hải Ký bán khá đắt- không sợ cạnh tranh với các hãng lớn khác nhờ khách hàng “ăn thấy ngon rồi truyền miệng”, chớ chưa nhờ đến hình thức quảng bá nào khác.
Trong khi đó, chủ Cơ sở Vĩnh Xương thì nói: Bánh Vĩnh Xương đi khắp nơi trong ngoài tỉnh, thậm chí ra nước ngoài nhưng hầu hết là làm theo đơn đặt hàng chớ chưa tự do ra thị trường. Ông Lưu Chung Hiền thì nói:
Do thiếu nhân lực và tài chính có hạn nên từ trước đến nay, cơ sở chủ yếu quảng bá bằng cách thay đổi mẫu mã, treo băng rôn ở các điểm bán. Nếu có thể tăng cường quảng bá qua các phương tiện thông tin thì tin rằng, BTT Tân Quang sẽ được tiêu thụ rộng rãi hơn.
Chị Nguyễn Thị Thùy Ngân (Phường 2- TP Vĩnh Long) nói: “Tui thấy nhiều loại BTT tỉnh mình ăn ngon đâu thua gì bánh của các hãng lớn nhưng không hiểu sao chỉ thấy bán nhiều ở thành phố, còn về quê hay qua tỉnh khác thì không thấy”.
Anh Lê Duy Phương (xã Hòa Phú- Long Hồ) thì nói: “Hôm bữa tui còn thấy BTT ở Đồng Tháp “đi xe du lịch” tới tận khu công nghiệp rao “tặng bánh miễn phí, chỉ lấy tiền bao bì” để người dân ăn thử. Nhiều người quan tâm lắm!
Nghe nói tỉnh mình cũng có BTT mà sao không nghe giới thiệu gì. Muốn mua ăn cũng không biết thương hiệu nào là bánh trong tỉnh nữa?” Thiết nghĩ, với các lợi thế sẵn có như giá mềm, hương vị truyền thống… nếu các cơ sở BTT trong tỉnh tăng cường quảng bá thì có thể mở rộng thị trường tiêu thụ, ít ra là tới tận các vùng nông thôn trong tỉnh.
Từ trung tuần tháng 6 âl, một số cơ sở đã mở quầy cho bánh ra thị trường, sớm nhất là BTT của Cơ sở Tân Quang. Vẫn là các loại nhân truyền thống như: hạt sen, đậu xanh, dừa, dứa, thập cẩm… kết hợp với trứng muối, BTT của các cơ sở trong tỉnh có nhiều mức giá khác nhau, phổ biến từ 25.000- 70.000 đ/cái, có loại 100.000- 300.000 đ/cái, thuận tiện cho người tiêu dùng lựa chọn.
|
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin