Đầu tư công nghệ phù hợp

06:07, 10/07/2014

Đầu tư dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN) phải ứng dụng công nghệ tiên tiến, ưu tiên sử dụng các nguyên liệu sẵn có, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Nội dung này một lần nữa được khẳng định tại hội thảo Công nghệ sản xuất VLXKN phù hợp điều kiện tỉnh Vĩnh Long được tổ chức mới đây.

Đầu tư dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN) phải ứng dụng công nghệ tiên tiến, ưu tiên sử dụng các nguyên liệu sẵn có, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Nội dung này một lần nữa được khẳng định tại hội thảo Công nghệ sản xuất VLXKN phù hợp điều kiện tỉnh Vĩnh Long được tổ chức mới đây.

Triển vọng VLXKN

Đầu tư dây chuyền sản xuất VLXKN ưu tiên sử dụng các nguyên liệu sẵn có, phù hợp với điều kiện của tỉnh.  Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất VLXKN tại Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Hải Long (Khu công nghiệp Hòa Phú).

Theo ông Nguyễn Hoàng Thành- Trưởng Phòng Quản lý chất lượng công trình (Sở Xây dựng), kế hoạch phát triển sản xuất VLXKN đến năm 2020, UBND tỉnh đã khẳng định việc sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung truyền thống là một xu thế tất yếu do sản phẩm này có nhiều ưu điểm như: nhẹ, có tỷ trọng thấp qua đó giảm tải trọng công trình, tiết kiệm chi phí xây dựng, có thể tận dụng phế thải công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu.

Từ xu thế này cộng với những chính sách ưu đãi của tỉnh trong việc thực hiện chủ trương chung, thời gian qua đã có một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất loại vật liệu mới này trên địa bàn tỉnh.

Ông Lâm Thanh Vũ- Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (Sở Công thương), cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư dây chuyền sản xuất VLXKN với tổng công suất dự kiến khoảng 145 triệu viên/năm.

Trong đó, 2 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. Dây chuyền của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Hải Long (Khu công nghiệp Hòa Phú) với công suất 12 triệu viên/năm. Nếu thời gian tới việc sử dụng VLXKN rộng rãi, đầu ra sản phẩm tốt hơn thì dây chuyền này có thể cho ra lò 30 triệu viên/năm. DNTN Phước Lộc Hải (xã Mỹ Thuận- Bình Tân) đầu tư 1 dây chuyền công suất 1 triệu viên/năm.

2 doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư gồm: Công ty CP Thạch Anh Bình Minh (Khu công nghiệp Bình Minh) đầu tư dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu và gạch bê tông nhẹ. Dự kiến cuối 2014 có sản phẩm.

Công suất ở giai đoạn 1 là 40 triệu viên/năm, khoảng cuối 2015 sau khi hoàn thiện thì công suất lên đến 100 triệu viên/năm. Riêng Công ty TNHH Xây dựng thương mại Phong Dinh (xã Tân Phú- Tam Bình) đang tiến hành các thủ tục đầu tư dây chuyền với công suất 34 triệu viên/năm.

Cần đầu tư công nghệ phù hợp

VLXKN giúp tiết kiệm chi phí xây dựng, có thể tận dụng phế thải công nghiệp, bảo vệ môi trường.


Theo kế hoạch tổ chức lại ngành sản xuất gạch gốm và phát triển VLXKN, giai đoạn 2013- 2015 tỉnh sẽ hỗ trợ chuyển đổi 12 dây chuyền sản xuất VLXKN công suất 10 triệu viên/năm để đáp ứng sản lượng 90- 120 triệu viên vào cuối năm 2015. Giai đoạn 2016- 2020 hỗ trợ 8 dây chuyền tương tự để đáp ứng sản lượng 150- 200 triệu viên vào cuối năm 2020.

Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở vay vốn phù hợp quy hoạch được hỗ trợ tối đa 70% giá trị dây chuyền sản xuất VLXKN. Hỗ trợ 50% lãi suất vốn đầu tư của doanh nghiệp. Thời gian hỗ trợ lãi suất 3 năm kể từ ngày đầu xây dựng nhà máy. Mỗi doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ vay vốn, lãi suất để đầu tư 1 dây chuyền sản xuất VLXKN.

Đánh giá của ngành chuyên môn, đến nay việc triển khai chủ trương vẫn còn nhiều hạn chế do thói quen sử dụng gạch đất sét nung, lúng túng trong việc lựa chọn VLXKN vì chưa hiểu rõ các tính năng kỹ thuật. Trong khi giá VLXKN lại khá cao, kỹ thuật thi công phức tạp đòi hỏi công nhân tay nghề và công cụ chuyên dụng.

Trước những vấn đề đặt ra trong việc phát triển sản xuất VLXKN và lộ trình chuyển đổi, ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần cân nhắc kỹ giữa đầu tư dây chuyền sản xuất VLXKN và lò nung liên hoàn để có những chính sách hỗ trợ thích hợp mang lại hiệu quả cao nhất. Riêng đầu tư dây chuyền sản xuất VLXKN cần tính toán đến việc ưu tiên sử dụng các nguyên liệu là tiềm năng tài nguyên khoáng sản sẵn có tại địa phương, theo hướng công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện của tỉnh.

TS Nguyễn Tấn Ngân- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và Khu công nghiệp Đồng Tháp (HIDICO) khẳng định khả năng phù hợp rất cao cho việc ứng dụng công nghệ mới. Hiện dây chuyền sản xuất VLXKN không phải nhập khẩu mà được đội ngũ kỹ sư của HIDICO chế tạo. Nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước được tận dụng tối đa. Đặc biệt trong hỗn hợp có sử dụng phế thải từ sản xuất công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp.

Vấn đề hiện nay là cần nghiên cứu đầu tư dây chuyền thiết bị cơ khí để sản xuất VLXKN có công suất và chi phí tương đương với 1 lò gạch thủ công, đào tạo và sử dụng lại lực lượng hiện tại để tránh tình trạng lao động thất nghiệp sau chuyển đổi.

TS Nguyễn Tấn Ngân mong muốn nhận được sự hưởng ứng và hợp tác của các chủ lò gạch nung thủ công quan tâm đến công nghệ của doanh nghiệp. Với những chính sách ưu đãi của Nhà nước, tin rằng doanh nghiệp sẽ góp phần đắc lực cùng chính quyền địa phương trong thực hiện chủ trương phát triển VLXKN một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Vĩnh Long cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hiện 13 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 43 gói hỗ trợ, chương trình tín dụng nhằm hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị, bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu đời sống…


Bài, ảnh: THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh