
10.000 tỷ đồng là số tiền nằm trong gói tín dụng ưu đãi dành cho ngư dân đánh bắt xa bờ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo đã sẵn sàng giải ngân trong thời gian sớm nhất.
10.000 tỷ đồng là số tiền nằm trong gói tín dụng ưu đãi dành cho ngư dân đánh bắt xa bờ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo đã sẵn sàng giải ngân trong thời gian sớm nhất.
Nhà nước sẽ hỗ trợ 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu
Lãi suất cho vay có thể xuống 0%
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng thương mại (NHTM) đầu tiên công bố chương trình tín dụng 3.000 tỷ đồng cho vay phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ tại 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. BIDV sẽ cho vay vốn trung, dài hạn, vốn lưu động để đáp ứng các chi phí đóng, mua mới, cải hoán nâng cấp tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ công suất lớn và ngư cụ, tiêu thụ sản phẩm, chi phí các loại bảo hiểm hàng năm.
Lãi suất cho vay đối với trung, dài hạn là 2%/năm, ân hạn trong 1 năm đầu tiên khi đóng mới với lãi suất 0%/năm; lãi suất vốn vay lưu động là 5%/năm.
Để cụ thể hóa chương trình này, BIDV đã ký kết tài trợ tín dụng giai đoạn đầu trị giá 150 tỷ đồng để đóng mới 27 tàu đánh bắt hải sản công suất lớn cho các doanh nghiệp và hộ ngư dân của tỉnh Bình Định.
Ông Nguyễn Viết Mạnh- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN): Để chính sách hỗ trợ ngư dân hiệu quả thì ngoài nguồn vốn của NHNN còn cần có sự hỗ trợ chính sách của các tổ chức khác như bảo hiểm, xử lý rủi ro để NHTM yên tâm cho vay. Ngoài ra, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất trên biển, để ngân hàng cho vay và thu hồi vốn cũng như quản lý dòng tiền hiệu quả hơn. |
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, NHNN cùng các NHTM có thể dành khoảng 10.000 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ ngư dân với lãi suất 5%/năm.
Tuy nhiên, ngư dân chỉ phải trả 3% do Chính phủ sẽ hỗ trợ thêm 2%. Ngoài ra, “NHNN cũng đang nghiên cứu xem xét cho ngư dân vay với lãi suất đến 0% đối với những mô hình hiệu quả và quản lý tốt, đảm bảo cho các tổ chức tín dụng có thể thu hồi được nợ gốc.
Thời hạn cho vay khoảng 10-15 năm. Đây là thời gian đủ dài để ngư dân có thể bám biển, phát triển kinh tế. Nguồn tiền đã sẵn sàng và có thể giải ngân bất cứ khi nào khi có đầy đủ cơ sở pháp lý của Chính phủ” - Thống đốc Bình khẳng định. Ngoài ra, nhà nước sẽ hỗ trợ 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% kinh phí bảo hiểm con người cho tàu đánh bắt xa bờ để ngư dân yên tâm bám biển.
Những kiến nghị cụ thể
Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, BIDV đã kiến nghị một số nội dung trong Dự thảo Nghị định về chính sách hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ. Đại diện BIDV cho rằng: Thứ nhất, không nên quy định mức cho vay tối thiểu như dự thảo mà chỉ quy định tỷ lệ cho vay vốn lưu động không quá bao nhiêu % nhu cầu vốn thực tế của từng ngư dân/con tàu.
Thứ hai, nếu nhà nước cấp bù lãi suất thì nên quy định mức cụ thể tối đa hoặc quy định lãi suất cấp bù không quá trần lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo quy định của NHNN từng thời kỳ. Thứ ba, cần bổ sung cơ chế NHNN tái cấp vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay theo số dư thực tế các NHTM cho vay theo chương trình này.
Bên cạnh đó, vì vốn vay chỉ được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay và tỷ lệ cho vay rất cao tới 90% nên các cơ quan chức năng cần phối hợp, hỗ trợ ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo tiền vay và nguồn tiền từ đánh bắt hải sản để thu hồi nợ.
Cụ thể hơn, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nêu ý kiến: Gói tín dụng 10 ngàn tỷ đồng sẽ giúp ngư dân đóng mới những tàu có mã lực cao, công nghệ hiện đại để vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, “cần làm bài bản hơn, chúng ta nên có quỹ để đóng tàu lớn cho ngư dân thuê mua, sau 5-6 năm họ sẽ được sở hữu tàu thì tốt hơn”- ông Lịch nói.
Theo Báo Công Thương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin