Kỳ cuối: Nỗ lực tháo gỡ rào cản

07:06, 08/06/2014

Số lượng quốc gia sử dụng các loại rào cản phi thuế quan sẽ càng nhiều và mức độ ngày càng chặt chẽ hơn. Do vậy, bên cạnh quá trình nỗ lực tháo gỡ các rào cản đối với thủy sản xuất khẩu, thì Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra (gọi tắt Nghị định cá tra) cũng đã được ban hành.

>> Kỳ 1: Cá tra sẽ khó vào thị trường Mỹ 

Số lượng quốc gia sử dụng các loại rào cản phi thuế quan sẽ càng nhiều và mức độ ngày càng chặt chẽ hơn. Do vậy, bên cạnh quá trình nỗ lực tháo gỡ các rào cản đối với thủy sản xuất khẩu, thì Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra (gọi tắt Nghị định cá tra) cũng đã được ban hành.

Thủy sản xuất khẩu cần những giải pháp đồng bộ để tháo gỡ rào cản phi thuế quan.

Quá trình tháo gỡ các loại rào cản phi thuế quan

Đi tiên phong công bố các rào cản TBT và SPS áp đặt đối với hàng thủy sản nước ngoài là EU, với Chỉ thị 91 quy định nước thứ 3 (nước ngoài EU) muốn xuất khẩu thủy sản vào EU phải tương đương với EU về hệ thống văn bản pháp quy trong kiểm soát an toàn thực phẩm; năng lực hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra điều kiện sản xuất các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào EU; các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU phải có điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị và chương trình HACCP tương đồng với doanh nghiệp cùng loại của EU…

Chỉ thị 91 quy định vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ phải kiểm soát các chỉ tiêu kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh và các loại độc tố gây tiêu chảy (PSP), độc tố gây liệt cơ (DSP) và độc tố gây mất trí nhớ (ASP)…

Để đáp ứng yêu cầu, năm 1994, Trung tâm Kiểm tra chất lượng và vệ sinh thủy sản (NAFIQACEN) và nay là Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Thủy sản xây dựng hệ thống văn bản pháp quy và hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản xuất khẩu vượt qua rào cản SPS.

Sau rất nhiều nỗ lực, đến tháng 11/1999, EU chấp nhận Việt Nam được phép xuất khẩu vào EU và Mỹ cũng chấp nhận danh sách 97 doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai kiểm soát an toàn thực phẩm theo HACCP và được phép xuất khẩu vào thị trường này.

Đây là bài học kinh nghiệm đầu tiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam và hiện nay, NAFIQAD đã đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua các loại rào cản SPS, TBT và các rào cản khác giúp thủy sản Việt Nam có mặt tại 145 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 20 quốc gia/ liên quốc gia yêu cầu phải ký kết các văn bản thỏa thuận song phương.

Những rào cản phi thuế quan mới xuất hiện trong năm 2014, ông Nguyễn Tử Cương- Chủ tịch NAFIQAD, đưa ra những đề xuất cụ thể tháo gỡ.

Chẳng hạn đối với yêu cầu của Liên minh Hải quan, cần có những giải pháp tháo gỡ đồng bộ mới có thể nhanh chóng mở cửa lại thị trường. Đối với Luật Hiện đại hóa thực phẩm sửa đổi quy định nội dung thừa nhận và công nhận cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm ở nước sở tại, nếu chuẩn bị tốt những điều kiện để được thừa nhận và công nhận thì sẽ giảm rất nhiều chi phí phải đóng cho cơ quan kiểm soát nước ngoài.

Hay để loại trừ hiện tượng chống phá giá, theo ông Cương, ngay trong nước phải giải quyết cho được tình trạng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu để giành giật khách hàng, thị trường bằng biện pháp giảm giá bán.

Kỳ vọng từ Nghị định cá tra

Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra được ban hành ngày 29/4/2014 (hiệu lực từ ngày 20/6/2014), thu hút sự quan tâm của nhiều thương nhân, doanh nghiệp, người dân... Theo quy định mới, hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra thương phẩm chính thức trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, phải phù hợp quy hoạch được công bố.

Con cá tra chính thức được “đóng dấu” tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc; các hợp đồng xuất khẩu cá tra phải được đăng ký tại Hiệp hội Cá tra Việt Nam mới được hải quan chấp nhận thông quan.

Nghị định này quy định rõ về điều kiện chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cá tra chế biến. Theo đó, cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến phải được nuôi từ cơ sở nuôi cá tra thương phẩm đáp ứng các điều kiện như được cấp chứng nhận VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam trên; được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương chứng nhận...

Luật sư Ngô Quang Thụy- Công ty NTTrade Law

Với chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ, điều cần thiết là Chính phủ Việt Nam cần đưa vấn đề này ra là một điều kiện không thể đàm phán trong các đàm phán TPP. Chính phủ Việt Nam , VASEP, VINAFIS hoặc các tổ chức khác cần thuê luật sư WTO để chuẩn bị đưa ra tranh luận về khả năng vi phạm các Biện pháp Hiệp định Kiểm định động thực vật.

Đối với việc chế biến sản phẩm  cá tra phi lê đông lạnh, cơ sở phải sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với quy định của nước nhập khẩu. Thương nhân xuất khẩu sản phẩm cá tra phải có cơ sở chế biến cá tra đáp ứng điều kiện quy định, đồng thời phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội Cá tra Việt Nam .

Cơ quan hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng của hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra đã được Hiệp hội Cá tra Việt Nam xác nhận.

Nghị định này không phải là điều bất ngờ, bởi nó đã được lấy ý kiến đóng góp gần 5 năm qua. Ông Vũ Tấn Cường- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) bình luận rằng, đây là Nghị định trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình xây dựng, có những lúc tưởng đã không được ban hành.

Với những diễn biến “nóng” của sản xuất cá tra, nhất là trước đòi hỏi thực tiễn, xử lý những bất cập trong nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, thì Nghị định cá tra ra đời là cấp thiết.

Nghị định điều chỉnh hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra thương phẩm, được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến ngành cá tra.

Qua đó để sắp xếp, xác lập trật tự mới, gắn kết chuỗi giá trị sản phẩm. Xuất khẩu cá tra theo nhu cầu thị trường chứ không phải sản xuất xong rồi mới tìm nơi bán hàng. Công cụ pháp lý quan trọng này sẽ thúc đẩy liên kết vùng, thương hiệu hóa và luật hóa các quy định, chế tài để các doanh nghiệp Việt Nam ứng xử và liên kết lại, đủ sức cạnh tranh với bên ngoài.

Nhiều kỳ vọng đặt vào Nghị định cá tra, trong việc quy hoạch và chất lượng quy hoạch vùng nuôi, cơ sở chế biến. Việc tổ chức đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra cũng phải được thực hiện thật tốt, tránh phiền hà, cản trở kinh doanh của doanh nghiệp.

INTERTEK Việt Nam khuyến nghị

Tỷ lệ những chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản (CAP, MG…) còn ở mức cao. Cần đẩy mạnh các hình thức nuôi trồng tốt và phát triển bền vững (VietGAP, BAP, GlobalGAP…) góp phần thay đổi thói quen canh tác.

Doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu không sử dụng các hóa chất cấm trong quá trình bảo quản và chế biến; tăng cường kiểm soát nguồn nguyên liệu trước khi chế biến.


Bài, ảnh: LÝ AN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh