
Mức lãi suất 8- 10% hiện nay tốt hơn rất nhiều so với mong đợi của các doanh nghiệp (DN), khi mà giữa năm 2012 mức lãi suất 15% đã là “như mơ”. Vậy nhưng, các DN và ngành ngân hàng (NH) lại đang đối mặt với một thách thức mới: bơm tiền ra thị trường có hiệu quả gắn với chất lượng tín dụng và giải quyết nợ xấu như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hoạt động tín dụng của hệ thống NH đang quay về với những nguyên tắc: mục đích sử dụng vốn vay và nguồn trả nợ. Ảnh minh họa: TRẦN PHƯỚC
Mức lãi suất 8- 10% hiện nay tốt hơn rất nhiều so với mong đợi của các doanh nghiệp (DN), khi mà giữa năm 2012 mức lãi suất 15% đã là “như mơ”. Vậy nhưng, các DN và ngành ngân hàng (NH) lại đang đối mặt với một thách thức mới: bơm tiền ra thị trường có hiệu quả gắn với chất lượng tín dụng và giải quyết nợ xấu như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cuối năm 2011, nhiều DN công bố kết quả kinh doanh lỗ có nguyên nhân chung là do lãi suất tăng cao, chi phí tài chính lớn dẫn đến thua lỗ. Ngày 7/7/2012, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phải hạ lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15% và ổn định ít nhất trong 1 năm.
Nhiều doanh nhân lúc đó chia sẻ đây là mức lãi suất mong mỏi của các DN, tạo điều kiện cho các DN phục hồi sản xuất.
Từ đó, ngành NH đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, linh hoạt và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, trong đó, lãi suất cho vay giảm từ mức 20%/năm xuống ổn định ở mức 8- 10%.
Tại sao không tăng trưởng được tín dụng?
Theo số liệu từ NHNN, đến ngày 31/3/2014, tín dụng toàn ngành tăng 0,01% so với cuối năm 2013 đã khá hơn mức tăng trưởng “âm” của 2 tháng đầu năm. Tại địa bàn Vĩnh Long, sau 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm, đến tháng 3 tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu tích cực, chủ yếu do cho vay dự trữ lúa gạo theo chỉ đạo của Chính phủ.
Như vậy tín dụng sau 3 tháng mới ngoi lên được khỏi mặt đất và câu hỏi đặt ra là tại sao lại không tăng trưởng được tín dụng trong bối cảnh lãi suất đã rất hợp lý như hiện nay?
Lãi suất thấp là yếu tố tích cực giúp các DN tiếp cận vốn giá rẻ, giảm được chi phí tài chính, qua đó hạ giá thành sản phẩm và trực tiếp kích cầu sản xuất, tiêu dùng.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào các yếu tố khác như sức mua thị trường, hàng tồn kho, hay chỉ số tiêu dùng (CPI) trong 3 tháng đầu năm đang ở mức thấp cho thấy sức cầu và đầu ra đang là vấn đề lớn đối với thị trường hiện nay.
Hiện trạng không ít DN tốt, hoạt động hiệu quả đang đau đầu với câu hỏi vay vốn để làm gì, sử dụng vốn sao cho có hiệu quả để tạo nguồn trả nợ gốc, lãi NH, có lẽ là câu trả lời thuyết phục cho vấn đề tăng trưởng tín dụng thấp giai đoạn này.
Bài học về nợ xấu đối với các NH đang còn hiện hữu và có lẽ phải mất một thời gian dài nữa mới xử lý dứt điểm, là yếu tố khiến cho các NH thận trọng và kiểm soát chặt chẽ các điều kiện tín dụng.
Bởi lẽ nếu nới lỏng các điều kiện tín dụng để giúp các DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn thì ngành NH lại đi vào vòng luẩn quẩn sẽ phải xử lý nợ xấu trong tương lai khi các DN này làm ăn không hiệu quả, sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến rủi ro tín dụng, nợ xấu phát sinh thêm, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống.
Các yếu tố cần cho tăng trưởng tín dụng
Hoạt động tín dụng của hệ thống NH đang trong giai đoạn quay trở về với những nguyên tắc chính của nó, đó là: mục đích sử dụng vốn vay và nguồn trả nợ. Đây là tín hiệu tốt để hoạt động cấp tín dụng thực sự có hiệu quả.
Bài học nợ xấu do xem nhẹ nguyên tắc cho vay để nhường chỗ cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng, tối đa hóa lợi nhuận, NH hoạt động giống như tiệm cầm đồ chỉ quan tâm đến tài sản đảm bảo đã qua.
Tất nhiên, NH cũng có những yêu cầu về tài sản đảm bảo nhưng chỉ là thứ yếu, cái chính vẫn là phương án kinh doanh có hiệu quả, sử dụng vốn vay đúng mục đích, rõ ràng, tình hình tài chính của khách hàng phải minh bạch để dẫn đến quyết định cấp tín dụng của NH.
Như tại Công văn hướng dẫn số 7558 của NHNN về thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các tổ chức tín dụng và khách hàng liên quan đến điều kiện và thủ tục tín dụng, đề cập vấn đề nới lỏng điều kiện tín dụng cũng nhấn mạnh đến phương án kinh doanh mới phải khả thi, hiệu quả, sử dụng vốn vay đúng mục đích, minh bạch về tình hình tài chính.
Trong bối cảnh hiện nay, để chứng minh được phương án kinh doanh có hiệu quả, khả thi, sử dụng vốn đúng mục đích, qua đó tạo nguồn trả nợ gốc và lãi cho NH thì đầu ra đối với DN là điểm mấu chốt, bên cạnh vấn đề minh bạch hóa tình hình tài chính.
Muốn vậy cần phải kích thích nền kinh tế, cải thiện tổng cầu. Khi đó bản thân các NH cũng sẽ tự nhìn thấy các dự án, phương án kinh doanh có hiệu quả của DN đủ sức trả nợ, lãi cho khoản vay mới và dành một phần trả bớt cho khoản vay cũ.
Ngoài ra, các DN cũng phải minh bạch về tình hình tài chính, tự nâng cao năng lực tự chủ, không thể dựa hoàn toàn vào vốn vay NH, không thể “tay không bắt giặc”.
Khi các yếu tố trên được hội đủ, thì lúc đó tự thân tăng trưởng tín dụng sẽ trở lại mạnh mẽ, có hiệu quả và gắn liền với chất lượng tín dụng ngày một nâng cao.
PHAN THANH HẢI
(Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin