Kinh nghiệm làm giao thông nông thôn mới

07:03, 26/03/2014

Tổng hợp của Sở Giao thông Vận tải Vĩnh Long, đến cuối năm 2013, tại 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), đã có 8 xã đạt tiêu chí (TC) giao thông, 10 xã đạt TC này từ 50% trở lên. Để đảm bảo cho các xã điểm kịp về đích trong năm 2014 và 2015, một số xã và lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải kiến nghị nên có giải pháp quản lý điều hành thật sự hiệu quả hơn.


Đường giao thông mới mở ven sông nếu thiếu đầu tư chống sạt lở sẽ rất mau xuống cấp.

Tổng hợp của Sở Giao thông Vận tải Vĩnh Long, đến cuối năm 2013, tại 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), đã có 8 xã đạt tiêu chí (TC) giao thông, 10 xã đạt TC này từ 50% trở lên. Để đảm bảo cho các xã điểm kịp về đích trong năm 2014 và 2015, một số xã và lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải kiến nghị nên có giải pháp quản lý điều hành thật sự hiệu quả hơn.

Tháo gỡ vướng mắc trong chỉ đạo

Theo ông Trần Hoàng Tựu- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, qua theo dõi trong chỉ đạo tại một số huyện, trong đó có Tam Bình cho thấy việc tổ chức thực hiện TC giao thông, cũng như một số TC thuộc lĩnh vực hạ tầng nông thôn để cho huyện, tỉnh lo sẽ triển khai rất chậm.
 
Nhất là về mặt hồ sơ cũng như triển khai thực hiện dự án, nếu huyện lo 10 dự án sẽ chậm hơn để cho xã lo chỉ 1- 2 dự án trên địa phương mình.

Trong lúc chúng ta đang thiếu vốn, mà khi có vốn lại triển khai chậm, sẽ rất khó hoàn thành. Theo ông, hiện nay dù huyện lo hay xã lo cũng đều thuê tư vấn quản lý, điều hành dự án như nhau, để triển khai tiến độ nhanh hơn, nên mạnh dạn giao cho BCĐ xây dựng NTM xã thực hiện, bởi đây là đơn vị thụ hưởng sẽ có trách nhiệm cao hơn với từng công trình.

Riêng năm 2014, tỉnh đã có kế hoạch bố trí vốn thực hiện các dự án giao thông nông thôn gần 300 tỷ đồng cho các xã điểm, nếu không tính toán kỹ, quản lý điều hành tốt, sẽ rất khó thực hiện đạt yêu cầu tiến độ, tuy nguồn vốn được đầu tư không nhiều nhưng có khi đến cuối năm lại sử dụng chưa hết vốn.

Theo ông Trần Hoàng Tựu, thời gian qua, vốn trung hạn bố trí cho các xã điểm thực hiện các dự án giao thông nông thôn, vẫn còn vướng một số thủ tục, như chỉ hỗ trợ cho xã 2 công trình khoảng 10 tỷ đồng.
 
Tuy có thống nhất trong BCĐ nhưng chưa được phê duyệt của HĐND kịp thời, nên Sở Kế hoạch và Đầu tư thiếu cơ sở thẩm định, làm cho khâu hồ sơ thủ tục thường bị chậm trễ. Điều này cần được rút kinh nghiệm để thống nhất trong chỉ đạo thực hiện vốn trung hạn thuộc trách nhiệm của ngành nào tới đâu và có tổ chức phối hợp nhịp nhàng hơn.

Vấn đề này, ông Trương Văn Sáu- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó BCĐ Xây dựng NTM tỉnh thống nhất mạnh dạn phân cấp cho cấp xã, giảm ở cấp huyện. Ông cũng đồng ý quan điểm nếu để cho cấp xã quản lý làm nhanh hơn thì giao cho xã làm với điều kiện xã quản lý được, chủ động được.

Về phía huyện, cũng phải hỗ trợ, tập dợt cho xã làm và gắn với trách nhiệm, quyền lợi sẽ hiệu quả hơn. Trong khi nếu để huyện cùng lúc làm nhiều dự án, lực lượng lại có hạn sẽ chậm trễ, nhưng huyện phải có trách nhiệm kiểm tra.

Bảo quản, sử dụng đường giao thông an toàn

Xã Long Mỹ (Mang Thít) là đơn vị đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long thực hiện hoàn thành tiêu chí giao thông. Xã có 4 tuyến đường liên ấp và 2 tuyến đường liên xóm có tổng chiều dài hơn 13km với tổng kinh phí xây dựng gần 30 tỷ đồng.

Thực hiện khá nhanh nhưng cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, bởi các tuyến giao thông mới hoàn thành của xã Long Mỹ phần lớn nâng cấp từ tuyến đường đan đã có trước đây, con đường thường uốn lượn theo tuyến các kinh rạch trong khu dân cư.
 
Theo nhiều bà con ở ấp Long Khánh và một số ấp khác cho rằng đường mới mở rộng rãi dễ đi, xe tải loại nhẹ vào được tận ruộng rẫy để vận chuyển hàng hóa rất thuận tiện, hạ được giá thành so với trước đây. Muốn đi đâu xe bốn bánh cũng có thể tới rước tận nhà.
 
Điều lo ngại nhất hiện nay là nhiều cung đường uốn khúc sát bờ sông, đi lại thiếu an toàn, nền hạ lu bằng cát trong khi bờ bao đất, cừ tràm gia cố chống sạt lở lại ít và yếu. Như thế, trước sức tàn phá của mưa lũ hàng năm, chắc chắn sẽ làm cho công trình rất mau xuống cấp.

Thực trạng này không chỉ có ở Long Mỹ, nhiều xã khác như các xã cù lao Bình Hòa Phước, Thanh Bình cũng có kết cấu địa hình phát triển giao thông tương tự, nên cần tổ chức bảo quản, gia cố thường xuyên mới sử dụng được tốt lâu bền.

Các xã Mỹ Lộc, Song Phú, Thành Đông,… cũng đã hoàn thành TC giao thông với các tuyến liên ấp, liên xóm nhưng có điểm khác là thường không đi theo tuyến đường đan cũ cặp bờ sông mà mạnh dạn vận động nhân dân hiến đất đầu tư mở tuyến mới giáp giữa ruộng với vườn tạo nên một tuyến bờ bao mới cho đồng ruộng, giữ tuyến đan cũ làm đê bao thủy lợi cho vườn cây ăn trái.

Đa số các tuyến giao thông nông thôn mới dù theo bờ sông hay giáp ruộng cũng có đặc điểm thường quanh co uốn khúc bởi phụ thuộc nhiều vào các dòng kinh rạch tự nhiên đã có lâu đời, ngoại trừ một số địa phương của huyện Bình Tân vừa mới phát triển các công trình khai kinh thủy lợi sau này, nên đường giao thông tương đối thẳng tắp.

Một vấn đề khác là do đường cong uốn lượn xen trong vườn cây đã tạo ra nguy cơ mất an toàn giao thông nông thôn, các địa phương cần chú ý vận động nhân dân hết sức đề phòng và phát quang bụi rậm. Một vị lãnh đạo xã Bình Hòa Phước cho rằng đường ở đây không khác gì như đi đường đèo vậy, phải luôn đề phòng, người chủ quan rất dễ gây ra tai nạn giao thông.

Theo BCĐ tỉnh, đối với TC vừa đạt, các xã cần tiếp tục tập trung nâng cấp và hoàn thiện, đồng thời tiếp tục vận động thực hiện phần còn lại, nhất là TC giao thông để mỗi người dân xã NTM đều được hưởng lợi từ thành quả của chính mình tạo nên.

Văn phòng BCĐ Xây dựng NTM tỉnh khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, huyện tổng hợp cho được nhu cầu về vốn cho 13 xã về đích năm 2015, và phải trình cho được kế hoạch vốn trong 6 tháng đầu năm nay; làm ngay đối với những nơi có nhu cầu bức xúc về vốn- ông Trương Văn Sáu- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó BCĐ Xây dựng NTM tỉnh, chỉ đạo.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh