Tàu hủ ky Mỹ Hòa tìm lối vào siêu thị

06:01, 15/01/2014

Giữa tháng Chạp, chúng tôi ghé qua làng nghề truyền thống tàu hủ ky Mỹ Hòa (ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh). Cả xóm nghề đang tất bật làm tàu hủ ky với mùi thơm lan tỏa, sẵn sàng cho mùa tết đến.

Giữa tháng Chạp, chúng tôi ghé qua làng nghề truyền thống tàu hủ ky Mỹ Hòa (ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh). Cả xóm nghề đang tất bật làm tàu hủ ky với mùi thơm lan tỏa, sẵn sàng cho mùa tết đến.


Làng nghề vào vụ tết, các lò đang hực lửa, cho ra những lá tàu hủ ky thơm lừng.

Ngào ngạt hương tàu hủ

Cách TX Bình Minh khoảng 2 cây số, qua đò ngang Bờ Chùa là đến làng nghề làm tàu hủ ky. Đặt chân lên xóm nhỏ, chúng tôi đã cảm nhận mùi hương sữa đậu nành lan tỏa. Đi dọc theo con đường đan là những người thanh niên khoác lên mình một… màu đen. Đây là những người vác than đi theo ghe chở bán cho chủ cơ sở tàu hủ. Cả xóm, nhà nào làm tàu hủ ky cũng rộn rã ngâm đậu, xúc than...

“Hơn 60 năm trước, xóm nghề tàu hủ ky đã có. Lúc đó ông dượng người Hoa sang đây làm ăn sinh sống, định cư đây và “định cư” luôn một nghề”- ông Đinh Công Hoàng (Ba Hoàng)- Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất tàu hủ ky Mỹ Hòa- tóm tắt với chúng tôi.

Là người làm công, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (ấp Mỹ Khánh 1) cho biết, nghề làm tàu hủ bây giờ cũng không cực lắm vì đã có máy móc hỗ trợ. Theo người làm nghề tàu hủ cha truyền con nối này, trước đây mỗi nhà làm 5- 7 chảo là cùng. Nay vẫn thủ công, nhưng “dáng dấp công nghiệp” đã hiện diện, nên làm nghề đỡ vất vả nhiều.

Nhà ông Ba Hoàng có 3 dãy lò (60 chảo nấu), với 8 nhân công, một ngày đêm nấu 300kg đậu nành (mỗi dãy lò 100kg đậu). Khi 18, khi 20 giờ mỗi lượt nấu để ra lò một mẻ sản phẩm, tùy nước đục trong, lửa lò và chất lượng đậu.

Được cái là tàu hủ ky của mình nơi đây “chất” hơn một số nơi khác. Đó là có thể làm được mọi món chay mặn và đủ hình thức chế biến, đặc biệt là gói chả. Mà chả, trong các món ăn hàng ngày, đám tiệc, mặn chay, hầu hết đều thấy. Còn tàu hủ ky của một số nơi khác, không gói món chả được. Nên với nhiều người, “tiếng” và “miếng” của sản phẩm làng nghề mình vẫn giữ vững là vậy.

Một số chủ lò ở đây cho biết, năm nay đến giờ này, việc tiêu thụ tàu hủ ky còn khá chậm. Mọi năm, mối lái bạn hàng ở Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ gọi đầy, đặt hàng bán tết.

Dù vậy, nhịp độ sản xuất các cơ sở làng nghề vẫn đỏ than nóng chảo và cho ra đều đặn những lá tàu hủ ky. Nói với chúng tôi, bà con hy vọng sẽ phát triển được nghề cả về điều kiện và quy mô sản xuất, đem nhiều hơn sản phẩm chất lượng ra thị trường. Tết này, cũng mong bán giá cao hơn mức 85.000 đ/kg như hiện nay và bán chạy hơn.

Tìm đường vào siêu thị

Thành lập năm 2011, làng nghề truyền thống Tàu hủ ky Mỹ Hòa có 27 thành viên. Giờ thì Tổ trưởng Ba Hoàng tiếp khách liên miên, nay báo này đài nọ, mai thì doanh nghiệp xa gần đến tìm hiểu, hỏi thăm, kiếm cơ hội hợp tác làm ăn.


Chị Thúy Hằng với xấp lá tàu hủ ky mới ra lò.

Tháng 12/2013 vừa qua, tọa đàm “Kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất nông đặc sản miền Tây và Đông Nam Bộ với hệ thống siêu thị” do Báo Tuổi Trẻ, Co.opmart và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp tổ chức tại Cần Thơ, mặt hàng tàu hủ ky có dịp giao lưu giữa các làng nghề đến từ các tỉnh, tìm giải pháp phát triển đặc sản từng vùng.

Ông Ba Hoàng kể, đã ngỏ lời với phía đối tác về cơ hội “đưa sản phẩm tàu hủ ky vào siêu thị” nhưng đây là cả một quy trình tuyển lựa và yêu cầu điều kiện nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm gắt gao. “Đó là cơ hội tốt, nhưng tiêu chí ngặt nghèo, đường vào hẹp đối với chúng tôi”- ông nói.

Có vị tiến sĩ ở Trường ĐH Cần Thơ ví von với ông rằng: “Anh muốn vào (đưa tàu hủ ky vào siêu thị) thì phải có một cái thang để leo lên. Cái thang đó có thể bắt đầu từ nấc, chẳng hạn như hàng hóa phải được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao...”
 
Những điều kiện để đảm bảo hàng hóa vào được siêu thị, ông lý giải mấu chốt là cần sự đầu tư về vốn, kỹ thuật để mở rộng quy mô, quy trình tiêu chuẩn sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.


Máy móc thiết bị được các chủ lò trang bị vẫn chưa đáp ứng nổi yêu cầu khắt khe để sản phẩm tàu hủ ky vào siêu thị.

Năm 2012, Sở Công thương đã hỗ trợ máy hút chân không cho tổ hợp tác. Nhờ vậy, sản phẩm được kéo dài thời hạn thêm hơn 10 ngày.

Và năm 2013, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, Cục Sở hữu trí tuệ công nhận làng nghề. Có lần tại một hội thảo, ông Trần Hoàng Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công thương Vĩnh Long) cho biết, khuyến công ngày càng được Nhà nước quan tâm, đặc biệt ở các xã điểm nông thôn mới.

TX Bình Minh vốn có nhiều xóm nghề, làng nghề truyền thống. Có xóm nghề hoạt động quanh năm, có xóm nghề chỉ hoạt động chủ yếu về tết. Nhưng dù ở thời điểm nào, cũng đã đóng góp cả về “miếng” và “tiếng” cho những nghề truyền thống vốn rất đáng trân trọng, gìn giữ và phát triển.

Ông Ba Hoàng cho biết: “Tôi cũng đã làm xong hồ sơ, nhờ trên tỉnh hỗ trợ cơ sở tàu hủ ky, để có thể đầu tư theo đúng tiêu chuẩn. Khi sản phẩm vào được siêu thị thì không còn niềm vui nào bằng”.

Bài, ảnh: MINH THÁI – TẤN ANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh