Một năm chuyển động tích cực

07:01, 09/01/2014

Trong năm qua, giá trị sản xuất ngành xây dựng chiếm tỷ trọng 5,94% GDP cả nước và được đánh giá là yếu tố tích cực trong tăng trưởng kinh tế.

Trong năm qua, giá trị sản xuất ngành xây dựng chiếm tỷ trọng 5,94% GDP cả nước và được đánh giá là yếu tố tích cực trong tăng trưởng kinh tế.


Giá trị sản xuất ngành xây dựng góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.

Theo Bộ Xây dựng, toàn ngành thực hiện nhiệm vụ năm 2013 trong bối cảnh khó khăn nhưng vẫn đạt được những kết quả khá tích cực. Giá trị sản xuất đạt 770.410 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2012; giá trị tăng thêm đạt khoảng 191.631 tỷ đồng, tăng 5,3%.

Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 33,47%, tăng 1,02%, tỷ lệ dân đô thị được cung cấp nước sạch đạt 79%, tăng 1%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt 84%.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, trong năm 2014, Bộ Xây dựng sẽ tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội, kết hợp với kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch.

Tiếp tục rà soát, phân loại, điều chỉnh cơ cấu các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị mới; đẩy mạnh tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích trung bình và nhỏ, giá bán thấp; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng.


Bất động sản “ấm” lên

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS) đã đạt được những kết quả khả quan ban đầu. Đến nay, thị trường đã có sự điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu, niềm tin vào thị trường đang dần được hồi phục; phân khúc nhà ở xã hội, những căn hộ có diện tích nhỏ được người dân quan tâm và đã có nhiều giao dịch thành công hơn trước.

Tình hình thị trường BĐS năm 2013 đã có xu hướng “ấm” lên, thể hiện qua lượng giao dịch trên thị trường những tháng cuối năm đã tăng nhiều so với đầu năm, tăng trưởng tín dụng BĐS cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung, các dự án dở dang tiếp tục được triển khai và mở bán, niềm tin của khách hàng vào thị trường dần được hồi phục.

Trong khi đó, cơ cấu hàng hóa BĐS, nhất là BĐS nhà ở đã được điều chỉnh sát với nhu cầu của thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, tăng cường thông tin, tiếp thị. Các sản phẩm nhà ở có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các đô thị lớn được tiêu thụ mạnh, hầu như không còn tồn kho loại sản phẩm này.

Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng với mục tiêu giúp những đối tượng thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để cải thiện nhà ở, đồng thời có tác động lan tỏa tới thị trường bất động sản đã được triển khai và thu được kết quả bước đầu.

Hiện nay cả nước có 124 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai với quy mô xây dựng khoảng 78.700 căn. Tính từ đầu năm 2013 đến nay đã có 15 dự án nhà ở xã hội được triển khai xây dựng mới. Trong năm 2013 đã tiếp nhận 6.018 hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội, đã ký hợp đồng bán 1.050 căn hộ nhà ở xã hội, số còn lại đang tiếp tục triển khai ký hợp đồng.

Cơ cấu hàng hóa BĐS đã được điều chỉnh sát với nhu cầu của thị trường, tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp, hướng tới nhu cầu của số đông người dân.
 
Cả nước hiện có 57 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 34.837 căn; 62 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ với số lượng căn hộ ban đầu là 31.999 căn hộ, điều chỉnh thành 40.500 căn hộ (tăng 8.501 căn).

Hiện giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008- 2010, hầu hết các dự án đã giảm từ 10- 30%, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006, do đó có lợi cho người mua.

Tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, cải cách thể chế, thủ tục sẽ là nhiệm vụ trọng tâm, tiên quyết của ngành xây dựng để khắc phục những tồn tại, hạn chế lớn trong xây dựng cơ bản hiện nay. Hiện cả nước đang có 26.850 dự án xây dựng, trong đó 35% số dự án chậm tiến độ, 10% số dự án phải điều chỉnh tiến độ, thiết kế, thậm chí điều chỉnh cả mục tiêu dự án.

Riêng việc điều chỉnh tổng mức đầu tư đã làm phát sinh 38,8% vốn. Điều này có nguyên nhân quan trọng từ những cơ chế, thủ tục chưa thực sự hợp lý, dẫn đến sự thiếu hiệu quả và lãng phí lớn trong xây dựng cơ bản.

Vì vậy, ngành xây dựng cần quan tâm tới việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách. Đồng thời, lấy quản lý theo quy hoạch làm cơ sở, rà soát điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng, việc thực hiện các tiêu chí, quy chuẩn xây dựng,...

Ngành xây dựng tỉnh Vĩnh Long cũng đã kiến nghị với Bộ Xây dựng tháo gỡ những khó khăn từ việc phân cấp, giao quyền cho chủ đầu tư khá mạnh, nhưng phần lớn chủ đầu tư chưa nắm rõ nên còn lúng túng và chưa tuân thủ theo trình tự quy định.

Bộ Xây dựng sớm ban hành thông tư hướng dẫn, công bố năng lực của các đơn vị hành nghề hoạt động xây dựng, hướng dẫn việc xác định điều kiện năng lực của các tổ chức, doanh nghiệp (tư vấn và nhà thầu thi công).

Do thực tế hiện nay đang diễn ra tình trạng một người cùng lúc ký hợp đồng lao động với nhiều doanh nghiệp, nhưng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan hiện nay chưa có quy định cụ thể vấn đề này, nên rất khó cho việc xác định năng lực để xếp hạng doanh nghiệp.

Vĩnh Long đã có 2 doanh nghiệp được Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước xem xét cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ của Chính phủ. Theo đó, Công ty TNHH MTV Hữu Thuấn với dự án khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Phú, quy mô 396 căn, số vốn cho vay theo đề xuất là 60 tỷ đồng. Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Hảo với dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội Hoàng Hảo, quy mô 335 căn, số vốn cho vay theo đề xuất 15 tỷ đồng.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

 

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh