Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên

07:12, 19/12/2013

Vừa qua, Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh Vĩnh Long đã thẩm định Đồ án Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên được nhiều đại biểu quan tâm.


Tiềm năng khai thác sét khá lớn tuy nhiên cần khai thác hợp lý để không ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.

Vừa qua, Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh Vĩnh Long đã thẩm định Đồ án Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên được nhiều đại biểu quan tâm.

Khai thác hợp lý

Theo Viện VLXD (trực thuộc Bộ Xây dựng), Vĩnh Long là một trong số các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL có rất ít nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD, chỉ có đất và cát phục vụ san lấp mặt bằng và xây trát nhà cửa.

Kết quả điều tra, khảo sát nguồn tài nguyên khoáng sản sét của Sở Tài nguyên và Môi trường đã đánh giá và khoanh định 124 thân sét phân bố trên diện tích trên 296km2, với tổng tiềm năng tài nguyên khoáng sản được đánh giá gần 278,9 triệu m3 ở cấp tài nguyên 222 (là cấp tài nguyên được khảo sát, đánh giá ở mức độ tin cậy, mức độ nghiên cứu tiền khả thi và có tiềm năng, hiệu quả kinh tế), trong đó tổng tài nguyên cấm khai thác là 149,48 triệu m3, tổng tài nguyên được quy hoạch khai thác là 129,4 triệu m3.

Từ năm 2011- 2020, quy hoạch khai thác tận thu, cải tạo mặt bằng 46,1 triệu m3. Dự kiến tài nguyên khoáng sản sét được khai thác cho sản xuất gạch, ngói, gốm trên địa bàn tỉnh là 14,14 triệu m3 (chiếm 30,6% tổng tài nguyên khoáng sản quy hoạch khai thác tận thu, cải tạo mặt bằng).

Đối với tài nguyên cát sông, kết quả khảo sát cát lòng sông trên địa bàn tỉnh cho thấy tổng dự báo tài nguyên dự trữ cát khoảng 129,8 triệu m3, trong đó phần đã thăm dò là 54,7 triệu m3. Trữ lượng có thể huy động vào sau khi trừ đi phần trữ lượng thuộc vùng cấm khai thác là 125,3 triệu m3.
 
Tổng trữ lượng và tài nguyên cát phân bố trên các sông như: sông Tiền, Cổ Chiên, Pang Tra, sông Hậu với tổng cộng 18 thân cát. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chất lượng cát chủ yếu chỉ đạt tiêu chuẩn sử dụng cho việc san lấp mặt bằng.

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã cấp 27 giấy phép khai thác cát. Sản lượng khai thác năm 2012 khoảng 1,1 triệu m3. Tính đến tháng 6/2013, số giấy phép còn hạn khai thác là 6 giấy phép với tổng công suất là 900 ngàn m3.

Theo quy hoạch khai thác sét đến năm 2020, 2 huyện Long Hồ và Mang Thít được quy hoạch khai thác trên toàn bộ các mỏ với khối lượng trên 7 triệu m3.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít Trương Thành Phi cho biết, sản lượng khai thác như trên là khá cao bởi thời gian qua nguồn sét được khai thác trên địa bàn huyện giờ đã cạn kiệt, nếu tiếp tục khai thác trên toàn bộ các mỏ với sản lượng này thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Đối với tài nguyên cát sông, ông Trương Thành Phi tỏ ra băn khoăn vì nguồn tài nguyên này có giới hạn. Trong khi quy hoạch khai thác với sản lượng ngày càng tăng thì không khả thi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình Nguyễn Thanh Phong cũng cho rằng, việc quy hoạch khai thác sét tại 3 xã Hậu Lộc, Phú Lộc và Song Phú với sản lượng 1,8 triệu m3 là chưa hợp lý vì đây là vùng trũng nên nguồn sét khó đáp ứng theo quy hoạch khai thác.

Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên

Báo cáo của Viện VLXD cho thấy, tiềm năng khai thác sét cho sản xuất gạch, gốm của Vĩnh Long là khá lớn, tuy nhiên việc khai thác tận thu, cải tạo mặt bằng là vấn đề khó khăn nếu không có quy hoạch cũng như biện pháp khai thác tận thu đồng bộ thì sẽ ảnh hưởng tới việc canh tác hoa màu theo vụ của người dân.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Hữu Đức cho rằng: Mặc dù nguyên liệu sét của tỉnh được xác định có trữ lượng lớn, khả năng khai thác còn nhiều, tuy nhiên thời gian qua ngành sản xuất gạch, gốm của tỉnh đã phải sử dụng đến nguồn nguyên liệu sét từ các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Bến Tre,…

Do đó, cần quy hoạch khai thác hợp lý để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này, đặc biệt cần khai thác tập trung tránh tình trạng khai thác kiểu “da beo” ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Ông Đoàn Thanh Bình- Giám đốc Sở Xây dựng cũng đặt vấn đề về tính khả thi của việc khai thác cát. Chỉ với công suất khai thác hàng năm thì hoạt động khai thác cát sông đã phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, nhiều vụ sạt lở bờ sông được cho là có liên quan đến việc khai thác cát chưa hợp lý. Do đó, theo quy hoạch sản lượng khai thác ngày càng tăng thì cần tính toán kỹ trên cơ sở bám chặt quy hoạch thăm dò và khai thác.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Anh Vũ yêu cầu ngành chuyên môn tiếp tục rà soát sản lượng khai thác tài nguyên ở từng địa bàn trên cơ sở xác định vùng mỏ, trữ lượng cụ thể để khai thác hợp lý, sử dụng nguồn tài nguyên thật hiệu quả.

Đồ án Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư và đơn vị tư vấn là Viện VLXD (trực thuộc Bộ Xây dựng).

Nội dung nghiên cứu của đồ án nhằm đánh giá, phân tích thực trạng ngành sản xuất VLXD ở tỉnh Vĩnh Long hiện nay và các yếu tố, nguồn lực tác động đến sự phát triển của ngành trong thời gian tới. Quy hoạch cũng đã tính toán, lựa chọn phát triển sản phẩm VLXD phù hợp, tiến tới xây dựng các phương án quy hoạch định hướng phát triển ngành VLXD từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Qua thẩm định, Hội đồng thẩm định yêu cầu nhóm tác giả chỉnh sửa một số nội dung theo các ý kiến đóng góp để hoàn thiện báo cáo trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh