Chú Hai Lúa vừa “gả” cặp heo vô tạ. Bỏ túi thấy “nặng nặng” nên vui vẻ ra chợ định cắt ít ký thịt về đãi vợ con.
Chú Hai Lúa vừa “gả” cặp heo vô tạ. Bỏ túi thấy “nặng nặng” nên vui vẻ ra chợ định cắt ít ký thịt về đãi vợ con.
Nhưng hỏi giá, chú liền kêu trời “cái gì, thôi, tui bán nguyên cả tạ heo có hơn 4 triệu bạc mà mua lại 2 ký thịt gần 200 ngàn, về vợ tui… rầy chết”. Tại chú Hai ít đi chợ thôi, chứ chuyện này… không lạ. Giá nông sản từ vườn ra tới chợ, dù đôi khi chỉ cách chừng chục cây số, đã chênh lệch gấp đôi ba lần.
Chẳng hạn, tại Ngãi Tứ (Tam Bình), giá dưa leo chỉ 2.000- 2.500 đ/kg, thì tại chợ Vĩnh Long giá không dưới 10.000 đ/kg (gấp 4- 5 lần). Giá chanh ở cù lao Minh 2.000 đ/kg, thì ở chợ không dưới 7.000- 8.000 đ/kg.
Tại miệt rẫy Bình Tân, giá hành lá 10.000 đ/kg thì ở các chợ giá luôn trên 20.000 đ/kg. Thậm chí, tại vùng rau Phước Hậu (Long Hồ), dù cách chợ tỉnh chỉ vài cây số nhưng giá chợ cũng đã tăng gấp rưỡi, gấp đôi.
Nông dân miệt Mang Thít, Tam Bình nuôi vịt đẻ cũng “bật ngật” khi nghe người kẻ chợ than mua trứng vịt đắt quá, vì tại ruộng, bà con chỉ bán được giá trứng “từ lỗ vốn đến huề hoặc lời chút đỉnh” mà thôi. Bức xúc nhất là các thời điểm giá heo hơi, vịt, gà… rớt giá thê thảm, người chăn nuôi lỗ lã liên tục; trong khi đó, người mua thịt ăn vẫn chịu giá cao mà không biết kêu ai.
Cũng không hơn gì, các nhà vườn bán trái cây luôn than giá thấp. Đặc sản còn đỡ, cỡ mít, mận, xoài, cóc ổi… nhà vườn thường bán thúng, bán đống giá rẻ bèo. Nhưng ở chợ, người mua cân từng trái một, giá cao chót vót.
Nếu không quản lý được điều này, thiệt hại trước nhất là ở phía nông dân. Bán giá thấp không có lời, họ không có sức để tái đầu tư, nền nông nghiệp giảm sức mạnh. Ra thị trường, giá nông sản nội địa cao hơn hàng nhập ngoại (nhất là hàng trôi nổi, hàng Trung Quốc) sẽ làm giảm sức cạnh tranh.
Một quãng đường, ba lần giá, mấy lần đau.
THÁI BÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin