
Tuy không phải là xã điểm nhưng với tinh thần thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới”, đến nay xã Bình Ninh (Tam Bình) đã thực hiện đạt 11 tiêu chí xã nông thôn mới (NTM). Trong đó, phát triển giao thông nông thôn và mở rộng làng nghề, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân được Đảng bộ tập trung thực hiện.
Làng nghề đan lục bình đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng ngàn lao động nông thôn tại Bình Ninh.
Tuy không phải là xã điểm nhưng với tinh thần thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới”, đến nay xã Bình Ninh (Tam Bình) đã thực hiện đạt 11 tiêu chí xã nông thôn mới (NTM). Trong đó, phát triển giao thông nông thôn và mở rộng làng nghề, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân được Đảng bộ tập trung thực hiện.
Mở giao thông
Ông Phan Thanh Sang- Phó Chủ tịch UBND, Phó BCĐ Xây dựng NTM xã cho biết, Bình Ninh hiện có các tuyến giao thông chính (liên xã, liên ấp) trong quy hoạch được duyệt với tổng chiều dài trên 15km.
Trong đó, xã được hưởng lợi từ tuyến Đường tỉnh 904 đi qua dài 3km; tuyến liên xã Ngãi Tứ- Bình Ninh- Loan Mỹ dài 4km; tuyến liên ấp từ Đường tỉnh 904 qua trung tâm xã đến đường liên xã gần 4km.
Các tuyến đường nói trên đã đi qua 9/11 ấp của xã. Hiện còn tuyến liên ấp An Phú Tân- An Phú- An Hòa B (từ trung tâm xã đến đường liên xã Ngãi Tứ- Bình Ninh- Loan Mỹ), xã đã có đề án được duyệt và vận động nhân dân đồng tình hiến đất để làm đường, đang đề nghị về trên có kế hoạch đầu tư kinh phí triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Nhiều tuyến đường liên xóm trên cơ sở xây dựng xã văn hóa, ấp văn hóa đã được đan hóa, những đoạn còn lại cũng được các ấp tổ chức vận động người dân thực hiện rải đá đạt kết quả tốt, phục vụ đi lại sản xuất được thuận tiện dễ dàng.
Minh chứng cho sự đổi thay này, ông Võ Văn Hai- một người dân sống trên 40 năm ở Bình Ninh cho biết: “Trước đây, đường lầy lội đi lại khổ cực lắm, nhưng sau nhờ Nhà nước quan tâm làm lộ lớn. Bây giờ đường sá khang trang, xe hơi đi tới nhà. Hàng hóa của nông dân chuyên chở đi bán hoặc mua xi măng, gạch cất nhà rất tiện. Bà con ở đây ai cũng phấn khởi”.
Theo BCĐ Xây dựng NTM xã Bình Ninh, đổi thay lớn nhất ở xã trong thời gian qua là mạng lưới giao thông nông thôn.
Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cộng với sự tham gia đóng góp tích cực của người dân trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trước đây và phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” hiện nay nên những con đường lầy lội, trơn trợt ngày nào đã được nâng cấp bằng đường đan, đường nhựa thông thoáng.
Nền tảng này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển nông thôn Bình Ninh khá toàn diện.
Rộng làng nghề
Khi giao thông phát triển, nhiều mặt kinh tế- xã hội cũng phát triển theo. Cụ thể trong vài năm trở lại đây, Bình Ninh phát triển được 5 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 4 làng nghề với 18 tổ hợp tác đan lục bình và 2 tổ may gia công, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.100 lao động với mức thu nhập bình quân mỗi lao động từ 1,2- 1,5 triệu đồng/tháng.
Bình Ninh ngày nay đã có một mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn, đi xã, đi huyện, đi tỉnh rất nhanh.
Chị Phạm Thị Tơ- Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp An Hòa A cho biết: “Làng nghề đan lục bình ấp này có 250 người tham gia nhận sản phẩm về đan tại nhà. Phần tôi chịu hướng dẫn và kiểm tra về kỹ thuật, đồng thời phân phối vật tư nguyên liệu cho các tổ viên gia công và nhận lại sản phẩm hoàn chỉnh để giao về trên cho các đơn vị, công ty đặt hàng.
Mỗi tổ viên làm gia công có thu nhập trung bình từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/ tháng. Người đan giỏi hoặc dành nhiều thời gian hơn cho việc đan gia công này có thể thu nhập đến 1,8 triệu đồng/tháng. Người có trình độ, tay nghề cao hơn, đan những sản phẩm đặc biệt có thể thu nhập lên đến 2,5 triệu đồng/ tháng”.
Chị Tơ cũng vui mừng tiết lộ: Với vai trò “nhạc trưởng” như chị, mỗi tháng cũng có thu nhập từ 4- 6 triệu đồng, tùy mặt hàng và sản phẩm mà làng nghề của chị nhận gia công nhiều hay ít.
Chị Đinh Thị Tuyết Khoa- hộ nghèo tham gia gia công đan lục bình, phấn khởi nói: “Em ra riêng cũng 2 năm rồi. Lúc trước, chưa có làng đan lục bình, cuộc sống gia đình em rất khó khăn. Bây giờ, có mấy chị phụ nữ vận động và tổ chức đan các sản phẩm lục bình, thấy có lợi lắm. Cả vợ chồng em đều tham gia đan. Một tháng cũng kiếm thêm được trên 2 triệu đồng. Cuộc sống được thoải mái hơn và gia đình em hết nghèo”.
Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Ninh Phạm Thúy Hằng- cho biết: “Tới đây Hội Phụ nữ xã sẽ tích cực liên kết với các ngành có liên quan để mở các lớp đào tạo nghề, nhất là nghề làm thủ công mỹ nghệ, giải quyết việc làm tại chỗ nhằm giúp chị em nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, xóa nghèo bền vững góp phần cho xã sớm thực hiện đạt các tiêu chí NTM”.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Ninh Phan Thanh Sang thông tin thêm: Theo BCĐ xã xác định, Bình Ninh đã đạt được 11 tiêu chí. Tuy nhiên, qua kiểm tra của BCĐ huyện mới đây, 2 tiêu chí về quy hoạch và y tế cần phải được điều chỉnh và bổ sung thì mới đạt trọn vẹn.
7 tiêu chí còn lại: thu nhập, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, nhà ở, môi trường, hệ thống chính trị và an ninh trật tự sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện trong thời gian tới. Một số chỉ tiêu trong các tiêu chí còn lại cần phải đầu tư vốn lớn như nước sạch, cơ sở vật chất văn hóa, trường học. Nếu được sự quan tâm đầu tư kịp thời của trên, cuối năm 2015, Bình Ninh cũng sẽ thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
Đổi thay lớn nhất ở xã Bình Ninh trong thời gian qua là mạng lưới giao thông nông thôn. Hiện nay nên những con đường lầy lội, trơn trợt ngày nào đã được nâng cấp bằng đường đan, đường nhựa thông thoáng. Nền tảng này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển nông thôn Bình Ninh khá toàn diện. |
Bài, ảnh: TRẦN ÚT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin