
Không chỉ là vùng trồng rau màu lớn của tỉnh An Giang, mô hình sản xuất gắn với thị trường, liên kết tiêu thụ ở huyện cù lao Chợ Mới còn phát huy hiệu quả kinh tế cao.
Con đường rau màu ở xã Kiến An.
Không chỉ là vùng trồng rau màu lớn của tỉnh An Giang, mô hình sản xuất gắn với thị trường, liên kết tiêu thụ ở huyện cù lao Chợ Mới còn phát huy hiệu quả kinh tế cao.
Đa dạng kênh phân phối
Chợ Mới hiện có diện tích trồng màu lớn nhất tỉnh An Giang với hơn 30.200ha, cho giá trị thu nhập cao gấp 10 lần trồng lúa.
Theo ông Lê Nghĩa Thuấn- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, bình quân mỗi ngày huyện cung ứng khoảng 120 tấn rau màu các loại cho thị trường trong và ngoài nước. Mỗi hecta rau màu mang lại giá trị sản xuất từ 500- 600 triệu đồng.
Phát huy thế mạnh rau màu, huyện đã quy hoạch 81 tiểu vùng đê bao kiểm soát lũ khép kín, bảo vệ cho 20.838ha đất sản xuất, trong đó có 26 tiểu vùng với 7.266ha chuyên canh cây màu.
Nhờ đó, cây màu Chợ Mới sản xuất được đa dạng chủng loại, ổn định quanh năm. Cùng với việc lựa chọn loại rau màu có giá trị kinh tế cao như: khoai môn, kiệu, ớt, hành, hẹ… nông dân “huyện màu” Chợ Mới có thể sản xuất màu quay vòng 5- 6 vụ/năm.
Anh Nguyễn Văn Minh- Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) sản xuất rau dưa Kiến An còn cho biết, “một số diện tích trồng màu vòng quay đất đạt 8 vụ/năm, bằng cách xen canh, lấy ngắn nuôi dài”.
Rau màu chiếm hơn 50% diện tích sản xuất nông nghiệp toàn xã, trong 12 ấp thuộc xã Kiến An đã có 4 ấp “chuyển màu toàn bộ”. Ngành nông nghiệp huyện đã chuyển giao, hướng dẫn nông dân theo quy trình sản xuất rau an toàn 200ha với 130 hộ tham gia.
Trong đó, gần 17ha của 59 thành viên THT đã được chứng nhận sản xuất rau, dưa an toàn. THT đầu tư phân bón và thu gom sản phẩm cung ứng thị trường ở TP Long Xuyên, các siêu thị Co.opmart, Metro…
Đa dạng kênh phân phối là nhân tố quan trọng để Chợ Mới nhân rộng diện tích trồng màu, đồng thời đảm bảo đầu ra cho hàng hóa nông sản. Theo ông Lê Nghĩa Thuấn, rau màu của huyện hiện có 3 kênh phân phối chính: là thương lái mua trực tiếp tại ruộng, các THT ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp tiêu thụ và liên kết với chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh.
Toàn huyện có 23 điểm tập kết rau màu trong huyện và các vùng màu lân cận, có khi lên đến 300 tấn/ngày. Vì thế, ông Thuấn cho rằng: “Chủ lực tiêu thụ rau màu vẫn là thương lái, với mạng lưới thu mua rộng khắp, đây là lực lượng quan trọng để nuôi các mặt hàng của mình. Cùng với đó, huyện đã có cơ sở phân phối tại chợ đầu mối Bình Điền, tạo mạng lưới tiêu thụ ổn định hơn”.
Riêng tại xã Kiến An có trên dưới 100 thương lái thu mua nông sản tận ruộng. Mà theo anh Nguyễn Văn Minh, thương lái còn cho nông dân mượn tiền trước để mua phân thuốc, tới mùa thu gom trừ dần. Nhưng “thương lái không ép giá, mua theo giá thị trường. Có nhiều thương lái nên cạnh tranh rất cao. Hàng hóa không bị tồn, bao nhiêu cũng mua hết.
Cùng nông dân làm giàu
“Huyện màu” Chợ Mới hiện có 65 loại rau, dưa chủ lực, đáp ứng nhu cầu đa dạng theo thị trường. Đa dạng chủng loại, sản lượng ổn định trong năm nhưng vẫn giữ vùng chuyên canh là định hướng sản xuất lâu dài.
Ví dụ, vùng khoai cao, kiệu trước chỉ làm theo mùa, nhờ áp dụng kỹ thuật cao giờ đã trồng rải đều cả năm. Ngành nông nghiệp không chỉ thường xuyên tập huấn kỹ thuật, mà còn “tìm đầu ra giùm nông dân. Tôi vừa tiếp thị được thêm 1 công ty đưa rau, dưa Chợ Mới ra thị trường”- ông Lê Nghĩa Thuấn cho biết.
Ông còn chia sẻ: “Để giúp người nông dân nắm bắt thị trường, giá cả, thứ 7, chủ nhật tôi cũng làm xiết. Đài của nông dân nằm ở các quán cà phê, nên cán bộ nông nghiệp tụi tui ra quán cà phê vừa nghe ngóng tình hình. Phải biết hàng của mình loại 1 ở đâu ăn, loại 2 ở đâu tiêu thụ để định hướng sản xuất. Sản xuất sản phẩm chất lượng, để chiếm lĩnh thị trường. Từ khuyến cáo sản xuất loại rau, dưa gì mình đã định luôn thị trường, vì thế thương lái không bỏ tụi tui”.
Bên cạnh, mỗi xã đều có kỹ thuật viên khuyến nông. Cán bộ nông nghiệp nhắc nhở thương lái không mua hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng uy tín “huyện màu”. Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, doanh nghiệp “đầu vào” phải kiểm soát thuốc trừ sâu, phân, hướng dẫn người dân xịt thuốc đúng, tuân thủ thời gian cách ly an toàn.
“Đầu ra” sản phẩm thông qua các THT đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và chịu trách nhiệm sản phẩm của mình. Huyện có 16 hợp tác xã, 74 THT nông nghiệp hướng tới sản xuất theo VietGAP… Tất cả đều hướng nông dân sản xuất theo thị trường, tăng giá trị sản phẩm.
An Giang hiện có 57.000ha trồng màu. Ngoài Chợ Mới, còn có những vùng chuyên canh rau màu sản xuất theo mô hình rau sạch, liên kết tiêu thụ ở Bình Thạnh (Châu Thành), Khánh Hòa (Châu Phú), Vĩnh Trường (An Phú)... Các thương lái từ TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Ðồng Tháp và cả Vĩnh Long thu mua, phân phối trong nước và xuất khẩu sang Campuchia. |
Bài, ảnh: TRẦN- HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin