
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) ĐBSCL các tháng đầu năm 2013 tiếp tục khó khăn. 65% DN có doanh thu giảm, kéo theo lợi nhuận giảm nghiêm trọng. Nhiều DN hoạt động chủ yếu duy trì sản xuất để bù khấu hao và trả lương cho người lao động. Theo đó, VCCI cũng đã tập hợp những kiến nghị của DN về các biện
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) ĐBSCL các tháng đầu năm 2013 tiếp tục khó khăn. 65% DN có doanh thu giảm, kéo theo lợi nhuận giảm nghiêm trọng. Nhiều DN hoạt động chủ yếu duy trì sản xuất để bù khấu hao và trả lương cho người lao động. Theo đó, VCCI cũng đã tập hợp những kiến nghị của DN về các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
![]() |
Bất động sản là một trong những ngành có lượng tồn kho lớn trong năm 2013. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
|
Năm 2013 được xem là thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế cả nước khi chịu ảnh hưởng chung của nền kinh tế toàn cầu trong thời gian qua. Theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011- 2013 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,6%/năm (kế hoạch đặt ra là 6,5- 7%/năm), đây là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây.
9 tháng đầu năm 2013, nhờ sự can thiệp kịp thời từ các chính sách của Chính phủ và sự năng động của các DN đã dần đưa kinh tế ổn định hơn. Nhờ vậy, xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng trưởng: đạt 90 tỷ USD, tăng 14,7%. 6 tháng đầu năm, số DN đăng ký thành lập mới đã cải thiện và bắt đầu tăng 7,6% so cùng kỳ.
Cùng với đó, số DN hoạt động trở lại cũng tăng dần qua từng tháng với khoảng 9.300 DN. Tuy nhiên, số vốn đăng ký của DN thành lập mới vẫn có xu hướng giảm. Nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1- 2 năm tới.
Cũng như cả nước, tình hình sản xuất kinh doanh của DN ĐBSCL các tháng đầu năm 2013 vẫn tiếp tục khó khăn. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh kém hơn so kỳ vọng. Khảo sát cho thấy, đa phần các DN đều có doanh thu và lợi nhuận giảm, tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu là rất thấp.
Những khó khăn tiêu biểu của DN trong năm là nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của thị trường trong nước ngày càng kém đi. Mặt khác, đa số DN rất khó tiếp cận vốn.
Theo đó, chỉ 36,84% DN được khảo sát tiếp cận được vốn với mức lãi suất 15%/năm, còn lại không tiếp cận được mức trần lãi suất này (chủ yếu do DN không chứng minh được năng lực tài chính, các khoản thanh qua ngân hàng, chưa kể phải có tài sản thế chấp).
Hàng tồn kho cũng là nút thắt lớn đối với DN. Khảo sát cho thấy, có 82,6% DN có hàng tồn kho với lượng lớn, tập trung vào một số ngành như: xây dựng, bất động sản, công nghệ chế biến và nông thủy sản… Bên cạnh đó, còn do DN ĐBSCL chưa theo kịp hội nhập kinh tế quốc tế; làm ăn thua lỗ nên thuế và các chính sách phải thực hiện cũng gây khó cho DN.
TS. Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cũng cho biết, những khó khăn trở ngại chính của các DN trong vùng xoay quanh 5 vấn đề lớn là: vốn, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, lao động, chất lượng nguồn nhân lực và thuế khóa.
Quy mô DN cũng nhỏ hơn rất nhiều so cả nước. Bình quân số lao động mỗi DN chỉ bằng 2/3, số vốn chỉ bằng 1/3, chỉ tiêu lợi nhuận và nộp thuế chỉ bằng 50%, đầu tư tài sản chưa bằng 1/3 so cả nước. Điều này cho thấy, thực tế hoạt động DN trong vùng đang gặp vô vàn khó khăn.
Để kịp thời có những giải pháp trợ giúp, tháo gỡ khó khăn cho DN, VCCI cũng đã tập hợp những kiến nghị của DN về xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, giải quyết hàng tồn kho; giải quyết nhu cầu vốn; cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính; củng cố lòng tin, tạo động lực cho DN mạnh dạn đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Theo đó, để giải quyết nhu cầu vốn cho DN, cần tiếp tục giảm lãi suất một cách tích cực, nhằm giảm gánh nặng cho DN đang nợ xấu và tăng cường cơ hội cho các DN muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; cần có chính sách kích thích kinh doanh, đầu tư mới, khởi sự DN để tạo ra một làn sóng mới, hơi thở mới cho nền kinh tế.
Bên cạnh, cần tiếp tục giảm và giãn thuế cho DN, đặc biệt đối với các DN vừa và nhỏ. Kiểm soát chặt chẽ việc tăng chi phí đầu vào, như giá điện, nước, than, xăng dầu,… Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính bảo đảm các cơ quan công quyền và công chức đồng hành cùng DN, công khai minh bạch, giảm thời gian, chi phí và rủi ro hành chính cho DN.
Theo khảo sát của VCCI Cần Thơ, niềm tin của DN vào nền kinh tế đang giảm sút, năm 2012 có 50% DN cho rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng, năm 2013 chỉ tiêu này giảm xuống còn 40%.
Cần nhanh chóng có biện pháp giúp DN khôi phục lòng tin vào nền kinh tế thông qua các giải pháp như: tăng cường đối thoại; xử lý nghiêm các vụ tham nhũng, nhũng nhiễu DN; kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Vĩnh Long hiện có khoảng 3.200 DN, chiếm 3,4% DN trong khu vực. Trong năm, có 215 DN đăng ký thành lập mới, 36 DN tạm ngừng hoạt động, 42 DN giải thể- nhiều nhất là DNTN. Bên cạnh, đã làm thủ tục xóa tên 230 DN (do DN bỏ địa chỉ kinh doanh, nghỉ hoạt động chưa làm thủ tục…).
|
NAM ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin