Trà Vinh- xúc tiến tìm đầu ra cho nông sản

07:11, 19/11/2013

“Mạnh ai nấy làm” và thiếu tính liên kết làm cho nhiều mặt hàng nông sản ở Trà Vinh đánh mất thế mạnh. Để giải quyết khó khăn này, mới đây, trong khuôn khổ hội chợ “Lúa gạo và Xúc tiến thương mại- Du lịch gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2013”, tỉnh thể hiện rõ mong muốn tìm các giải pháp tạo đầu ra cho nông sản, thực phẩm.


Nông dân đến hội chợ tìm giống mới phục vụ sản xuất.

“Mạnh ai nấy làm” và thiếu tính liên kết làm cho nhiều mặt hàng nông sản ở Trà Vinh đánh mất thế mạnh.

Để giải quyết khó khăn này, mới đây, trong khuôn khổ hội chợ “Lúa gạo và Xúc tiến thương mại- Du lịch gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2013”, tỉnh thể hiện rõ mong muốn tìm các giải pháp tạo đầu ra cho nông sản, thực phẩm.

Tạo cầu nối giao thương

Hội chợ thu hút khoảng 400 gian hàng của hơn 200 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh trưng bày các ngành hàng như: lúa gạo, máy móc thiết bị phục vụ cho ngành nông nghiệp; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng; thực phẩm chế biến lúa gạo…

Hội chợ còn là cơ hội để các đơn vị, DN tạo cầu nối giao lưu, giao thương giữa DN với DN, DN với người tiêu dùng nhằm phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế trong khâu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Công ty Lương thực Trà Vinh (IMEX TRAVINH) mang đến nhiều mặt hàng “thương hiệu Trà Vinh”. Đặc biệt, mặt hàng gạo được đóng gói, ghi nhãn mác khá bắt mắt với giá cả hợp lý nên được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Bên cạnh, còn giới thiệu sản phẩm làm từ gạo là bánh tráng nhãn hiệu “Trái khóm” đã có mặt tại nhiều thị trường nội địa và xuất khẩu tại Hàn Quốc, Mỹ, Nhật,
Úc, Pháp,…

Ông Nguyễn Minh Chinh- cố vấn kỹ thuật Công ty CP Phân bón Bình Điền- TP Hồ Chí Minh nhận định, Trà Vinh đang tạo sức hút, hợp đồng nhiều DN cung ứng và chế biến tìm đầu ra cho hàng nông sản.

Là đơn vị tham gia tài trợ hội thảo “Giao lưu nhà nông với nhà cung cấp”- theo ông Nguyễn Minh Chinh- Công ty CP Phân bón Bình Điền sẽ tạo cầu nối cho nông dân gặp gỡ trực tiếp với các nhà khoa học, cập nhật những quy trình sản xuất mới, phương pháp canh tác an toàn và hiệu quả nhất.

Từ đó, giúp cho sản phẩm hàng hóa ngày càng hoàn thiện, chất lượng hơn nhằm kêu gọi được các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển thị trường nội địa.

Đưa hàng “đặc trưng” vào siêu thị

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thành Tâm: Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nói chung và DN Trà Vinh gặp nhiều khó khăn, thị trường đầu ra bị thu hẹp, sản phẩm tiêu thụ chậm,... đặc biệt là hàng nông sản, thực phẩm.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1713/QĐ- UBND triển khai thực hiện tìm đầu ra các mặt hàng nông sản, thực phẩm của tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2013- 2015.

Theo đó, các ngành liên quan tiếp tục rà soát, phối hợp thực hiện tốt vai trò trong việc tìm đầu ra cho hàng nông sản, thực phẩm; phát huy vai trò của kinh tế hợp tác trong tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, tỉnh sẽ phối hợp tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản tại các chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh như: cá lóc, mía (Trà Cú); măng cụt, cam sành (Cầu Kè), dưa hấu, nghêu, cua biển (Duyên Hải), ca cao (Tiểu Cần); đậu phộng (Cầu Ngang); thanh long ruột đỏ (Càng Long)… Hình thành các cơ sở, DN chế biến, đầu mối thu gom hàng nông sản tại các địa phương.


Nhiều DN ĐBSCL tham gia quảng bá, tạo cầu nối giao thương.

Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh cũng đang lập mới, bổ sung 10 quy hoạch phát triển hàng nông sản tại địa phương đến năm 2020. Đồng thời, kiện toàn bộ máy tổ hợp tác, hợp tác xã tạo mối liên kết 4 nhà.

Giai đoạn từ nay đến 2015 và định hướng đến năm 2020, Trà Vinh đã quy hoạch phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao rộng khoảng 50.000ha. Mục tiêu sẽ xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu; đồng thời tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất hàng nông sản theo hướng tập trung, với khối lượng lớn nhằm nâng cao chuỗi giá trị lúa hàng hóa.

Tiến tới mỗi địa phương có ít nhất 2 mô hình cơ sở, DN sản xuất hàng hóa đạt các tiêu chuẩn; phấn đấu đến năm 2015, có ít nhất 20 sản phẩm đặc trưng được đưa vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại của cả nước và thiết lập kênh phân phối tại thị trường các nước Campuchia, Lào, Myanmar.

Trà Vinh đang có kế hoạch hỗ trợ cho các cơ sở, DN nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm và khai thác tốt các loại hình thị trường, tạo sức cạnh tranh mới cho DN; đẩy mạnh phương thức tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, tạo mối liên kết, hợp tác chặt chẽ trong việc tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản, thực phẩm của tỉnh từ khâu sản xuất đến phân phối và tiêu thụ hàng hóa.
 
Tăng cường hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, đảm bảo đủ sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho DN tăng cường công tác quảng bá thương hiệu...

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh